Chứng khoán ngày 25/3: VN-Index tăng mạnh nhất 11 năm

>> Chứng khoán ngày 24/3: Nhóm cổ phiếu Vingroup kìm chân VN-Index

Top 10 cổ phiếu tăng giá (tuyệt đối) nhiều nhất ngày 25/3/2020 trên sàn HOSE.
Top 10 cổ phiếu tăng giá (tuyệt đối) nhiều nhất ngày 25/3/2020 trên sàn HOSE.

HOSE – VN-Index tăng hơn 30 điểm

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index đang được hỗ trợ mạnh từ vùng 600 – 650 điểm, chỉ số sẽ thêm một vài lần kiểm định vùng hỗ trợ này nhưng đà giảm có dấu hiệu chững lại.

Điểm hỗ trợ là nhiều nhóm cổ phiếu đã duy trì trạng thái quá bán khá lâu, thị trường có thể sớm hồi phục kỹ thuật ngắn hạn. Dù vậy, điểm tiêu cực là những diễn biến bất ngờ của Covid-19, áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại và biến động tiêu cực từ thế giới.

BVSC vẫn cho rằng nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp, đứng ngoài quan sát, hoặc có thể xem xét giải ngân dò đáy với tỷ trọng thấp tại vùng hỗ trợ, nhưng chỉ dành cho những người có mức độ chịu đựng rủi ro cao.

Chứng khoán thế giới bật tăng mạnh

Chứng khoán Mỹ đêm qua đã có một phiên giao dịch bùng nổ với 3 chỉ số chính tăng từ 8 -11%, đặc biệt Dow Jones tăng 11,4%, xác lập mức tăng kỷ lục trong 1 phiên kể từ năm 1993.

Nguyên nhân chính đến từ thông tin về gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD sắp được triển khai khi 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ đang tiến gần tới thỏa thuận để thông qua tại Quốc hội. 

Trước đó, chứng khoán châu Âu và châu Á cũng đóng cửa phiên ngày 24/3 với mức tăng tốt. Nikkie 225 và Topix Index của Nhật dẫn đầu về biên độ tăng điểm với lần lượt đạt trên 8% và 6,9% so với lúc mở cửa. Các chỉ số trên sàn Hong Kong và Trung Quốc tăng quanh mức 2-4%. Các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Singapore… cũng tăng trên 3%.

VN-Index hưởng ứng tăng theo

Đón nhận tín hiệu tốt từ chứng khoán toàn cầu, mở cửa phiên ngày 25/3, Chỉ số VN-Index cũng tăng vọt gần 17 điểm (2,7%), với 219 mã tăng giá (12 mã tăng trần) và 43 mã giảm (10 mã giảm sàn). Sắc xanh bao trùm bảng điện tử ngay sau phiên ATO và duy trì mức điểm này được 15 phút sau đó với lực cầu ổn định. Riêng rổ VN30 có 26 mã tăng điểm và 3 mã giảm.

BVH tăng trần từ đầu phiên, VNM tăng 5,6%, BID tăng 5,1%, GAS, CTD, PLX, VCB tăng hơn 4%. Ở chiều ngược lại, VIC, MSN, EIB lùi về dưới tham chiếu.

Đến 9h30, áp lực bán gia tăng khiến chỉ số VN-Index lùi lại về ngưỡng 670 điểm. Tuy nhiên, dường như đây chỉ là bước đệm để chỉ số chính tiến xa hơn. Dòng tiền bắt đáy dè dặt gia tăng khiến VN-Index giằng co với 2 nhịp lên và 2 nhịp xuống cho đến hết phiên sáng, nhưng xu hướng chung vẫn là tăng khi lấy lại đỉnh đầu phiên và tạm dừng ở mức 675,4 điểm, tăng 16,2 điểm, tương đương 2,46% với 259 mã tăng và 92 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch chỉ tăng nhẹ so với phiên sáng qua với 157,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2,5 nghìn tỷ đồng. 

Trong rổ VN30, sắc xanh chiếm áp đảo với 22 mã tăng giá và chỉ 7 mã giảm. Cụ thể, BVH tăng trần; VCB tăng 6,7%; PNJ tăng hơn 6,6%, VNM tăng 6,2%, GAS tăng 5,5%, BID, PLX tăng 5,1%; CTG tăng 4,1%; SAB tăng 1,3%; TCB tăng 2,5%; POW tăng 4,38%; VJC tăng 1,14%.

Ở chiều ngược lại, SBT giảm hơn 5%, ROS giảm 4,1%, VRE, EIB giảm hơn 2% và các mã giảm còn lại giảm trên dưới 1%.

Tốc độ tăng điểm mạnh nhất 11 năm

Đến chiều, chỉ số VN-Index liên tục đi lên một cách vững chắc lên sát ngưỡng 690 điểm chỉ sau 40 phút giao dịch, tăng gần 14 điểm, tương đương 2%. Tuy nhiên, nhìn chung dòng tiền nhập cuộc không thực sự đột biến dù bộ ba cổ phiếu nhà Vingroup gây rắc rối hôm qua cũng tđảo màu sang sắc tím lúc cuối phiên hay các cổ phiếu lớn khác cũng leo lên mức trần như VCB, CTG, PNJ, GAS, PLX.

VN-Index duy trì độ cao cho đến hết phiên và đóng cửa ở mức đỉnh ngày 690,25 điểm, tăng 31,04 điểm, tương đương 4,7%, với 301 mã tăng và 84 mã giảm. Trong đó 36 mã tăng trần và 20 mã giảm sàn.

Biểu đồ chỉ số VN-Index đến ngày 25/3/2020.

Với mức tăng điểm hôm nay, chỉ số chính của chứng khoán Việt Nam đã đạt mức tăng cao nhất kể từ ngày 7/5/2018 về số điểm và tỷ lệ tăng cao nhất trong 11 năm kể từ phiên 24/7/2009.

Rổ VN30 chỉ có ROS giảm 5,5%, SBT giảm sàn kèm theo trắng bên mua. Hai mã đứng giá gồm EIB và MSN. Các mã còn lại trong rổ đều tăng giá, trong đó có 10 mã tăng trần gồm BVH, CTG, GAS, PLX, PNJ, SSI, VCB, VHM, VIC, VRE. Bảy mã trắng bên bán mà giá tăng trần gồm BVH, GAS, PLX, PNJ, VCB, VHM, VIC.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng góp công lớn nhất

Đánh giá tác động lên chỉ số chính, nhóm ngân hàng đa số đều tăng giá chỉ có EIB đứng giá và TPB giảm nhẹ 0,23%, nên đã đóng góp tới 9,5 điểm vào đà tăng của VN-Index.

Trong khi đó, chỉ với 3 mã cổ phiếu nhóm Vingroup VIC – VHM – VRE đã góp 9,3 điểm vào chỉ số chính.

Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 10% so với phiên trước, đạt 270 triệu đơn vị, tương ứng với 4,9 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 60 triệu đơn vị, giá trị 1,8 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã ROS với 14 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là ADM (giảm sàn) với 13,3 triệu đơn vị và STB (+3,5%) đạt 9,9 triệu đơn vị.

Khối ngoại chưa ngừng bán ròng

Hôm nay là phiên bán ròng liên tiếp thứ 32 của khối ngoại trên sàn HOSE với 15,42 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 0,34 nghìn tỷ đồng, giảm 54% về lượng và 49% về giá trị so với phiên trước đó.

Trong đó, E1VFVN30 dẫn đầu sàn về thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài với 2,8 triệu đơn vị được giao dịch. Theo sau là VIC, FPT, VCB, HPG.

Ngược lại, mã chứng khoán bị khối ngoại xả mạnh nhất là HPG với 6,5 triệu đơn vị. Theo sau là VRE, POW, E1VFVN30, MSN

Đáng chú ý, khối ngoại mua ròng mạnh nhất VNM về giá trị, đạt 37,98 tỷ đồng, tương đương khối lượng 417.560 cổ phiếu. Còn NLG dẫn đầu danh mục được mua ròng mạnh về khối lượng, đạt 732.240 cổ phiếu, giá trị tương ứng 14,06 tỷ đồng.

Trái lại, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh nhất MSN về giá trị, đạt 94,26 tỷ đồng, tương đương khối lượng 1,92 triệu cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch hôm nay, ba mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, SGT (CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn) tăng 155 lần; HVG (CTCP Hùng Vương; giá tụt 6,4%) tăng 9,8 lần; NBB (CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy, giá trần) tăng 4,3 lần.

HNX – Các mã lớn trụ vững

Chứng khoán ngày 25/3 trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng tăng vọt lên hơn 2 điểm ngay sau phiên ATO. Tuy nhiên, các mã lớn trên sàn này lại giữ phong độ khá tốt trong suốt cả phiên hôm nay và giúp chỉ số chính không tạo đáy nào ‘sắc nét’ và giữ khá vững độ cao.  

Chỉ số này đóng cửa tại mức 100,09 điểm, tăng 3,14 điểm, tương đương với 3,24%, với 96 mã tăng giá và 54 mã giảm.

ACB (+4,5%), SHB (+6,72%) là hai mã chứng khoán góp phần nhiều nhất vào mức tăng của HNX-Index hôm nay với lần lượt 0,7 điểm và 0,6 điểm.

Khối lượng giao dịch giảm 27% so với phiên trước, đạt 48,7 triệu đơn vị, tương ứng với 0,43 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Trong đó, KLF (-5,3%) dẫn đầu sàn khi đạt 5 triệu đơn vị. SHB theo sau với 4,97 triệu đơn vị, PVS (+3,9%) đạt 4,3 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục ghi nhận thêm một phiên bán ròng với 3,2 triệu đơn vị, tương ứng 22 tỷ đồng, giảm 18,43% về lượng và 50,51% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 25 mã và mạnh nhất là TIG được mua ròng hơn 601 triệu đồng, tương đương khối lượng 129.800 đơn vị.

Trong khi đó, khối này bán ròng 28 mã và mạnh nhất vẫn là PVS đạt 11,12 tỷ đồng, tương đương khối lượng 1,04 triệu cổ phiếu.

Trong đó, PVS là mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 120 nghìn đơn vị. Ngược lại, khối ngoại xả mạnh nhất là KLF với 1,3 triệu đơn vị.

Sàn HNX hôm nay, duy nhất mã SCI (CTCP SCI E&C, đóng cửa ở giá trần) có khối lượng giao dịch đột biến hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.

>> BIỂU ĐỒ TRỰC TUYẾN: GIÁ VÀNG, NGOẠI TỆ, CHỨNG KHOÁN, TIỀN ĐIỆN TỬ

Next Post

Dệt may Việt Nam có thể thiệt hại 11.000 tỷ đồng vì Covid-19

T4 Th3 25 , 2020
Vinatex cho biết, nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020 thì ước tính ngành dệt may Việt Nam thiệt hại 11.000 tỷ đồng.
Copyright All right reserved

Chuyên mục