Thời gian gần đây đã có hiện tượng ngân hàng thực hiện bán nợ cho trả chậm với bên mua nợ không phải là tổ chức tín dụng. Hoạt động này có thể dẫn đến việc phản ánh thiếu khách quan về tình trạng của các khoản nợ cấp tín dụng tại các ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015 quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
NHNN cho biết Thông tư số 09 ban hành và thực hiện được hơn 5 năm, trong quá trình thực hiện mua bán nợ, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo có phát sinh một số vướng mắc do Thông tư số 09 đã có quy định nhưng chưa hướng dẫn cụ thể để xử lý một số trường hợp phát sinh trong thực tế về: Định giá khoản nợ; xử lý chênh lệch tỉ giá; xử lý tài chính đối với trường hợp bên mua nợ là TCTD…
Đặc biệt, thời gian gần đây đã có hiện tượng TCTD thực hiện bán nợ cho trả chậm với bên mua nợ không phải là TCTD. Hoạt động này có thể dẫn đến việc phản ánh thiếu khách quan về tình trạng của các khoản nợ cấp tín dụng tại các TCTD.
Cụ thể, khoản nợ được coi là chưa hoàn thành việc mua, bán nợ khi các bên đã ký hợp đồng mua bán nợ và đang trong thời gian thực hiện hợp đồng. Bên mua chưa hoàn thành việc thanh toán tiền theo hợp đồng và bên bán chưa thực hiện chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ. Khoản nợ vẫn thuộc sở hữu của bên bán nợ.
Trạng thái sở hữu khoản nợ là cơ sở để xác định rõ quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu khoản nợ trong việc quản lý, theo dõi, chịu rủi ro trong quá trình các bên thực hiện mua, bán nợ.
Che giấu nợ xấu
Tuy nhiên, Thông tư 09 hiện chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Do vậy, theo NHNN, TCTD có thể lợi dụng việc mua bán nợ nhằm mục đích che giấu nợ xấu.
Theo dự thảo mới, các khoản nợ chưa hoàn thành việc mua bán vẫn thuộc sở hữu của bên bán nợ. Do vậy, bên bán vẫn phải quản lý phân loại nợ và trích lập dự phòng theo quy định. Số tiền bên mua đã trả (chưa đủ) được xem là số tiền trả trước.
Dự thảo cũng chỉ rõ trong trường hợp khoản nợ được bán cho nhiều bên thì việc quản lý khoản nợ cần được các bên thoả thuận với nhau về tỷ lệ tham gia, phương thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của các bên, phân chia tài sản bảo đảm.
Trong trường hợp bên bán nợ còn sở hữu một phần khoản nợ thì bên bán cần tiếp tục làm đầu mối thực hiện quản lý hồ sơ, tài liệu,.. của khoản nợ để đảm bảo không làm phát sinh thêm vấn đề có thể gây ra rủi ro đối với TCTD. Bên bán cũng có thể tiếp tục làm đầu mối nếu các bên mua nợ đề xuất.
Bên cạnh đó, Luật Đấu giá tài sản không có quy định cho phép TCTD được tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ. Do vậy, khoản 2 Điều 10 của Thông tư 09 được sửa đổi bỏ quy định cho phép TCTD được tự bán đấu giá tài sản.
Dự thảo mới bổ sung khẳng định rõ TCTD có quyền tự chủ trong định giá khoản nợ theo Luật Giá. Đồng thời quy định rõ hơn việc hạch toán trong một số trường hợp phát sinh như chênh lệch tỷ giá; giá bán thấp hơn hoặc cao hơn giá ghi sổ; tiến trình thu gốc và lãi khác nhau…
Theo Theleader