Không phát triển khách mới, tập trung hỗ trợ khách cũ khiến nhiều ngân hàng có tăng trưởng dư nợ tín dụng âm trong 4 tháng đầu năm 2020.
>> Đơn xin giãn nợ của các cá nhân dồn dập gửi về ngân hàng
Đồng loạt tăng trưởng tín dụng âm
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của VietinBank đạt 1,22 triệu tỷ đồng, giảm 1,46% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay giảm 1,25% xuống 923.623 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng chỉ tăng nhẹ hơn 2.900 tỷ lên 895.750 tỷ đồng.
Saigonbank vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với nhiều chỉ tiêu kinh doanh công bố giảm so với cùng kỳ 2019.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay, Saigonbank không tăng trưởng được tiền gửi khách hàng vào ngân hàng khiến nguồn tiền này sụt giảm 0,8%, về mức 15.543 tỷ đồng.
Trong khi đó, hoạt động cho vay khách hàng cũng giảm 2,3%, về mức 14.215 tỷ đồng. Tổng tài sản của Ngân hàng cũng theo đó giảm gần 11%, về mức 20.308 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2020, Saigonbank ghi nhận lãi thuần từ hoạt động cho vay giảm 4,4% còn 152 tỷ đồng, do tín dụng khó tăng quý đầu năm. Lãi từ dịch vụ cũng giảm 24%, đạt 7,6 tỷ đồng.
Tổng tài sản đến cuối tháng 3/2020 của MB ở mức 406.802 tỷ đồng, giảm hơn 1% so với đầu năm. Cho vay khách hàng giảm 1,3%, xuống 244.072 tỷ đồng, trong khi tiền gửi giảm 12%, còn 240.737 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2020, tổng tài sản có của NCB sụt giảm hơn 12%, xuống mức 70.458 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng cũng suy giảm 0,27% về 37.806,6 tỷ đồng. Ngược lại, tiền gửi khách hàng lại tăng 2,4%, lên mức 60.547 tỷ đồng.
Nếu nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng, vẫn có ngân hàng đạt được mức tăng trưởng dương, song con số cũng chỉ trên dưới 1% trong quý đầu năm nay so với cùng kỳ.
Chẳng hạn tại TPBank, huy động tiền gửi giảm 3% trong quý đầu năm 2020, nhưng cho vay khách hàng tăng 5% so với đầu năm 2020.
Tương tự tại KienlongBank, huy động vốn tăng 4% trong 3 tháng đầu năm nay, đạt 34.243 tỷ đồng, nhưng dư nợ cho vay của Ngân hàng chỉ tăng trưởng 1% (tương ứng 351 tỷ đồng), đạt 33.830 tỷ đồng.
Lý do của tình trạng trên không mới và lạ, dịch Covid-19 khiến nhu cầu vay vốn chững lại, chưa kể các ngân hàng buộc phải chủ động cân nhắc các khoản vay mới do tình hình kinh doanh vẫn khó khăn, điểm xếp hạng tín dụng của các khách hàng sụt giảm khiến rủi ro nếu cho vay mới tăng lên.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, tính đến giữa tháng 4/2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng cả nước chỉ còn 0,8%.
Trước đó, báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị Chính phủ trực tuyến ngày 10/4, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay, tín dụng 3 tháng đầu năm, tín dụng tăng 1,3%. Như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4, tín dụng sụt giảm 0,5%. Con số này sụt giảm so với tháng 3/2020 (tín dụng tháng 3 tăng 1,1%).
Giải thích lý do tín dụng sụt giảm mạnh, ông Hùng cho hay, hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh do không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, tiêu dùng và xuất khẩu đều giảm mạnh, nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra đều khó khăn.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp.
“Bốn ngân hàng quốc doanh muốn đẩy mạnh vốn vay mà không thể cho vay được”, ông Hùng cho biết thêm.
Lãi suất sẽ tiếp tục theo chiều hướng hạ
Lãi suất là giá của dòng vốn, quyết định chính bởi cung – cầu. Thời điểm hiện tại, cầu vốn thấp sẽ khiến giá vốn giảm, thể hiện ở lãi suất sẽ giảm dần (cả huy động và cho vay).
Theo thông tin từ NHNN, hiện các ngân hàng thương mại đang tập trung cơ cấu nợ cho doanh nghiệp.
Đối với cho vay mới, nhu cầu vay tập trung vào các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (tăng 1%), cho vay lĩnh vực nông nghiệp chỉ tăng 0,3%, trong khi dư nợ nhiều ngành như thương mại – dịch vụ – du lịch, tiêu dùng… đều giảm mạnh. Nhu cầu vay vốn của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng giảm hơn 1%.
Đối với gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng, NHNN cho hay, hiện các ngân hàng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gần 30.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi với dư nợ 160.000 tỷ đồng (số tiền miễn giảm lãi thực chất khoảng 360 tỷ đồng), cho vay mới 180.000 tỷ đồng.
Lãi suất không còn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp, nhưng khách hàng không có nhu cầu vay bởi cung và cầu đều sụt giảm. Đó cũng là lý do các ngân hàng cắt giảm dần chi phí huy động vốn đầu vào gần đây.
Lãi suất cho vay có sự phân hóa giữa các nhóm khách hàng khác nhau, các lĩnh vực ưu tiên có lãi suất thấp và ngược lại. Để nhìn vào xu hướng lãi suất, có thể đánh giá qua biểu lãi suất huy động mà các ngân hàng đang áp dụng.
Tính đến đầu tháng 4/2020, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) đều có sự điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng về mức 5,1%/năm, giảm 0,2 điểm % so với tháng 3/2020.
Với các kỳ hạn dài từ 12 – 60 tháng, lãi suất chỉ còn từ 6,6 – 6,8%/năm, giảm từ 0,2 – 0,3 điểm % so với cuối tháng 3/2020.
Với các ngân hàng cổ phần tư nhân, lãi suất cũng giảm ở nhiều kỳ hạn. Tại Techcombank, lãi suất tiền gửi tại quầy các kỳ hạn từ 1 – 36 tháng dao động từ 3,95% tới 6,2%/năm, tùy theo từng phương thức lĩnh lãi và điều kiện của khách hàng.
Còn tại Eximbank, lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn từ 1-60 tháng lĩnh lãi cuối kỳ, dao động từ 4,7%/năm đến 8,4%/năm.
Trong đó, kỳ hạn 6 – 11 tháng từ 5,6 – 5,8%/năm; kỳ hạn 12 – 18 tháng từ 7,2 – 7,4%/năm, giảm 0,2 điểm phần % so với tháng 3/2020.
Không chỉ các kỳ hạn tiền gửi ngắn giảm khá sâu, các kỳ hạn dài vốn được các nhà băng ưu ái đặt lãi suất cao để khuyến khích khách gửi dài hạn cũng đã được điều chỉnh thời gian qua.
(Theo ĐTCK)