Chứng khoán ngày 22/4: VN-Index hồi phục nhẹ nhờ tin hết cách ly xã hội

VN-Index hồi phục nhẹ sau phiên giảm mạnh trước đó nhờ thông tin tích cực về diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.

Chứng khoán ngày 22/4

HOSE – Trở lại sắc xanh

Các chỉ số chính của chứng khoán thế giới đêm qua tiếp tục lao dốc khi giá dầu thô kỳ hạn Brent rớt tiếp xuống đáy hơn 18 năm qua vào thứ Ba. Với thông tin tiêu cực này, nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt chịu áp lực bán mạnh ngay khi mở cửa phiên sáng nay, kéo theo làn sóng chốt lời ở nhiều mã khác.

Chỉ số VN-Index tụt xuống sát ngưỡng hỗ trợ 750 điểm, thấp hơn 16 điểm (-2%) so tham chiếu ngay sau phiên ATO, tạo đáy thấp nhất trong ngày. Sắc đỏ áp đảo thị trường với 230 mã giảm giá. Diễn biến tương tự ở rổ VN30 với 25 mã giảm giá, trong đó SAB dẫn đầu giảm 5,9%, trái ngược với vai trò trụ đỡ duy nhất của thị trường vào sáng qua.

Nhờ dòng tiền bắt đáy gia tăng nên chỉ số chính đi lên trở lại cho đến khi tạm dừng phiên sáng tại 768,81 điểm, tăng 1,97 điểm (+0,26%) so với tham chiếu. Thị trường ghi nhận kém sôi động hơn sáng qua khi giá trị giao dịch đạt 2,35 nghìn tỷ đồng, tương đương 145,3 triệu đơn vị, giảm 33% về giá trị và 39% về khối lượng.

Thông tin tích cực về đề xuất của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 gửi đến Thủ tướng danh sách mới phân loại địa phương thuộc 3 nhóm nguy cơ lây lan vào sáng nay đã góp phần tạo nên tâm lý hưng phấn cho thị trường.

Theo đó, Hà Nội là tỉnh thành duy nhất còn nằm trong nhóm nguy cơ cao. TP. HCM, Hà Giang, Bắc Ninh thuộc nhóm nguy cơ. Còn lại đều nằm nhóm nguy cơ thấp. Thêm nữa, những kiến nghị nới lỏng khác giúp từng bước khôi phục các hoạt động xã hội và khôi phục kinh tế.

Đến chiều, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng lên vùng 775 điểm, cao hơn gần 9 điểm so với tham chiếu. Tiếc rằng, áp lực bán lần nữa gia tăng cùng dòng tiền thận trọng hơn ở bên mua khiến chỉ số chính điều chỉnh về vùng 770 điểm và giằng co quanh mức này cho đến gần cuối phiên.

Sau đợt ATC, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 768,92 điểm, tăng 2,08 điểm (+0,27%) so với tham chiếu.

Chốt phiên hôm nay có 223 mã tăng và 123 mã giảm giá, trong đó, 18 mã tăng trần và 12 mã giảm sàn.

Rổ VN30 có 20 mã tăng giá. Trong đó, nhóm dẫn đầu tăng hơn 3% gồm BID, VPB, MWG, FPT, BVH, HDB, SSI. Ở phía ngược lại, ba mã giảm trên 3% gồm VCB, VHM và VRE.

Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng phần lớn tăng giá ngoại trừ VCB giảm 3%. Do đó, ngành này đã góp vào đà tăng của VN-Index 1,2 điểm ảnh hưởng.

Ngoài ra, SAB, HPG, FPT, VNM và MWG là năm mã đã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của VN-Index 2,7 điểm ảnh hưởng.

Trái lại, nhóm cổ phiếu Vingroup gồm VIC, VHM và VRE đều giảm giá, nên đã kìm hãm mạnh đà tăng của chỉ số chính 3,5 điểm ảnh hưởng.

Về thông tin liên quan tới VCB, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 5.333 tỷ đồng, giảm 661 tỷ đồng (tương đương 11,24%) so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của Vietcombank giảm chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhanh trong khi thu từ lãi, thu từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng thấp hơn.

Với mã HSG (tăng trần), Tập đoàn Hoa Sen công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất quý II niên độ tài chính 2019 – 2020 (từ 30/9/2019 đến 30/9/2020) với doanh thu ước đạt 5.780 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 200 tỷ đồng, tăng mạnh 277% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu niên độ tài chính 2019 – 2020, lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 381 tỷ đồng, tăng mạnh 228% so với cùng kỳ.

Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 36% về lượng và 31% về giá trị so với phiên trước, đạt 253,4 triệu đơn vị, tương ứng với 4,2 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30 triệu đơn vị, tương đương 0,8 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã HPG (+3%) với 11 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là ROS (-0,6%) với 9,5 triệu đơn vị và STB (+2%) đạt 8,2 triệu đơn vị.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 17 liên tiếp với 315 tỷ đồng, tương đương 11,5 triệu đơn vị, tăng 50% về giá trị nhưng giảm 16% về lượng so với phiên trước.

Trong đó, FPT tiếp tục dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 87,6 tỷ đồng, tương đương 1,66 triệu đơn vị. VHM theo sau được mua ròng hơn 30 tỷ đồng.

Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VNM với 67,2 tỷ đồng, tương đương hơn 691,7 nghìn đơn vị. VRE theo sau bị bán ròng 62 tỷ đồng, HPG với 51,7 tỷ đồng, VCB với 51 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch hôm nay, bốn mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, RAL (CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông) tăng 31,8 lần; VTO (CTCP Vận tải xăng dầu Vitaco) tăng 7,1 lần; BCE (CTCP Xây dựng và giao thông Bình Dương) tăng 6,7 lần; TS4 (CTCP Thủy sản số 4) tăng 4,7 lần.

HNX –  Nhóm ngân hàng thành trụ lớn

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index đóng cửa tại 106,8 điểm, tăng 2,12 điểm (+2%), với 88 mã tăng giá và 64 mã giảm giá.

ACB (+3%), SHB (+3,2%) và VIF (+9,66%) là ba mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số HNX-Index với lần lượt 0,5 điểm, 0,4 điểm và 0,3 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch giảm 32% về lượng và 27% về giá trị so với phiên trước, đạt 55,1 triệu đơn vị, tương ứng với 0,55 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Trong đó, KLF (+6,3%) dẫn đầu sàn khi đạt 7,6 triệu đơn vị. PVS (-1,7%) theo sau với 5,4 triệu đơn vị, SHB (+3,2%) đạt 3,3 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 5,46 tỷ đồng, tương đương 503,5 nghìn đơn vị, giảm 82% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 26 mã và mạnh nhất là PLC được mua ròng 541 triệu đồng, tương đương 34,7 nghìn đơn vị.

Trong khi đó, khối này bán ròng 23 mã và mạnh nhất là LAS đạt 2,63 tỷ đồng, tương đương 459 nghìn đơn vị.     

Bình luận của công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo VN-Index sẽ gặp áp lực giảm trở lại khi tiếp cận vùng kháng cự 773-780 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Về tổng thể, thị trường vẫn đang đối mặt với rủi ro điều chỉnh về vùng hỗ trợ 700-730 điểm trong ngắn hạn.

BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-20% cổ phiếu. Sau khi đã thực hiện bán chốt lời tại vùng 790-820 điểm, nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài quan sát. Đối với các nhà đầu tư vẫn còn các vị thế ngắn hạn, có thể tận dụng các nhịp bulltrap của thị trường trong một vài phiên kế tiếp để canh bán giảm tỷ trọng.

Còn công ty chứng khoán MB (MBS) đánh giá, nhịp điều chỉnh qua nhanh, thị trường ngược dòng thành công khi các thị trường chính trên thế giới cũng đồng loạt phục hồi sau phiên giảm mạnh dưới áp lực của giá dầu. Bên cạnh đó, thị trường phục hồi nhờ sự lan tỏa của dòng tiền đến các nhóm cổ phiếu khác ngoài nhóm dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán.

Trong kịch bản tích cực, nhịp tăng ngắn hạn của thị trường sẽ tiếp diễn với mục tiêu hướng tới vùng 796,39 điểm đến 803,63 điểm, tuy vậy, vẫn sẽ có những nhịp rung lắc trong phiên, nhà đầu tư không nên mua đuổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các nhóm được hưởng lợi.

>> Chứng khoán ngày 21/4: Dầu đốt VN-Index bốc hơi 28 điểm

Next Post

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/4: Khuyến nghị mua NLG, HPG

T5 Th4 23 , 2020
CTCK Bản Việt khuyến nghị mua dành cho NLG với giá mục tiêu 48.300 đồng/CP; HPG với giá 33.500 đồng/CP.
Copyright All right reserved

Chuyên mục