19:52 25/03
Toàn bộ nhà thờ ở Sài Gòn ngưng tổ chức thánh lễ
Từ 16h ngày 26/3, tất cả các nhà thờ, nhà nguyện và dòng tu thuộc Tổng giáo phận TP HCM sẽ ngưng cử hành thánh lễ và sinh hoạt tôn giáo.
Thông báo được Tổng giám mục Tổng giáo phận TP HCM Giuse Nguyễn Năng ký chiều 25/3. Động thái này được thực hiện theo đề nghị của chính quyền thành phố nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trước đang lan rộng trên thế giới với tốc độ nhanh và khó lường; tình hình tại thành phố đang ngày càng nghiêm trọng và bước vào giai đoạn mới.
Tổng giám mục Giáo phận TP HCM đề nghị các linh mục vẫn cử hành thánh lễ hàng ngày một cách riêng tư vì “Thánh lễ là cử hành mầu nhiệm Thánh giá và phục sinh của Chúa, là trung tâm và đỉnh cao của đời sống Hội thánh Công giáo”.
Các nhà thờ cũng được người đứng đầu Tổng giáo phận thành phố yêu cầu không tổ chức cầu nguyện đông người nhưng vẫn mở cửa để giáo dân đến cầu nguyện riêng; Giáo dân được đề nghị siêng năng cầu nguyện, đọc kinh, lần hạt Mân Côi hoặc tham dự thánh lễ trực tuyến vào 5h30 và 17h30 mỗi ngày trên website của Tổng giáo phận TP HCM.
Về các thánh lễ an táng, các linh mục chỉ tổ chức tại nhà thờ của giáo xứ với sự tham dự của thân nhân, họ hàng gần; không cử hành thánh lễ cầu hồn tại gia đình.
19:46 25/03
Thêm 7 ca nhiễm Covid-19, số bệnh nhân lên 141
Một người ở Đà Nẵng và 6 người ở Hà Nội, trong đó có một bác sĩ làm việc tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, dương tính Covid-19.
“Bệnh nhân 135”, nữ, 27 tuổi, địa chỉ của bố mẹ ở đường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng. Ngày 19/3, cô khởi hành từ Copenhagen, Đan Mạch, quá cảnh tại Doha và Bangkok, nhập cảnh Việt Nam ngày 21/3 tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay số hiệu PG947, số ghế 16A.
“Bệnh nhân 136”, nữ, 23 tuổi, ở Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội. Cô là học sinh từ Mỹ, nhập cảnh về Nội Bài ngày 16/2. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân về nhà tự cách ly.
“Bệnh nhân 137”, nam, 36 tuổi, ở Yên Thành, Nghệ An. Bệnh nhân là du khách từ Đức, nhập cảnh về Nội Bài ngày 15/3.
“Bệnh nhân 138”, nam 23 tuổi ở Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Bệnh nhân là học sinh từ Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 21/3 trên chuyến bay VN54.
“Bệnh nhân 139”, nữ, 24 tuổi, ở Trần Khát Chân, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh tại Anh, là vợ của bệnh nhân Covid-19, nhập cảnh về Nội Bài ngày 21/3 trên chuyến bay VN54.
“Bệnh nhân 140”, nam, 21 tuổi, ở Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội. Bệnh nhân là du học sinh từ Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 21/3 trên chuyến bay VN54.
“Bệnh nhân 141” là bác sĩ, 29 tuổi, làm việc tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Bác sĩ bị lây khi thao tác thiết lập máy thở cho “bệnh nhân 28”, bị phơi nhiễm cùng ngày với một bác sĩ khác cùng làm việc tại Khoa này là “bệnh nhân 116”.
19:39 25/03
Gần 5.000 nhân viên, bệnh nhân Bạch Mai bắt buộc xét nghiệm Covid-19
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn chiều 25/3 yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xây dựng kế hoạch, tổ chức lấy mẫu và xét nghiệm Covid-19 cho tất cả người đang có mặt tại bệnh viện.
Những người này bao gồm toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân. Quá trình lấy mẫu xét nghiệm hoàn thành trước ngày 29/3.
Quyết định được Bộ Y tế đưa ra sau khi có 3 bệnh nhân Covid-19 liên quan đến bệnh viện Bạch Mai. Trong đó, “bệnh nhân 86” và “bệnh nhân 87” là 2 nữ điều dưỡng xét nghiệm dương tính hôm 19-20/3; trường hợp thứ 3 là “bệnh nhân 133” được xác định nhiễm Covid-19 ngày 24/3.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết gần 4.000 nhân viên y tế và gần 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại viện, sẽ phải xét nghiệm.
17:22 25/03
Chứng khoán toàn cầu bùng nổ
Thông tin đảng Cộng hòa và Dân chủ tiến gần tới thỏa thuận về dự luật gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD, hỗ trợ tài chính cho người Mỹ trong công việc và giúp đỡ các ngành công nghiệp gặp khó khăn do đại dịch đã tác động tích cực giúp thị trường chứng khoán toàn cầu có phiên bùng nổ sau nhịp giảm khá sâu trước đó.
Thị trường chứng khoán châu Á cũng đều khởi sắc, trong đó chỉ số Nikkei 225 tăng 8,04%, chỉ số Hang Seng tăng 3,81%, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,17% và chỉ số Kospi tăng 5,89%.
Tại thị trường Việt Nam, chứng khoán cũng có phiên tăng thẳng đứng. Dù dòng tiền không chảy mạnh, nhưng với việc bên bán chỉ ra hàng giá cao, buộc bên mua phải nâng giá để gom hàng đã kéo nhiều mã tăng mạnh, thậm chí có mã đảo chiều từ sắc đỏ lên đóng cửa ở sắc tím như bộ 3 cổ phiếu họ nhà Vingroup (VRE, VHM, VIC), hay nhiều cổ phiếu bluechip khác cũng leo lên mức trần như VCB, CTG, SSI, PNJ, GAS, BVH, PLX…
Chỉ số VN-Index đã tăng theo phần trăm lớn nhất trong gần 11 (từ phiên 24/7/2009), còn về điểm số tuyệt đối là phiên tăng mạnh nhất kể từ 7/5/2018. Kết phiên, VN-Index tăng 31,04 điểm (+4,71%), lên 690,25 điểm.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn là nhân tố cản trở thị trường khi tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng mạnh, với khối lượng 19,77 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 367,59 tỷ đồng.
17:04 25/03
Đài Mỹ đồng loạt cắt sóng phát biểu của Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên kế hoạch tổ chức họp báo về Covid-19 vào 17h30 ngày 23/3, nhưng sự kiện bắt đầu muộn hơn dự kiến 30 phút. Cuộc họp báo có sự tham dự của Phó tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Tư pháp William Barr và tiến sĩ Deborah Birx của nhóm chuyên trách chống Covid-19 của Nhà Trắng.
Bắt đầu cuộc họp báo, ông chủ Nhà Trắng nhanh chóng tuyên bố Mỹ cần sớm nới lỏng các hạn chế để nền kinh tế tiếp tục phát triển, bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia y tế rằng người dân nên ở nhà trong vài tuần để ngăn Covid-19 lan rộng.
“Nước Mỹ sẽ sớm mở cửa kinh doanh trở lại. Rất sớm. Sớm hơn nhiều so với thời gian 3 hay 4 tháng mà nhiều người đã đề xuất. Sớm hơn rất nhiều. Chúng ta không được để phương thuốc trở thành thứ tồi tệ hơn cả căn bệnh”, Trump nói. Tuy nhiên, giới chuyên gia đã vạch rõ rủi ro của việc chỉ thực hiện biện pháp cách biệt cộng đồng vài tuần thay vì vài tháng.
Sau khi Trump phát biểu khoảng 20 phút, các kênh truyền hình lớn như ABC, CBS và NBC đều cắt sóng truyền hình trực tiếp cuộc họp báo. Kênh truyền hình cáp như CNN và MSNBC cũng có động thái tương tự sau 19h.
15:55 25/03
26 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 1 với Covid-19
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, tính đến 14h chiều ngày 25/3, Việt Nam đã ghi nhận 134 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó có 17 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện). Hiện 21/63 tỉnh, thành phố đã ghi nhận bệnh nhân mắc Covid-19. Trong đó, tại Hà Nội ghi nhận nhiều nhất (44) trường hợp, TP.HCM (34) trường hợp, Vĩnh Phúc (11) trường hợp…
Tính đến 14 giờ ngày 25/3/2020, có 117 bệnh nhân (85 người Việt Nam và 32 người nước ngoài) đang được điều trị tại 16 cơ sở khám, chữa bệnh. Trong đó, 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; 26 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 1; 7 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 2.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 46.933 người, trong đó có 412 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 20.386 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 26.135 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
11:37 25/03
Hàng không thế giới tìm chỗ ‘đắp chiếu’ máy bay
Hàng nghìn máy bay ngừng hoạt động vì không có khách khiến các hãng hàng không thế giới đối mặt với vấn đề chưa từng gặp: tìm chỗ đỗ.
Đường lăn, nhà chứa bảo dưỡng máy bay, thậm chí đường băng ở những sân bay lớn đang được chuyển đổi thành các bãi đỗ khổng lồ cho hơn 2.500 hãng hàng không trên thế giới. Chiếc máy bay lớn nhất trong số này chiếm không gian tương đương toà nhà 8 tầng.
Số máy bay phải “đắp chiếu” trong nhà chứa đã tăng gấp đôi, lên hơn 5.000 chiếc kể từ đầu năm, theo trang dữ liệu Cirium, và thêm nhiều chiếc dự kiến dừng hoạt động trong những tuần tới khi các hãng như Qantas Airways và Singapore Airlines cắt giảm lịch bay. Swiss Airlines, hãng hàng không thuộc Lufthansa, đã thuê chỗ đỗ ở một sân bay quân sự gần thành phố Zurich, Thuỵ Sĩ.
Nhiều máy bay cũng đang đỗ tại những sân bay lớn khác, trong đó có Hong Kong, Seoul, Berlin và Vienna cũng như các bãi đỗ trên sa mạc ở Victorville, bang California, và Marana, bang Arizona, theo trang FlightRadar24. Tại Manila, một số máy bay Philippines Airlines đỗ tại nhà chứa Lufthansa Technik Philippines.
Thậm chí các sân bay nhỏ hơn cũng được chuyển thành bãi đỗ. Sân bay Avalon phía tây Melbourne, Australia, dự kiến nhận 50 máy bay của hãng Qantas và Jetstar, theo giám đốc điều hành Justin Giddings.
11:32 25/03
Australia cấm dân ra nước ngoài
Australia tuyên bố cấm người dân ra nước ngoài và mở rộng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn Covid-19 lây lan.
Thủ tướng Scott Morrison cho hay việc cấm người dân ra nước ngoài tương đương với “Cấp 4: Không đi lại”, trong thang cảnh báo của Australia, căn cứ Đạo luật An toàn Sinh học năm 2015.
“Chúng ta sẽ phải sống chung với virus này trong ít nhất 6 tháng”, Morrison hôm 24/3 cảnh báo. “Ưu tiên cao nhất hiện giờ là các biện pháp cách biệt cộng đồng”, ông nói thêm.
Australia đã công bố các biện pháp nhằm ứng phó Covid-19 như, đám cưới, đám tang không quá 10 người tham dự, phải giữ khoảng cách một người/4 m2 hoặc cách nhau ít nhất 1,8 mét.
11:31 25/03
Hàng không Việt dừng toàn bộ đường bay quốc tế
Các hãng hàng không trong nước dừng toàn bộ đường bay quốc tế từ hôm nay do sự bùng phát của Covid-19.
Chuyến bay quốc tế cuối cùng trong dịp này của Vietnam Airlines sẽ từ Đức về Việt Nam hôm nay 25/3, chở theo 170 hành khách hạ cánh ở sân bay Vân Đồn.
Vietnam Airlines và Jetstar Pacific tạm đóng hết các đường bay quốc tế từ nay tới 30/4. Bamboo Airways dừng đường bay quốc tế duy nhất đến Hàn Quốc và hoãn mở các đường bay quốc tế mới.
Vietjet Air đã tạm dừng các đường bay quốc tế đến khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Hãng chỉ mở bán chặng Hà Nội đến Tokyo và ngược lại vào ngày 31/3, 2/4 và 4/4.
10:08 25/03
Bệnh nhi Covid-19 lần đầu xét nghiệm âm tính
“Bệnh nhân 73” 11 tuổi, điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, sáng nay 25/3 có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, lần đầu tiên.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương cho biết sức khỏe bé ổn định, không ho, không sốt, không tổn thương phổi.
Vài ngày trước, bệnh nhi còn ho khan, rát họng.
Theo ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, tình trạng bệnh nhân tốt, tuy nhiên vẫn phải theo dõi sát, đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế. Dự kiến khoảng 3-5 ngày tới, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm lần 2.
10:06 25/03
Bộ Y tế tìm người trên 28 chuyến bay có Covid-19
Tính đến 9h ngày 20/3, hành khách trên 28 chuyến bay dưới đây được Bộ Y tế yêu cầu liên hệ ngay Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe.
– EK364 của Emirates từ Dubai đến TP HCM ngày 15/3 (nối từ chuyến EK30 từ London đến Dubai);
– SU290 của Aeroflot từ Moscow đến Hà Nội ngày 15/3;
– TG560 của Thai Airways từ Bangkok đến Hà Nội ngày 15/3 (nối chuyến từ London);
– BI381 của Royal Brunei Airlines từ Brunei đến TP HCM ngày 17/3 (nối chuyến từ Malaysia);
– EK392 của Emirates từ Dubai đến TP HCM ngày 19/3 (nối từ chuyến EK4 từ London đến Dubai);
– NH831 của All Nippon Airways (ANA) từ Nhật Bản đến TP HCM ngày 19/3 (nối chuyến từ Mỹ);
– JL751 của Japan Airlines từ Tokyo đến Hà Nội ngày 20/3.
– NH831 của All Nippon Airways do Air Japan khai thác, Tokyo – TP HCM ngày 17/3;
– EK392 của Emirates từ Dubai đến TP. HCM ngày 16/3;
– EK394 của Emirates từ Dubai đến Nội Bài ngày 12/3;
– QR976 của Qatar Airways từ Doha đến Nội Bài ngày 17/3;
– EK392 của Emirates Airlines từ Dubai đến TP HCM ngày 15/3;
– VJ642 của Vietjet Air từ TP HCM đến Đà Nẵng ngày 12/3;
– TK162 của Turkish Airlines từ Istanbul về TP HCM ngày 10/3;
– MI632 của Silkair từ Singapore đến Đà Nẵng ngày 14/3;
– VN54 của Vietnam Airlines từ London đến Hà Nội ngày 13/3;
– SQ323 của Singapore Airlines từ Amsterdam đến Singapore ngày 14/3 và nối chuyến về Việt Nam;
– EK392 của Emirates Airlines từ Dubai đến TP HCM ngày 12/3;
– BR395 của Eva Air từ Đài Loan đến TP HCM ngày 16/3;
– TG917 của Thai Airways từ London đến Bangkok ngày 15/3 và nối chuyến về Việt Nam;
– TG564 của Thai Airways từ Bangkok về Hà Nội ngày 15/3;
– SQ176 của Singapore Airlines từ Singapore đến Hà Nội ngày 15/3;
– QH1524 của Bamboo Airways từ Phú Quốc đến TP HCM ngày 13/3.
– SU290 của Aeroflot từ Moscow đến Hà Nội ngày 12/3;
– QR970 của Qatar Airways từ Doha đến TP HCM ngày 10/3;
– QH1521 của Bamboo Airways từ TP HCM đến Phú Quốc ngày 9/3;
– TK162 của Turkish Airlines từ Istanbul đến TP HCM, ngày 8/3;
– VJ826 của Vietjet Air từ Malaysia đến TP HCM ngày 4/3.
10:05 25/03
Mỹ có thể thành tâm dịch toàn cầu
WHO cảnh báo Mỹ có thể là tâm dịch Covid-19 toàn cầu, khi số ca nhiễm và chết tăng kỷ lục trong một ngày, lên lần lượt gần 55.000 và gần 800.
“Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng rất lớn số ca nhiễm ở Mỹ. Bởi vậy, Mỹ có tiềm năng trở thành tâm dịch”, Margaret Harris, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua cho biết khi được hỏi liệu Mỹ có khả năng trở thành tâm dịch toàn cầu.
Theo bà Harris, số ca nhiễm ở Mỹ đã tăng lên rất nhiều. Trong 24 giờ qua, 85% ca nhiễm mới Covid-19 được ghi nhận ở châu Âu và Mỹ, trong đó Mỹ chiếm khoảng 40%.
Mỹ ghi nhận thêm 11.074 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số lên 54.808. Trong khi số người chết tăng thêm 222, mức tăng cao nhất trong 24 giờ từ khi Covid-19 xuất hiện tại nước này, khiến tổng số người chết tăng lên 775.
Số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn con số được công bố. Ít nhất 18 bang của Mỹ với hơn 176 triệu dân, tương đương 54% dân số Mỹ, đã hoặc sẽ được lệnh yêu cầu ở nhà để ngăn đại dịch lây lan.
Bang New York chịu ảnh hưởng nặng nhất với 26.348 ca nhiễm, tăng 5.473 ca, và 271 người chết. “Chúng ta chưa kìm hãm tốc độ lây lan của Covid-19. Covid-19 đang tự tăng tốc, lan rộng và nhanh như đoàn tàu cao tốc”, Thống đốc New York Andrew Cuomo cảnh báo.
07:57 25/03
07:46 25/03
Hơn 18.600 người chết vì Covid-19 toàn cầu
Số người chết tiếp tục tăng mạnh ở châu Âu, nâng số ca tử vong toàn cầu lên 18.609 trong số 418.474 người nhiễm. Covid-19 xuất hiện ở 197 quốc gia và vùng lãnh thổ. Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ là những nước có số ca tử vong trong một ngày cao nhất.
Italy ghi nhận 743 ca tử vong mới trong 24 giờ.
Tây Ban Nha ghi nhận 39.885 ca nhiễm và 2.808 ca tử vong, tăng lần lượt 4.749 và 497 ca so với một ngày trước đó.
Đức ghi nhận thêm 3.930 ca nhiễm và 34 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt là 32.986 và 157.
Tổng cộng châu Âu báo cáo khoảng 11.600 người chết vì Covid-19, chiếm khoảng 62,3% số ca tử vong toàn cầu.
Mỹ, thêm 9.471 ca nhiễm mới được xác định, nâng số bệnh nhân trên cả nước lên 53.025, trong đó 687 người chết, tăng 134 trường hợp so với một ngày trước đó.
Iran vẫn là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 24.811 ca nhiễm và 1.934 ca tử vong.
Đông Nam Á, Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 1.624 ca nhiễm và 16 người tử vong. Thái Lan, vùng dịch lớn thứ hai khu vực với 827 ca nhiễm và 4 người chết, ban bố tình trạng khẩn cấp trong một tháng kể từ 26/3.
Indonesia là nước báo cáo số ca tử vong cao nhất khu vực với 55 người chết trong 686 người nhiễm. Tỷ lệ tử vong là 8%, thuộc hàng cao nhất thế giới.
07:39 25/03
Ấn Độ phong tỏa 1,3 tỷ dân
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết chính phủ sẽ áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ nửa đêm nay nhằm ngăn Covid-19 lây lan.
“Từ 0h đêm nay, toàn bộ đất nước sẽ bị phong tỏa hoàn toàn nhằm ngăn người dân ra khỏi nhà”, Thủ tướng Modi phát biểu trên truyền hình hôm nay, nói thêm rằng lệnh phong tỏa hoàn toàn với 1,3 tỷ dân Ấn Độ sẽ có hiệu lực trong 21 ngày.
“Để cứu lấy Ấn Độ và mọi công dân, cứu lấy các bạn và gia đình, tất cả con đường cũng như khu dân cư sẽ được đặt trong vòng phong tỏa”, ông Modi cho hay.
Ông Modi giải thích rằng biện pháp phong tỏa là cần thiết do mức độ nghiêm trọng của Covid-19, đồng thời nhấn mạnh cách biệt cộng đồng là con đường duy nhất giúp ngăn chặn những ca nhiễm mới và kiềm chế virus.
“Để ngăn chặn Covid-19, hãy tránh xa nhau và ở yên trong nhà”, Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi, nói thêm rằng Ấn Độ có thể phải trả giá đắt do sự bất cẩn của một số người. “Nếu chúng ta không xử lý tốt vấn đề trong 21 ngày này, đất nước, gia đình các bạn sẽ tụt hậu 21 năm”.
Nhằm thúc giục chính quyền liên bang đưa cuộc chiến chống Covid-19 lên ưu tiên hàng đầu, ông Modi tuyên bố cấp khoản ngân sách 150 tỷ rupee (gần 2 tỷ USD) để hỗ trợ xét nghiệm Covid-19, cung cấp giường cách ly, máy thở và các vật tư thiết yếu khác.