HOSE – Bên mua thận trọng
Mở cửa trong sắc xanh, chỉ số VN-Index tiến sát ngưỡng kháng cự 770 điểm, tăng 4 điểm (+0,35%) so với tham chiếu vào lúc 9h40. Tuy nhiên, thị trường giao dịch trong trạng thái thận trọng và giằng co trong biên độ hẹp.
Đáng chú ý, từ đầu phiên, VPB và VRE đã tăng trần. FPT cũng tăng tốt nhờ thông tin chia cổ tức bằng cả tiền và cổ phiếu theo tỷ lệ tổng cộng 25%.
Lực cầu sau đó trở nên suy yếu khiến chỉ số chính bắt đầu lao dốc sau 1 giờ giao dịch và rớt 13 điểm (-1,7%) so với đỉnh phiên. Về cuối phiên sáng, VN-Index bật nhẹ trở lại và tạm dừng tại 759,09 điểm, giảm 6,76 điểm (-0,88%) với 101 mã tăng và 242 mã giảm. Giá trị giao dịch giảm 10% xuống mức 2,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 144,7 triệu đơn vị.
Áp lực bán ra từ cuối phiên sáng được tiếp diễn ở đầu phiên chiều, chỉ số VN-Index giảm tiếp 5 điểm xuống 754 điểm, tạo đáy ngày trước khi bật tăng trở lại. Lực cầu bắt đáy tăng mạnh giúp VN-Index đi lên trên mức tham chiếu vào cuối phiên với 767,41 điểm, tăng 1,62 điểm (+0,21%).
Chốt phiên có 167 mã tăng và 191 mã giảm giá, trong đó có 20 mã tăng trần và 12 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 13 mã tăng giá, trong đó duy nhất mã VPB tăng trần. Các mã có mức tăng tốt khác gồm FPT tăng 6,45%; MSN tăng 4,99%; HPG tăng 3,1%.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính, ngành ngân hàng tăng giảm đan xen. Trong ba mã tăng giá, chỉ có VPB tăng trần, MBB và STB đều tăng trên dưới 1%. Còn ở bảy mã giảm giá, CTG dẫn đầu khi giảm 2%. Ngành này tạo gánh nặng cho VN-Index với -1,1 điểm ảnh hưởng.
Cổ phiếu hàng không “hạ độ cao”
Nhóm cổ phiếu Vingroup, với VIC giảm 0,4%, VHM tăng 1% và VRE tăng gần 3% góp phần vào mức tăng của VN-Index hôm nay 0,8 điểm ảnh hưởng.
Sau 3 phiên tăng giá mạnh gần 20% trước đó, hai cổ phiếu ngành hàng không VJC và HVN hôm nay đóng cửa trong sắc đỏ. Giới phân tích tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng nhu cầu di chuyển có thể sẽ không tăng nhanh trở lại ngay sau khi lệnh cách ly xã hội chấm dứt vào ngày 16/4. Triển vọng tương lai gần của VJC và HVN vẫn chưa rõ ràng và tác động của đại dịch với ngành hàng không vẫn đứng đầu trong nhóm tiêu cực.
Thêm nữa, Cục Hàng không vừa có công văn khẩn cho 4 hãng gồm Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet và Bamboo Airways yêu cầu gửi đề nghị cấp phép bay cho giai đoạn 16-30/4 ngay trong hôm nay (14/4) để cơ quan này tổng hợp, xem xét. Đồng thời, cục này yêu cầu các hãng chỉ được phép mở bán các chuyến bay cho giai đoạn từ 16/4 sau khi được cấp phép mới.
Lại nói về các cổ phiếu ngân hàng
Tài liệu phiên họp thường niên năm 2020 của Vietinbank vừa được công bố hôm nay. Trong đó, ngân hàng này bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận, chỉ nêu sẽ “bảo đảm và cải thiện hoạt động kinh doanh, tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch Covid-19”.
Với các chỉ tiêu khác, Vietinbank đặt mục tiêu tổng tài sản có tăng 1-3%, dư nợ tín dụng dự kiến tăng 4-8,5% so với năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng bằng hoặc thấp hơn 2%. VietinBank cũng đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm trước.
Còn cổ phiếu VPB, thông tin mới nhất đến từ ông Nguyễn Đức Giang, con trai ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank vừa thông báo đăng ký mua vào 12 triệu cổ phiếu VPB để phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn và/hoặc thỏa thuận từ 15/4 đến 14/5/2020. Trước giao dịch, ông Nguyễn Đức Giang không sở hữu cổ phiếu VPB nào. Trong khi ông Nguyễn Đức Vinh đang nắm giữ hơn 32,4 triệu cổ phiếu VPB.
Khối ngoại bán ròng phiên 11 liên tiếp
Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 13% về lượng nhưng giảm 5% về giá trị so với phiên trước, đạt 266,8 triệu đơn vị, tương ứng với 4 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 37,6 triệu đơn vị, giá trị 714 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã ROS (-5,9%) với 17,9 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là HSG (tăng trần) với 10,4 triệu đơn vị và POW (+2,8%) đạt 8,8 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 11 liên tiếp với 153,4 tỷ đồng, tương đương 8,22 triệu đơn vị, giảm 38% về giá trị nhưng tăng 37%% về lượng so với phiên trước.
Trong đó, HPG dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng với 24,84 tỷ đồng. VNM theo sau với 24,46 tỷ đồng. Và các mã VCB, HCM, NLG cũng được mua ròng hơn 10 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất vẫn là VIC với 45,76 tỷ đồng, ghi nhận phiên thứ 10 bán ròng liên tiếp. Tiếp đó, HDB bị bán ròng 18,7 tỷ đồng, VPB bán ròng 14,1 tỷ đồng.
HNX – HNX-Index chấm dứt chuỗi 8 phiên tăng điểm liên tục
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, phần lớn thời gian phiên hôm nay, chỉ số HNX-Index nằm dưới mốc tham chiếu và có thời điểm tụt xuống dưới mốc 106 điểm, thấp hơn 1 điểm so với tham chiếu.
Tuy áp lực bán giảm dần về cuối phiên, nhưng chỉ số chính trên sàn Hà Nội vẫn đóng cửa trong sắc đỏ tại mức 107,15 điểm, tăng 0,01 điểm (-0,01%), với 28 mã tăng giá và 44 mã giảm giá.
VCS (+2,45%) là mã kìm hãm mạnh nhất đà giảm của chỉ số HNX-Index với 0,14 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch tăng 35% về lượng và 23% về giá trị so với phiên trước, đạt 56,1 triệu đơn vị, tương ứng với 0,59 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, PVX (tăng trần) dẫn đầu sàn khi đạt 8,8 triệu đơn vị. SHB theo sau với 5 triệu đơn vị, SHS (+2,2%) đạt 4,5 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 22,9 tỷ đồng, tương đương 1,83 triệu đơn vị, tăng 49% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 18 mã và mạnh nhất là VCS được mua ròng 488 triệu đồng, tương đương 8,4 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 21 mã và mạnh nhất là SHB với 13 tỷ đồng.
Sàn HNX hôm nay có ba mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, PVX (Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam) tăng 21,4 lần; C69 (CTCP Xây dựng 1369; đóng cửa giá trần) tăng 5,9 lần; KSD (Tổng CTCP Xuất nhập khẩu Đông Nam Á HAMICO; giá trần) tăng 4,7 lần.