Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/6: PLX, PVS, MSN, PC1, VIB, VPB

Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/6 của các công ty chứng khoán như BSC, Bản Việt (VCSC),

>> Quỹ FTSE Vietnam ETF có thể loại PVD và PDR trong kỳ tái cơ cấu quý II/2020

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/6: PLX, PVS, MSN, PC1, VIB, VPB
Cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đang nằm trong nhịp tích lũy ngắn hạn trong vùng giá 12-13.

PVS sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 18

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đang nằm trong nhịp tích lũy ngắn hạn trong vùng giá 12-13. Thanh khoản cổ phiếu tăng mạnh vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI ủng hộ nhịp tăng giá trong khi chỉ báo MACD đang báo hiệu xu hướng khởi đầu của vùng giá giao dịch. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, PVS có thể sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 18.0 trong các phiên giao dịch tới.

Khuyến nghị khả quan cho PLX với giá mục tiêu 51.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) công bố kế hoạch bán 15 triệu cổ phiếu trong tổng cộng 103 triệu cổ phiếu quỹ của công ty – tương ứng khoảng 13 ngày giao dịch và 1,2% cổ phần sau khi bán.

Nếu PLX thành công bán lượng cổ phiếu này, PLX có thể nhận được 560 tỷ đồng, theo giá cổ phiếu hiện tại là 46.300 đồng/CP. PLX chưa công bố thông tin chi tiết về thời gian thực hiện và giá bán.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho PLX với giá mục tiêu 51.100 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 13,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,6%.

Theo giá đóng cửa phiên 1/6, PLX hiện được giao dịch tại P/E dự phóng năm 2020 và 2021 lần lượt là 32,8 lần và 17,4 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu MSN

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị của CTCP Tập đoàn Masan (MSN) từ mua thành khả quan sau khi giá cổ phiếu đã tăng 29% trong 3 tháng qua. Chúng tôi tiếp tục đánh giá tích cực sự tham gia của MSN trong câu chuyện tăng trưởng ngành tiêu dùng của Việt Nam nhờ các mảng kinh doanh hàng tiêu dùng đa dạng.

Chúng tôi giữ giá mục tiêu gần như không đổi. Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 từ 22 triệu USD (-87% so với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi 2019) còn 12 triệu USD (-93% so với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi 2019), chủ yếu do dự báo lợi nhuận thấp hơn cho TCB, MSR (giá kim loại giảm) và MML (giá thịt heo hơi cao ảnh hưởng đến biên lợi nhuận mảng thịt).

Dự báo EPS 2021-2022 của chúng tôi tăng mạnh từ mức cơ sở thấp 2020 đến từ dự phóng cải thiện khả năng sinh lời tại VCM cùng với tăng trưởng trong các mảng kinh doanh tiêu dùng khác và TCB.

Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: khả năng sinh lời VCM và mảng thịt của MML cải thiện chậm hơn dự kiến; cạnh tranh gay gắt dẫn đến thị phần và biên LN giảm tại MCH.

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu PC1

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Xây lắp điện 1 (PC1) khi nhận thấy định giá của công ty là hấp dẫn tại P/E dự phóng năm 2020 là 6,7 lần và P/B là 0,6 lần so với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) dự phóng giai đoạn 2019-2024 của chúng tôi là 13% (tăng từ mức 5% trong dự báo trước đây của chúng tôi) nhờ kế hoạch mở rộng đáng kể công suất điện gió.

Chúng tôi đã ghi nhận các dự án điện gió Phong Huy và Phong Nguyên của PC1 trong dự báo của chúng tôi, giúp tăng tổng cộng 10% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự phóng giai đoạn 2022-2024 và tăng 24% định giá theo mô hình chiết khấu dòng tiền của chúng tôi.

Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 thêm 11% khi chúng tôi (1) điều chỉnh giảm biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp điện, (2) kỳ vọng 3 nhà máy thủy điện mới của PC1 sẽ bắt đầu hoạt động trễ hơn 1 quý so với dự báo gần nhất và (3) dự phóng phân bổ lợi thế thương mại liên quan đến việc thâu tóm các trang trại điện gió.

Giá mục tiêu chung của chúng tôi (70% chiết khấu dòng tiền: 30% chỉ số P/E) chỉ tăng 6% khi chúng tôi giảm định giá theo chỉ số P/E thêm 1% (do lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự phóng năm 2020 thấp hơn) và thêm 10% chiết khấu định giá cho các rủi ro điều hành tiềm năng liên quan đến việc PC1 thâm nhập vào mảng điện gió.

Rủi ro: rủi ro điều hành liên quan đến việc PC1 thâm nhập vào mảng điện gió.

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu VIB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và giữ khuyến nghị mua dành cho VIB do mức giảm trung bình 1,6% trong dự phóng lợi nhuận 2020- 2024 của chúng tôi – cùng với điều chỉnh tăng 1 điểm % giả định chi phí vốn của chúng tôi. Chúng tôi cũng cập nhật mô hình định giá của chúng tôi đến giữa 2021.

Dự báo lợi nhuận của chúng tôi được điều chỉnh giảm chủ yếu đến từ dự phóng chi phí dự phòng cao hơn trung bình 39,4% trong giai đoạn 2019-2024 đã phần nào được bù đắp bởi mức giảm 12,7% trong giả định chi phí hoạt động kinh doanh của chúng tối.

Chúng tôi kỳ vọng NIM 2020 sẽ giảm 4 điểm cơ bản YoY trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt 10,5%. Trong khi đó, chúng tôi điều chỉnh tăng tỷ lệ nợ xấu 2020 thêm 47 điểm cơ bản lên 2,21% do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến chất lượng tài sản của ngân hàng.

Chúng tôi giả định VIB sẽ không thực hiện thanh toán cổ tức tiền mặt 2019 theo chỉ đạo từ Chỉ thị 02/2020/CT-NHNN liên quan đến các biện pháp khẩn cấp của ngành ngân hàng nhằm giải quyết các khó khăn từ dịch COVID-19.

ROA và ROE dự phóng 2020 của chúng tôi là 23,4% và 1,8% so với trung vị các ngân hàng khác là 18,0% và 1,7%. Do đó, chúng tôi cho rằng định giá hiện tại của VIB là hấp dẫn với P/B dự phóng 2020 đạt 0,9 lần.

Rủi ro: (1) tăng vốn là cần thiết để duy trì tăng trưởng cho vay trong dài hạn, tạo ra rủi ro pha loãng; (2) cạnh tranh gia tăng có thể tạo ra áp lực lên NIM; (3) các yếu tố vĩ mô của ngành ngân hàng có thể tạo áp lực lên dự phòng của VIB trong bối cảnh tỷ lệ bao phủ nợ (LLR) thấp và tỷ trọng cho vay ôtô cao.

Khuyến nghị mua cho VPB với giá mục tiêu 30.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) diễn ra ngày 29/05/2020. Chương trình chính của đại hội bao gồm bầu chọn thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS) cho nhiệm kỳ 2020-2025. HĐQT bao gồm 5 thành viên, với 1 thành viên HĐQT. BKS bao gồm 4 thành viên.

Phiên hỏi đáp tập trung vào triển vọng ngân hàng và diễn biến đợt bán cổ phần của FE Credit (FEC).

Kế hoạch 2020 bao gồm tăng trưởng tín dụng đạt 12,3%, tăng trưởng huy động (bao gồm huy động khách hàng và giấy tờ có giá) đạt 10,4%, nợ xấu của ngân hàng mẹ được duy trì dưới 3%, và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10,2 nghìn tỷ đồng (giảm 1,1% so với năm ngoái).

Không đề xuất cổ tức cố phiếu hoặc tiền mặt cho năm tài chính 2019.

Kế hoạch ESOP 2020 là phát hành 17 triệu cổ phiếu (chiếm 0,7% cổ phiếu lưu hành) – với giá 10.000 đồng/CP – dự kiến sẽ được phát hành trong quý 3 và được lấy từ nguồn 92,2 triệu cổ phiếu quỹ hiện tại. Thời gian hạn chế giao dịch là 3 năm với 30% được giao dịch sau 1 năm, thêm 35% sau 2 năm và phần còn lại được giao dịch sau 3 năm.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho VPB với giá mục tiêu 30.100 đồng/CP.

(Theo ĐTCK)

Next Post

Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 3/6

T4 Th6 3 , 2020
Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 3/6 về các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán như TVB, ABS, KDC, VGC, L14.
Copyright All right reserved

Chuyên mục