Tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục tăng mạnh

Dòng tiền gửi vào ngân hàng đang có xu hướng tăng lên khi lãi suất huy động tăng trở lại và các kênh đầu tư không còn sôi động như trước.

Tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục tăng mạnh
Xu hướng tăng lãi suất ngày càng phổ biến ở nhiều ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã cập nhật số liệu tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng. Cuối tháng 3, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 13,8 triệu tỷ đồng, tăng 3,45% so với đầu năm.

Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng khả quan. Số dư tiền gửi của khách hàng cuối tháng 3 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.

Trong đó, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,47 triệu tỷ đồng, tăng gần 174.000 tỷ trong 3 tháng đầu năm, tương đương tăng 3,28%. Mức tăng này lớn hơn cả tăng trưởng đạt được trong năm 2021 (chỉ hơn 158.000 tỷ đồng). Tiền gửi dân cư tăng trưởng dương cả trong 3 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ các năm trước sẽ sụt giảm 1-2 tháng do yếu tố mùa vụ Tết Nguyên Đán.

Tiền gửi của doanh nghiệp cũng tăng mạnh trong tháng 3 khi doanh nghiệp gửi ròng vào ngân hàng thêm gần 230.000 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I, tiền gửi của nhóm khách hàng này đạt hơn 5,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, tiền gửi dân cư tăng thấp trong năm 2021 là do lãi suất tiền gửi thấp trong khi các kênh chứng khoán, trái phiếu và bất động sản thu hút hơn với khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, xu hướng này đang có sự thay đổi khi lãi suất huy động tăng trở lại và các kênh đầu tư không còn sôi động như trước.

Trong tháng 5, đã có nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động, theo đó, lãi suất cao nhất trên thị trường ghi nhận mốc cao mới khi nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất lên cao nhất trên 7%/năm.

Theo báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, trong quý I, chỉ có 7 nhà băng ghi nhận sự sụt giảm tiền gửi và 21 ngân hàng tăng trưởng dương, VPBank tăng mạnh nhất 13,4%, tiếp theo là HDBank (9,9%), TPBank (9,3%), SCB (9,1%)…

Tiền gửi vào ngân hàng được dự báo có thể tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới khi lãi suất huy động có xu hướng tăng thêm và các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản gặp nhiều rủi ro.

Trong báo cáo phân tích gần đây, Công ty chứng khoán VCBS dự báo, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 100-150 điểm cơ bản trong cả năm 2022.

Theo TheLEADER

Next Post

Bất ổn từ các cuộc đấu giá đất ở Thanh Hoá

T3 Th5 31 , 2022
Phía sau các cuộc đấu giá đất nền Thanh Hoá, chiêu trò của môi giới tạo khan hàng, sốt đất ảo đã để lại hệ luỵ rất lớn đối với thị trường bất động sản và các nhà đầu tư. Source: Bất ổn từ các cuộc đấu giá đất ở […]
Copyright All right reserved

Chuyên mục