Việc đóng cửa nhà máy và hạn chế đi lại đã gây ra sự sụp đổ của giá dầu, dòng tiền thoát khỏi khỏi dầu và tài sản rủi ro khác để chảy vào các tài sản an toàn như đồng USD.
Tỷ giá trong nước
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (21/4) ở mức 23.246 VND/USD, tăng 8 đồng so với hôm qua.
Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 11h sáng nay, giá mua vào USD của HDBank đang đứng đầu với 23.390 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng ACB niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.530 VND/USD.
So với hôm qua, VPBank điều chỉnh giá USD tăng nhiều nhất với 30 đồng ở cả 2 chiều. Sacombank tăng 20/12 đồng (bán ra). Vietcombank, HDBank và MB tăng 10 đồng ở cả hai chiều. VIB tăng 20 đồng ở chiều bán ra. Riêng VIB giảm 2 đồng ở chiều ra.
Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc thì bảy đồng được điều chỉnh giảm so với cuối phiên trước, trong đó CAD tụt mạnh nhất với 0,36%. Riêng đồng JPY tăng 0,13%; HKD tăng 0,05% và USD tăng 0,04%.
Tỷ giá quốc tế
Tại thị trường thế giới, đồng bạc xanh vẫn tiếp tục tăng so với đồng tiền của các nước sản xuất dầu vào thứ Ba khi các nhà đầu tư vẫn chưa ‘hết bàng hoàng’ sau cú sụt giảm lịch sử xuống mức âm của giá dầu thô WTI kỳ hạn tháng 5 của Mỹ vào thứ Hai.
Nguyên nhân chính của việc lần đầu tiên rơi vào ‘vùng âm’ của giá dầu kỳ hạn tháng 5 là do nhu cầu đang ở mức thấp kỷ lục do đại dịch Covid-19, các kho dầu đã đầy và sắp tới ngày đáo hạn của hợp đồng kỳ hạn.
Shane Oliver, Giám đốc chiến lược đầu tư, nhà kinh tế trưởng tại AMP Capital Investors tại Sydney, cho biết, dầu mỏ đã giảm mạnh, nhưng nhiều công ty sẽ bị ảnh hưởng và có thể bắt đầu thua lỗ. Nếu giá cổ phiếu giảm, thì nhu cầu trú ẩn an toàn như đồng USD sẽ gia tăng. Điều duy nhất giới hạn đồng USD là Cục dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện nới lỏng định lượng chưa từng có.
Việc đóng cửa nhà máy và hạn chế đi lại được áp dụng hiện nay để làm chậm tốc độ lây nhiễm Covid-19 mới đã gây ra sự sụp đổ của giá dầu, dòng tiền chảy ra khỏi các loại tiền tệ gắn chặt vào hàng hóa và tài sản rủi ro khác để chảy vào các tài sản an toàn như đồng USD.
Đơn cử như cặp CAD/USD, EUR/USD đều giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần qua vào thứ Hai.
Theo Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank), Đức – nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu, đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng mà không có khả năng phục hồi sớm.
Ngân hàng này cho biết tốc độ này chậm lại là do Chính phủ Đức có khả năng kéo dài lệnh giãn cách xã hội tại nước này cho đến khi tìm thấy vắc – xin cho Covid-19. Ngoài ra, nhiều nhà kinh tế cũng đang cho rằng sự phục hồi kinh tế dự kiến ở Bắc Mỹ sẽ chậm hơn so với dự báo lạc quan ban đầu.
Liên minh châu Âu sẽ thảo luận vào thứ Năm về phản ứng thống nhất của khối đối với sự khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Các thành viên của EU đang tranh luận để đạt được sự đồng thuận về cách hỗ trợ tài chính cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, chẳng hạn như Ý và Tây Ban Nha. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu EU không đạt được thỏa thuận trong tuần này, khả năng giảm giá đồng Euro so với đồng USD cao hơn.
Tình hình Covid-19 hiện cho thấy các dấu hiệu đỉnh điểm ở một số nơi, các nước đang lên kế hoạch để tái khởi động nền kinh tế.