Tỷ giá ngày 22/4: Thế thượng phong của USD và sự theo sát của JPY

Các loại tiền tệ liên kết chặt với hàng hóa vẫn ‘chìm nghỉm’ so với đồng bạc xanh (USD) bởi sự sụp đổ của giá dầu vào đầu tuần, ngoại trừ đồng Yên Nhật (JPY).

>> Tỷ giá ngày 21/4: USD hưởng lợi từ dòng tiền chạy khỏi ‘thảm họa’ giá dầu

Đồng USD và đồng Yên nổi bật với vai trò trú ẩn an toàn.
Đồng USD và đồng Yên nổi bật với vai trò trú ẩn an toàn.

Tỷ giá trong nước

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng nhà nước công bố hôm nay (22/4) ở mức 23.256 VND/USD, tăng 10 đồng so với hôm qua.

Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 10h sáng nay, giá mua vào USD của ACB đang đứng đầu với 23.415 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng Vietcombank niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.540 VND/USD.

So với sáng qua, ACB và Techcombank đã điều chỉnh giá USD tăng nhiều nhất với 35 đồng ở cả hai chiều. Vietinbank theo sau tăng 32 đồng. BIDV tăng 25 đồng. MB, HDBank và VIB đều tăng 20 đồng. Sacombank tăng 13 đồng ở chiều bán ra. Riêng Vietcombank giảm 10 đồng ở cả hai chiều.

Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc thì 9 đồng được điều chỉnh giảm so với sáng qua, trong đó GBP giảm mạnh nhất với 1,2%. Riêng đồng THB tăng nhẹ 0,05%.

Tỷ giá ngoại tệ ngày 22/4 và thay đổi so với ngày 21/4. Nguồn: Vietcombank.

Tỷ giá quốc tế

Tại thị trường thế giới, chỉ số đồng USD tăng vọt qua mốc 100 điểm vào thứ Ba, tăng 0,5% kể từ đầu tuần và đạt mức cao nhất trong 2 tuần qua nhờ vai trò đồng tiền trú ẩn an toàn được thúc đẩy. Diễn biến hồi phục giá dầu vào hôm qua không đủ để xoa dịu sự căng thẳng trên thị trường.

Các loại tiền tệ liên kết chặt với hàng hóa vẫn ‘chìm nghỉm’ so với đồng bạc xanh bởi sự sụp đổ của giá dầu vào đầu tuần, bất chấp việc giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ tăng trở lại 20%. Đơn cử đồng đô la Canada đã giảm 0,42% so với đồng USD vào thứ Ba, xuống mức thấp nhất gần 1 tháng qua. Đồng đô la Úc tụt 0,85% so với đồng USD, chạm đáy hai tuần.

Đồng bạc xanh đang ở đỉnh trong nhiều tuần so với đồng tiền của các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn như Nga, Na Uy và Canada

Trong khi đó, cặp USD/JPY vẫn giữ mức 107,83 vào hôm qua cho thấy duy nhất đồng Yên cũng mạnh lên cùng đồng bạc xanh khi được thúc đẩy cùng một vai trò trú ẩn an toàn. 

Theo Chris Weston, Giám đốc nghiên cứu thị trường của công ty môi giới Pepperstone của Melbourne, xu hướng tăng giá của đồng USD đang chiếm thế ‘thượng phong’ trong môi trường hiện tại.

Sự phục hồi của giá dầu thô Mỹ đã đưa nó ra khỏi ‘vùng âm’ nhưng chỉ ở mức 14 USD/ thùng và còn thấp hơn 80% so với mức đỉnh của tháng 1 do nhu cầu tiêu thụ năng lượng sụt giảm nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.

Sự sụt giảm của giá dầu đã kìm chế mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư và dường như đã ngăn chặn sự phục hồi trên thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn dự báo, theo ông Weston.

Đồng bảng Anh tiếp tục tạo đáy mới hai tuần qua so với đồng USD sau đánh giá ảm đạm về triển vọng phục hồi hậu Covid-19 từ nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Anh.

(Theo dailyfx, Vietcombank)

Next Post

Chứng khoán ngày 22/4: VN-Index hồi phục nhẹ nhờ tin hết cách ly xã hội

T4 Th4 22 , 2020
VN-Index hồi phục nhẹ sau phiên giảm mạnh trước đó nhờ thông tin tích cực về diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
Copyright All right reserved

Chuyên mục