Một bộ phận dòng tiền nhập cuộc ở một số mã có vốn hóa lớn như VNM và GAS giúp chỉ số VN-Index lấy lại sắc xanh và đóng cửa tại 764,16 điểm, tăng 1,69 điểm (+0,22%).
HOSE – VNM và GAS giúp VN-Index lấy lại sắc xanh
Thị trường mở cửa trong sắc xanh sau phiên ATO. Chỉ số VN-Index đi lên vùng 766 điểm, cao hơn 4 điểm (+0,46%) so với tham chiếu, đạt đỉnh cao nhất trong ngày vào lúc 9h25. Sắc xanh giữ ưu thế đầu phiên với 138 mã tăng giá và 71 mã giảm giá. Trong 22 mã tăng giá ở rổ VN30, HPG dẫn đầu đà tăng với 2,9%.
Tuy nhiên, dòng tiền chủ yếu tập trung vào một số cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi tâm lý thận trọng vẫn chiếm lĩnh thị trường kèm theo đà giảm giá của nhóm mã vốn hóa lớn, chỉ số chính bị kéo trở lại vùng 760 điểm vào lúc 10h50, thấp hơn 2 điểm so với tham chiếu, tạo đáy ngày.
Áp lực xả hàng không quá mạnh nhưng các mã lớn lại thiếu vắng dòng tiền khiến chỉ số chính không kịp quay lại tham chiếu và tạm dừng phiên sáng tại mức 761,88 điểm, giảm 0,59 điểm (-0,08%). Tốc độ khớp lệnh sáng nay diễn ra chậm chạp, thị trường kém sôi động khi giá trị giao dịch giảm sâu 22% so với hôm qua, chỉ đạt 1,61 nghìn tỷ đồng, tương đương 112,1 triệu đơn vị.
Đến chiều, thanh khoản trên thị trường còn tệ hơn, diễn biến chủ đạo vẫn là phân hóa cao ở biên độ hẹp. Tuy nhiên, một bộ phận dòng tiền mạnh dạn nhập cuộc ở một số mã có vốn hóa lớn như VNM và GAS, giúp chỉ số VN-Index lấy lại sắc xanh và đóng cửa tại 764,16 điểm, tăng 1,69 điểm (+0,22%) so với tham chiếu.
Chốt phiên hôm nay có 182 mã tăng và 159 mã giảm giá, trong đó, 12 mã tăng trần và 9 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 12 mã tăng giá, trong đó ba mã tăng trên 2% gồm VNM, GAS, BVH. Ở phía ngược lại, ba mã giảm từ 2% trở lên gồm VHM, SAB, VJC.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, ở cổ phiếu riêng lẻ, VNM và GAS là hai mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của VN-Index với 2,4 điểm ảnh hưởng.
Trái lại, SAB và VJC là hai mã riêng lẻ đè nặng lên chỉ số chính với hơn 1 điểm ảnh hưởng.
Nhóm cổ phiếu Vingroup gồm VIC và VRE mặc dù tăng nhẹ nhưng VHM giảm khá, nên đã kìm hãm đà tăng của chỉ số chính với 0,3 điểm ảnh hưởng.
Nhóm ngân hàng tiếp tục phân hóa mạnh với 5 mã giảm và 3 mã tăng giá và 2 mã đứng giá. Do đó, ngành này tạo áp lực lên VN-Index với 0,6 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 25% về lượng và 15% về giá trị so với phiên trước, đạt 212,3 triệu đơn vị, tương đương 3,42 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 43,3 triệu đơn vị, tương đương 0,94 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã ITA (+1,2%) với 7,43 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là AMD (-1,9%) với 6,11 triệu đơn vị và HPG (+1,9%) đạt 5,9 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 24 liên tiếp với 111,86 tỷ đồng, tương đương 9,94 triệu đơn vị, tăng 27% về giá trị nhưng giảm 11% về lượng so với phiên trước.
Trong đó, VHM dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 26 tỷ đồng, tương đương 407,87 triệu đơn vị. VNM theo sau được mua ròng 23,85 tỷ đồng. Còn lại các mã đều dưới 10 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là HPG với 23,73 tỷ đồng, tương đương 1,1 triệu đơn vị. Ba mã khác bị bán ròng trên 10 tỷ đồng gồm NVL, CTG, DPM.
Trong phiên giao dịch hôm nay, duy nhất mã ICT (CTCP Viễn thông – tin học bưu điện ICT) có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.
HNX – Giằng co trong vùng 105 điểm
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, giao dịch chậm chạp khiến chỉ số HNX-Index giằng co mạnh trong vùng 105 điểm và đóng cửa tại 105,41 điểm, giảm 0,31 điểm (-0,29%), với 38 mã tăng giá và 40 mã giảm giá.
SHB (-2,56%) là mã góp phần nhiều nhất vào đà giảm của chỉ số chính với 0,3 điểm ảnh hưởng.
Ở phía ngược lại, VIF (+5,23%) trở thành trụ đỡ chính của HNX-Index với 0,2 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch giảm 30% về lượng và 13% về giá trị so với phiên trước, đạt 29,2 triệu đơn vị, tương đương 277,8 tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, PVS (+2,6%) dẫn đầu sàn khi đạt 2,67 triệu đơn vị. HUT (đứng giá) theo sau với 2,6 triệu đơn vị, SHB (-2,6%) đạt 2,5 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 10,37 tỷ đồng, tương đương 1,21 triệu đơn vị, giảm 68% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 28 mã và mạnh nhất là HDA được mua ròng 322 triệu đồng, tương đương 38,3 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 24 mã và dẫn đầu là PVS đạt 7,68 tỷ đồng, tương đương 653 nghìn đơn vị.
Trên sàn Hà Nội hôm nay, duy nhất mã SD6 (CTCP Sông Đà 6) có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.
Bình luận cuối phiên
Theo đánh giá của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường giao dịch nhàm chán trong phiên hôm nay với diễn biến giằng co trên các chỉ số và thanh khoản suy giảm. Diễn biến này thể hiện việc tâm lý nhà đầu tư trên thị trường cơ sở đang trở nên phân vân trong vùng giá hiện tại của thị trường dẫn đến việc đứng ngoài quan sát là chủ yếu.
Trên góc nhìn kỹ thuật, tín hiệu ngắn hạn của VN-Index và HNX-Index vẫn là tiêu cực với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 770 điểm (MA20) và 106,5 điểm (MA20). Khối ngoại tiếp tục bán ròng với hơn 120 tỷ đồng trên hai sàn.
SHS dự báo, trong phiên ngày mai, VN-Index có thể sẽ giảm điểm trở lại với vùng hỗ trợ gần nhất quanh ngưỡng 750 điểm (target của mô hình 2 đáy trước đó). Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể bán ra nếu như VN-Index có nhịp tăng lên quanh ngưỡng kháng cự 780 điểm (MA50).
Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 750 điểm để tham gia một phần tỷ trọng.
>> Chứng khoán ngày 4/5: ‘Uể oải’ sau nghỉ lễ, VN-Index lùi về vùng 762 điểm