Áp lực xả hàng tăng mạnh về cuối phiên khiến VN-Index lao dốc đến gần đáy ngày và đóng cửa tại 762,47 điểm, giảm 6,64 điểm (-0,86%) so với tham chiếu.
HOSE – Thận trọng
Trong phiên sáng đầu tiên của tháng 5, áp lực xả hàng tăng mạnh khiến chỉ số VN-Index rớt xuống vùng 762 điểm, thấp hơn 7 điểm so với tham chiếu ngay sau phiên ATO, tạo đáy thấp nhất trong ngày. Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử với 181 mã giảm giá và chỉ có 70 mã tăng giá.
Tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng. Hiệu ứng hay được nhắc tới của tháng này là ‘Sell in May, Go Away’ – ‘Bán trong tháng 5 và biến khỏi thị trường’, do đây thường là khoảng thời gian thiếu vắng thông tin hỗ trợ khiến cho tâm lý trên thị trường không quá tích cực và nhà đầu tư cũng hạn chế giải ngân hơn.
Tuy nhiên, lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy tỷ lệ tăng/ giảm trong tháng 5 khá cân bằng và tháng tồi tệ nhất thường rơi vào tháng 11 hàng năm.
Trở lại với diễn biến sáng nay, sau khi rớt đáy, lực cầu gia tăng giúp chỉ số VN-Index đi lên và trở lại vùng 769 điểm với sắc xanh nhạt vào lúc 10h25. Tuy nhiên, số mã giảm vẫn chiếm đa số, trạng thái phân hóa tăng cao, đà tăng của chỉ số chính chủ yếu nhờ các mã vốn hóa lớn như SBT, HDB, GAS, VHM, TCB.
Do thiếu đi thông tin hỗ trợ, dòng tiền nhập cuộc hạn chế, chỉ số chính quay lại vùng dưới tham chiếu và tạm dừng phiên sáng tại 768,11 điểm, giảm 1 điểm (-0,13%) so với tham chiếu. Giá trị giao dịch giảm 7%, đạt 2,05 nghìn tỷ đồng, tương đương 171,49 triệu đơn vị.
Đến chiều, áp lực xả hàng tăng mạnh hơn và ép chỉ số chính lao dốc liên tục cho đến gần đáy đầu ngày và đóng cửa tại 762,47 điểm, giảm 6,64 điểm (-0,86%) so với tham chiếu.
Chốt phiên hôm nay có 110 mã tăng và 251 mã giảm giá, trong đó, 16 mã tăng trần và 21 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 8 mã tăng giá, trong đó HDB dẫn đầu với 4,36%; SBT và VHM tăng trên 2%. Ở phía ngược lại, POW giảm sàn, ngoài ra, nhóm tám mã giảm trên 2% gồm SAB, MSN, VPB, MWG, BVH, SSI, CTD, ROS.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm ngân hàng phân hóa mạnh với 5 mã giảm và 4 mã tăng giá. Do đó, ngành này tạo áp lực lên VN-Index với 0,9 điểm ảnh hưởng.
Ở cổ phiếu riêng lẻ, SAB, VNM, GVR và MSN là bốn mã góp phần nhiều nhất vào đà giảm của chỉ số chính với 4,3 điểm ảnh hưởng.
Trái lại, nhóm cổ phiếu Vingroup, với VIC giảm nhe, VHM và VRE tăng giá, đã kìm hãm mạnh đà giảm mạnh nhất của VN-Index với 1,4 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 14% về lượng nhưng giảm 5% về giá trị so với phiên trước, đạt 285,6 triệu đơn vị, tương ứng với 4 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,6 triệu đơn vị, tương đương 1,02 nghìn tỷ đồng, riêng GAB thỏa thuận gần 2 triệu đơn vị, giá trị 297,8 tỷ đồng; EIB thỏa thuận 140,6 tỷ đồng; SAB thỏa thuận hơn 124 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã FLC (-5,7%) với 19,5 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là ITA (tăng trần) với 15,6 triệu đơn vị và DLG (giảm sàn) đạt 13 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 23 liên tiếp với 87,83 tỷ đồng, tương đương 11,78 triệu đơn vị, giảm 82% về giá trị và 55% về lượng so với phiên trước.
Trong đó, VHM dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 20,18 tỷ đồng, tương đương 312,6 triệu đơn vị. MSN theo sau được mua ròng 19,97 tỷ đồng, HDB với 17,8 tỷ đồng, CTG với 14,81 tỷ đồng và VPB được mua ròng 14,76 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là STB với 15,4 tỷ đồng, tương đương 1,7 triệu đơn vị. Ba mã khác bị bán ròng trên 10 tỷ đồng gồm SSI, PVD và NVL. Điều này cho thấy khối ngoại giảm xả hàng sau kỳ nghỉ lễ.
Trong phiên giao dịch hôm nay, duy nhất mã OGC (CTCP Tập đoàn Đại Dương) có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.
HNX – Lùi về vùng 105 điểm
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, áp lực chốt lời liên tục gia tăng khiến chỉ số HNX-Index lao dốc cả phiên và đóng cửa tại 105,72 điểm, giảm 1,12 điểm (-1,05%), với 59 mã tăng giá và 92 mã giảm giá.
VIF (-9%), SHB (-1,89%) và ACB (-0,98%) là ba mã góp phần nhiều nhất với đà giảm của chỉ số chính với 0,7 ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch giảm 20% về lượng và 13% về giá trị so với phiên trước, đạt 41,6 triệu đơn vị, tương ứng với 316 tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, KLF (-8,3%) dẫn đầu sàn khi đạt 7,86 triệu đơn vị. HUT (-5,6%) theo sau với 6,1 triệu đơn vị, PVS (-0,9%) đạt 5,3 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 32,33 tỷ đồng, tương đương 5,04 triệu đơn vị, tăng hơn 3,6 lần về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 24 mã và mạnh nhất là SHB được mua ròng 1,53 tỷ đồng, tương đương 98,09 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 28 mã và dẫn đầu là PVS đạt 27,82 tỷ đồng, tương đương 2,37 triệu đơn vị.
Bình luận cuối phiên
Theo đánh giá của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), kết thúc kỳ nghỉ lễ kéo dài bốn ngày, thị trường giảm điểm trong phiên đầu tuần với thanh khoản ở mức trung bình. Diễn biến này có thể coi là bình thường vì thị trường chứng khoán Mỹ đã có nhịp điều chỉnh trong hai phiên cuối tuần trước.
Về kỹ thuật, tín hiệu ngắn hạn của VN-Index và HNX-Index trở nên tiêu cực hơn khi đánh mất ngưỡng 965 điểm (MA20) và 106 điểm (MA20) trong phiên hôm nay. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị thấp hơn giai đoạn trước đó khoảng 120 tỷ đồng trên hai sàn.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch ngày mai (5/5), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với vùng hỗ trợ gần nhất quanh ngưỡng 750 điểm (target của mô hình 2 đáy trước đó). Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể bán ra nếu như VN-Index có nhịp tăng lên quanh ngưỡng kháng cự 780 điểm (MA50). Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 750 điểm để tham gia một phần tỷ trọng.
Trong khi đó, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index sẽ điều chỉnh về vùng 755-760 điểm trong phiên kế tiếp. Nếu không giữ được vùng hỗ trợ này, chỉ số nhiều khả năng sẽ giảm về vùng hỗ trợ mạnh 700-730 điểm trong ngắn hạn. Thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu theo kết quả lợi nhuận quý 1 và kế hoạch kinh doanh cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.
Dù vậy, BVSC cũng lưu ý rằng, tác động tiêu cực từ Covid-19 có thể khiến kết quả kinh doanh quý I và đặc biệt là quý II của các doanh nghiệp không được như kỳ vọng. Điều này sẽ tạo ra lực cản đáng kể đối với đà hồi phục của các nhóm cổ phiếu. Thêm vào đó, hoạt động bán ròng của khối ngoại nếu tiếp tục kéo dài có thể tạo ra hiệu ứng tâm lý không tốt và có thể khiến cho áp lực bán gia tăng mạnh khi diễn biến thị trường có sự chuyển biến xấu đi.
BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Ngoài ra, sau khi đã thực hiện bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn tại vùng 790-820 điểm, nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài quan sát thị trường.
>> Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 5/5: Lại là nội bộ đăng ký mua và chỉ mua được một phần