Rủi ro nợ xấu ngân hàng bị ‘ẩn đi’

Nhờ Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của các khách hàng thay vì có nguy cơ “thăng cấp”, “nhảy nhóm” sẽ có cơ sở để được tạm giữ nguyên.

>> IFC cung cấp khoản vay 70 triệu USD cho công ty logistics Việt Nam

Rủi ro nợ xấu ngân hàng bị 'ẩn đi'

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam (MBKE) cho rằng đang có lo ngại rằng bức tranh nợ xấu có thể bị bóp méo bởi Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Đây là Thông tư được NHNN ban hành vào ngày 13/3 quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Nội dung của thông tư theo diễn giải của giới đầu tư, đang “cho phép các ngân hàng có thể che giấu những tài sản có vấn đề bị ảnh hưởng bởi Covid-19”, khi các tài sản bị ảnh hưởng này được cơ cấu lại thời gian trả nợ hoặc được “khoanh nợ”, giữ nguyên nhóm nợ.

Nợ xấu của các nhóm thay vì có nguy cơ “thăng cấp”, “nhảy nhóm” thì theo thông tư mới, trước mắt có cơ sở pháp lý để được tạm giữ nguyên.

Báo cáo của MBKE đánh giá, khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có thể chuyển thành nợ xấu trong tương lai. Nhưng hiện tại, những khoản nợ này vẫn đang xếp loại tốt. Nếu những khoản vay này chuyển thành nợ xấu và các ngân hàng đang cố giấu diếm, thì khoản mục lãi phải thu sẽ khá lớn trên bảng cân đối 6 tháng 2020 của các ngân hàng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thấy điều này qua báo cáo của các ngân hàng gần đây.

Với tình hình dịch đang phức tạp như hiện tại, MBKE nhận định rủi ro về chất lượng tài sản vẫn đang là quan ngại lớn nhất cho các ngân hàng, đặc biệt với các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu khá thấp để chống đỡ trước những cú sốc chất lượng tài sản không lường trước được.

Theo tính toán của công ty chứng khoán, dư nợ cần tái cấu trúc của ngân hàng sẽ tăng lên khoảng 8% tổng dư nợ trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 bùng phát kéo dài (thấp nhất là 1,9% của VIB và cao nhất là 13% của Eximbank-EIB).

Đến hiện tại, ghi nhận chung cho thấy hầu hết các ngân hàng đều công bố dư nợ bị ảnh hưởng của Covid-19 đợt 1 (tức qua 2 quý đầu 2020), sau rà soát khá thấp (và tổng tỷ lệ dư nợ cần tái cấu trúc thấp như đề cập trên). Đây cũng là nguyên do khiến các ngân hàng sau tăng trích lập dự phòng mạnh ở quý 1/2020, đã nới lỏng ở quý 2 và cũng nhờ đó, góp phần tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý 2.

Cũng theo thống kê của MBKE, tổng hợp lợi nhuận của 12 ngân hàng niêm yết lớn nhất đã tăng 14,3% trong 6 tháng 2020. Trong đó lợi nhuận quý 1/2020 tăng 2,8% và quý 2/2020 tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chất lượng tài sản nhìn chung ổn định trong quý 2/2020 và số dư nợ xấu tăng 10,6% trong quý 1/2020 so với năm 2019. Tính đến cuối tháng 6/2020, số dư nợ xấu tăng thêm 5,4%. Còn tính đến cuối quý 2/2020, tổng nợ xấu toàn 12 ngân hàng niêm yết lớn nhất đã tăng 16% từ đầu năm đến nay, tương đương 1,6% tổng dư nợ (so với 1,4% năm 2019).

Trở lại với tăng trưởng của các ngân hàng 6 tháng đầu 2020, có thể thấy đang có phân hóa khá rõ. MBKE xếp loại thành 3 nhóm với: Nhóm tăng trưởng cân bằng (Vietcombank, Techcombank, ACB, TPBank); nhóm tăng trưởng như chưa từng có dịch (VPBank, HDBank và VIB) và nhóm chậm chạp (BIDV, Vietinbank, MBBank, Sacombank và Eximbank).

Sự phân hóa này có phần tương ứng, phản ánh khả năng sinh lợi cũng như thẩm thấu những cú sốc theo diễn biến dịch bệnh mới. Nhìn chung, chất lượng tài sản của các ngân hàng trong quý tới, nếu dịch Covid-19 chưa sớm qua đỉnh, rất có thể vẫn sẽ là một ẩn số đối với chính ngân hàng và nhà đầu tư.

(Theo TheLEADER)

Next Post

Chứng khoán ngày 11/8: VN-Index ngắt chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp

T3 Th8 11 , 2020
VN-Index đã ngắt chuỗi tăng liên tiếp ở con số 6. Còn HNX duy trì đà tăng và kết phiên ở mức cao nhất ngày nhờ sự đột biến của mã trụ ACB.
Copyright All right reserved

Chuyên mục