Đi đầu đợt giảm lãi suất này là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
Ngân hàng Vietcombank
Vietcombank, ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất trong hệ thống cho biết, tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid–19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5% – 1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 112.700 tỷ đồng.
Về phí dịch vụ, Vietcombank đã thực hiện giảm đồng loạt phí giao dịch ngân hàng điện tử 24/7 cho khách hàng nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời thực hiện miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và chống hạn mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Song song với đó, từ ngày 23/01 đến nay, Vietcombank đã thực hiện giải ngân cho vay mới hơn 41.200 tỷ đồng góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền.
Tổng dư nợ của các khách hàng có gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được Vietcombank giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay là trên 8.200 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nhiều trường hợp trong tổng số hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được Vietcombank xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.
Ngân hàng VietinBank
Ngân hàng VietinBank cho biết từ ngày 1/4 sẽ tiếp tục triển khai chương trình tín dụng lãi suất trong nhóm thấp nhất thị trường có quy mô 60 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã từng triển khai trước đây (trước thời điểm có dịch).
Cụ thể, VietinBank đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, tính từ đầu năm 2020, VietinBank đã cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 350 khách hàng với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2% dư nợ của VietinBank.
“Bên cạnh cơ cấu nợ, miễn giảm hỗ trợ lãi suất thì việc giảm phí cho các doanh nghiệp cũng được VietinBank thực hiện với khách hàng. Mức phí giảm khoảng 20 – 50%. Cá biệt có một số loại phí, đặc biệt là các phí về tài trợ thương mại có thể giảm tới 100% so với trước đây để hỗ trợ cho các doanh nghiệp” – ông Lê Đức Thọ cho biết thêm.
Ngân hàng BIDV
Với BIDV, ngân hàng cũng đã chuẩn bị gói tín dụng trị giá 125.000 tỷ đồng để hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp.
Theo đó, BIDV đã hạ lãi suất cho vay mới đối với khách hàng từ 0,5% đến 1,2% theo từng kỳ hạn, đồng thời đưa ra các gói tín dụng chuyên biệt với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.
Cụ thể, gói tín dụng hỗ trợ khách hàng cá nhân với quy mô 5.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay từ 5,5% – 6,5% theo từng kỳ hạn; gói tín dụng hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD với mức giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD; gói tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô 100.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay giảm 1% so với lãi suất thông thường.
Mới đây, BIDV tiếp tục công bố chính sách mới giảm đến 2%/năm đối với cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và khách hàng mới. Đồng thời giảm đến 1% cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngân hàng Agribank
Ngân hàng Agribank cũng triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19
Chương trình được áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 1/4/2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng quy mô lớn này.
Khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.
Ngân hàng VIB
Các ngân hàng tư nhân cũng bắt đâu giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngân hàng Quốc Tế (VIB) công bố quyết định giảm lãi suất cho tất cả khách hàng doanh nghiệp có khoản vay hiện hữu áp dụng từ ngày 1/4. Theo đó, VIB tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu ở tất cả các lĩnh vực.
Gói hỗ trợ áp dụng cho tất cả các khoản vay trung dài hạn bằng tiền VND có lãi suất hiện hữu từ 9,5%. Theo ước tính ban đầu, sẽ có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ được được hưởng hỗ trợ. Ngân hàng sẽ thông báo chính sách này đến khách hàng, tự động giảm lãi mà không cần doanh nghiệp phải viết đơn xin hỗ trợ hay có bất kỳ một chứng minh về sự khó khăn nào khác.
Trước đó, VIB cũng đã triển khai gói hỗ trợ với quy mô hơn 2.600 tỷ đồng dư nợ áp dụng từ ngày 23/1/2020 cho các khoản vay vốn ngắn hạn và vay vốn lưu động mới, mức giảm lãi suất từ 0,5%-1%/năm.
Ngân hàng HDBank
Ngân hàng HDBank cũng giảm sâu lãi suất cho vayi từ 2 – 4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước, áp dùng từ 31/3.
HDBank sẽ tự động giảm lãi mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải; miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng.
Bên cạnh đó, HDBank cũng thiết kế nhiều gói tín dụng cho nhiều đối tượng khách hàng trong mùa dịch Covid-19 như 10.000 tỷ đồng cho hỗ trợ bình ổn giá hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, lãi suất linh hoạt chỉ từ 6,5%/năm; dành 5.000 tỷ đồng tài trợ ưu đãi; dành 3.000 tỷ đồng tài trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị vật tư y tế; gói 1.000 tỷ đồng cho chuỗi nông nghiệp nông thôn đảm bảo sản xuất cung ứng lúa gạo…
Cùng với đó là các gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2-4,5% cho các khách hàng nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tiền trả lương cho người lao động đi qua giai đoạn cao điểm dịch bùng phát bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước.
(Theo TheLEADER)