Tỷ giá ngoại tệ 25/3: Nhu cầu đồng USD vẫn cao

>> Tỷ giá ngoại tệ 24/3: Fed tiếp tục dìm đồng USD

Nhu cầu USD vẫn cao

Tỷ giá ngoại tệ 25/3 trong nước: Techcombank giảm giá USD nhiều nhất

Tỷ giá ngoại tệ 25/3 do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.250 VND/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua.

Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu (*), tính đến 9h sáng nay, giá mua vào USD của VPBank đang đứng đầu với 23.530 VND/USD. Ngược lại, Techcombank niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.630 VND/USD.

So với sáng ngày 24/3, Vietinbank, BIDV, Vietcombank đã điều chỉnh giảm giá USD lần lượt 65 đồng, 50 đồng và 30 đồng ở cả 2 chiều. Sacombank giảm 25/20 đồng. ACB giảm 30/20 đồng (bán ra). MB giảm 10/55 đồng. Techcombank giảm 80/100 đồng (giảm nhiều nhất). VPBank giảm 50/40 đồng. HDBank giảm 20/50 đồng. VIB giảm 40/50 đồng.

Bảng giá USD của 10 ngân hàng hàng đầu

Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, so với giá cuối hôm qua, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc thì năm đồng được điều chỉnh tăng, trong đó GBP lên mạnh nhất với gần 0,88%. Còn ở năm đồng còn lại, EUR giảm mạnh nhất với 0,67%, theo sau là CHF giảm 0,63%.

Tỷ giá ngoại tệ 25/3 thế giới: Nhu cầu USD vẫn cao

Trên thị trường thế giới, chỉ số đồng USD sáng nay tiếp tục rung lắc mạnh với nhịp tăng giảm đan xen. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn giữ vững mức hỗ trợ 101 điểm.

Chỉ số USD đã tăng 7% trong 15 ngày qua do lo ngại về suy thoái kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra. Khi đi sâu vào khủng hoảng, nỗi lo lên đỉnh điểm, nhà đầu tư có xu hướng cần tạo thanh khoản cho mình bằng mọi giá thông qua việc tăng nắm giữ tiền mặt.

Đồng bạc xanh vẫn ở mức cao nhất trong nhiều năm bất chấp những nỗ lực của Fed nhằm giảm bớt tình trạng thiếu USD toàn cầu, bao gồm tăng cường các biện pháp hoán đổi với các ngân hàng trung ương ở các quốc gia khác để đảm bảo cung cấp đủ tiền cho thị trường tài chính.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phàn nàn trong nhiều năm qua rằng sức mạnh của đồng USD làm ‘tổn thương’ các nhà xuất khẩu Mỹ bằng cách làm cho sản phẩm của họ kém cạnh tranh hơn ở nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay, ông vẫn chưa can thiệp được vào thị trường ngoại hối và làm suy yếu đồng USD.

Zach Pandl, Chuyên gia phân tích tiền tệ tại ngân hàng Goldman Sachs, cho biết, đồng USD tăng giá sẽ có hại cho tăng trưởng của cả Mỹ và toàn cầu. Nếu đồng USD tiếp tục tăng, chúng ta sẽ thấy một môi trường hợp lý để có sự can thiệp.

Chỉ số đồng USD đang trên đà tăng gần 6% trong quý I/2020. Ở cuộc khủng hoảng tài chính trong quý 3/2008, chỉ số này đã tăng gần 10%.

Goldman Sachs dự báo chỉ số USD có thể tăng lên 120 điểm

Dựa trên phân tích biểu đồ kỹ thuật, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs cho biết, chỉ số đồng USD cuối cùng có thể tăng lên 120 điểm. Tuy nhiên, họ lại không đưa ra thời điểm mà đồng bạc xanh đạt đến mức đó. Với sự gia tăng như vậy, nếu xảy ra trong năm nay, đồng USD sẽ đánh dấu một bước nhảy vọt 24% vào năm 2020.

W. Brad Bechtel, Giám đốc toàn cầu về ngoại hối ở Jefferies, New York cho biết, hệ thống tài chính vẫn có những phân khúc có nhu cầu USD cao nhưng không đủ cung.

Theo IMF, hơn 61% tổng dự trữ của ngân hàng trung ương ngoài Mỹ là đồng USD. Thêm vào đó, gần 40% nợ của thế giới là bằng USD. Cùng với đồng Euro, hai loại tiền tệ thống trị 80% dự trữ toàn cầu. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ chiếm chưa đến 2% dự trữ tiền tệ toàn cầu, mặc dù đất nước này là một phần không thể thiếu trong thương mại toàn cầu. Điều này tạo nên lo ngại cho giới đầu tư về sự phụ thuộc quá mức vào đồng bạc xanh của Mỹ. 

Khoon Goh, Giám đốc nghiên cứu tại Ngân hàng ANZ có trụ sở tại Melbourne, cho rằng, chỉ số USD sẽ tăng lên 105 điểm trong ngắn hạn. Các nỗ lực hoán đổi của Fed sẽ giúp một phần nào đó, tuy nhiên, nó không chắc là đủ với mức độ nhu cầu đồng USD hiện nay. Từ góc độ kỹ thuật, đồng USD có vẻ đang ở tình trạng quá mua. Tuy nhiên, các nhịp lùi lại của chỉ số đồng USD có thể chỉ là tạm thời trước khi một sự thúc đẩy khác tăng cao hơn.

Ulrich Leuchtmann, Giám đốc ngoại hối và hàng hóa tại Commerzbank, lưu ý rằng, khi nhiều quốc gia cùng ban hành các biện pháp hà khắc để khóa chặt nền kinh tế của của họ, thì các dòng chảy như tiền, hàng hóa trên toàn cầu sẽ bị hạn chế trong tương lai gần và thị trường có thể nhanh chóng trở lại chế độ nguy hiểm.

“Sẽ thật tệ nếu đồng USD thoái lui khi đại dịch chưa kết thúc”

Mặc dù cho rằng hầu hết các loại tiền tệ cuối cùng sẽ lấy lại được phần lớn nền tảng mà gần đây đã mất đối với đồng USD, nhưng Oliver Allen, Trợ lý kinh tế tại Capital Economics cho rằng, sẽ thật tệ nếu quá trình đó sẽ bắt đầu khi đại dịch chưa kết thúc.

So với đồng USD, đồng Euro đã tăng 0,82% lên mức 1,0809 USD; đồng bảng Anh cũng tăng 1,7% từ mức mức thấp nhất trong 25 năm được thiết lập tuần trước; đồng đô la Úc tăng 1,53 từ mức thấp nhất trong 17 năm vào tuần trước.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản hôm qua đã bán USD trên thị trường liên ngân hàng. Trong thông báo, họ cho biết việc này nhằm cung cấp hỗ trợ cho đồng nội tệ đang bị mất giá mạnh do sự gián đoạn kinh tế liên quan tới đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, thị trường ngoại hối đang theo dõi chặt cặp tiền tệ EUR/USD. Divya Devesh, Nhà phân tích ngoại hối tại Standard Chartered, cho biết hiệu quả kinh tế khác nhau giữa Mỹ và châu Âu. Ngân hàng này dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 là -3,3% ở khu vực đồng Euro và -0,3% ở Mỹ. Sự lo ngại về kinh tế chậm hơn sẽ ảnh hưởng đến đồng Euro.

>> BIỂU ĐỒ TRỰC TUYẾN: GIÁ VÀNG, NGOẠI TỆ, CHỨNG KHOÁN, TIỀN ĐIỆN TỬ

Next Post

Chứng khoán ngày 25/3: VN-Index tăng mạnh nhất 11 năm

T4 Th3 25 , 2020
Chứng khoán ngày 25/3 chứng kiến VN-Index tăng 31,04 điểm, tương đương 4,7% lên 690,25 điểm. Đây là mức tăng nhiều nhất 2 năm và mạnh nhất 11 năm.
Copyright All right reserved

Chuyên mục