Tỷ giá ngày 24/6: USD khó phục hồi khi nỗi sợ Covid-19 chưa đủ lớn

Tác động cộng hưởng từ các dữ liệu kinh tế đang củng cố niềm tin về đà phục hồi hình chữ V của kinh tế toàn cầu. Điều đó khiến đồng USD, JPY mất giá.

>> Tỷ giá ngày 23/6: USD ‘chìm nghỉm’ trở lại sau 1 tuần hồi phục

Tỷ giá trong nước

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (24/6) ở mức 23.228 VND/USD, giảm 13 đồng so với hôm qua.

Tỷ giá ngày 24/6: USD khó phục hồi khi nỗi sợ Covid-19 chưa đủ lớn

Theo khảo sát của Cafefin, tại 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, tính đến 14h chiều nay, giá mua vào USD của Sacombank đang đứng đầu với 23.154 VND/USD. Ngược lại, ngân hàng ACB và HDBank niêm yết giá bán ra ở mức thấp nhất 23.290 VND/USD.

So với chiều qua, Vietcombank, BIDV, MB đã điều chỉnh giá USD tăng nhiều nhất với 10 đồng ở cả hai chiều. BIDV giảm 5 đồng. Techcombank, Sacombank và Vietinbank lần lượt tăng 9 đồng, 7 đồng và 5 đồng.

Với các ngoại tệ khác, tại Vietcombank, trong 10 đồng tiền mà Cafefin chọn lọc, tám đồng được điều chỉnh tăng so với chiều qua, trong đó EUR tăng mạnh nhất 0,5%. Riêng JPY giảm 1,14% và CAD giảm 0,16%.

Tỷ giá ngày 24/6: USD khó phục hồi khi nỗi sợ Covid-19 chưa đủ lớn
Tỷ giá ngoại tệ ngày 24/6 và thay đổi so với ngày 23/6. Nguồn: Vietcombank.

Tỷ giá quốc tế

Tại thị trường thế giới, chỉ số đồng USD (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hôm qua tiếp tục suy yếu.

Đồng bạc xanh chịu áp lực lớn sau dữ liệu lạc quan ở châu Âu. Theo HIS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng  toàn phần của khu vực đồng Euro tháng 6, một thước đo độ rộng của hoạt động kinh tế, đã vượt kỳ vọng của thị trường (31,9 điểm) khi đạt 47,9 điểm. Mặc dù vẫn còn dưới 50 điểm cho thấy sự co lại của nền kinh tế nhưng đã cải thiện hơn rất nhiều so với tháng trước.

Điều này giúp đồng Euro tăng mạnh trở lại so với đồng USD. Con số này cộng hưởng với các dữ liệu tương tự ở Anh và Mỹ đã làm tăng sự lạc quan trên thị trường về sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Lợi thế đang nghiêng về các đồng tiền rủi ro hơn trên thị trường ngoại hối.

Ngoài ra, tâm lý nhà giao dịch và nhà đầu tư còn được đẩy lên bởi khả năng có thêm các gói kích thích mới để tăng tốc đà phục hồi. Tốc độ suy giảm trong ngành sản xuất và dịch vụ Mỹ đã chậm lại trong tháng 6, khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại sau phong tỏa. Doanh số bán nhà mới cũng tăng 16,6% trong tháng 5, vượt xa dự báo là 2,9%.

Giới đầu tư toàn cầu hôm qua cũng thở phào sau khi cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và cố vấn kinh tế Peter Navarro lên tiếng đính chính rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc vẫn được tiến hành. Trước đó, trả lời phỏng vấn trên Fox, ông Navarron đã dấy lên sự lo lắng khi nói rằng thỏa thuận “đã chấm dứt”.

Một số chuyên gia cho rằng, các tín hiệu tích cực này dường như đủ để bù đắp những lo lắng về sự hồi sinh lần nữa của làn sóng Covid-19 tại một số nước, bao gồm cả Mỹ.

Tính đến hết ngày 23/6, thế giới ghi nhận hơn 9,3 triệu ca nhiễm và gần 479.000 người chết do nCoV, tình hình dịch bệnh tại châu Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp.

“Đại dịch đang tăng tốc”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tại diễn đàn sức khỏe trực tuyến do Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tổ chức hôm 22/6.

So với đồng USD, các đồng tiền như Euro, bảng Anh (GBP), đô la Úc (AUD)… hôm qua tiếp tục tăng.

Next Post

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/6: TRC, NLG, PNJ, FPT, PVT

T5 Th6 25 , 2020
Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/6 của các công ty chứng khoán như BSC, Bản Việt (VCSC.
Copyright All right reserved

Chuyên mục