Các cổ phiếu trụ cột gần đây như SAB hay VNM mất giá khiến VN-Index có phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp.
HOSE – Tiếp tục phân hóa trong giai đoạn cao điểm công bố báo cáo tài chính
Diễn biến đầu phiên khá giống hôm qua, chỉ số VN-Index vọt lên vùng 775 điểm, cao hơn 5 điểm so với tham chiếu, đạt đỉnh cao nhất trong ngày ngay sau phiên ATO nhờ sự dẫn dắt của VHM. Cổ phiếu này tăng mạnh hơn 6% từ đầu phiên với giao dịch sôi động sau thông tin về kết quả kinh doanh.
Cụ thể, Vinhomes trong quý đầu năm nay đã đạt lợi nhuận đột biến với hơn 7.645 tỷ đồng, tăng hơn 184% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu đạt 6.519,2 tỷ đồng, tăng 11,4%.
Sắc xanh từ sớm đã chiếm đa số trên bảng điện tử. Tuy nhiên, dòng tiền có dấu hiệu chuyển hướng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình khi giá trị khớp lệnh áp đảo so với rổ VN30. Thị trường vẫn tiếp tục bị phân hóa mạnh trong giai đoạn cao điểm của mùa báo cáo quý I/2020.
Áp lực chốt lời gia tăng mạnh, đặc biệt là ở rổ VN30 khi có thời điểm lên tới 25 mã giảm giá và kèm theo trụ lớn VHM hạ độ cao. Chỉ số VN-Idnex lao dốc 10 điểm xuống vùng 765 điểm vào lúc 9h35.
Mặc dù sau đó dòng tiền bắt đáy xuất hiện kéo chỉ số chính lên sát mốc tham chiếu, nhưng càng giao dịch, áp lực xả hàng càng mạnh và lần nữa khiến VN-Index đảo chiều khi chưa kịp lấy lại sắc xanh và liên tục đào sâu cho đến khi tạm dừng phiên sáng tại 765,15 điểm, giảm 5,62 điểm (-0,73%) so với tham chiếu. Giá trị giao dịch giảm mạnh 30% xuống còn 2,03 nghìn tỷ đồng, tương đương 125,4 triệu đơn vị.
Đến chiều, tâm lý thận trọng xảy ra ở cả 2 bên thị trường, áp lực chốt lời giảm, dòng tiền của bên mua lại mang xu hướng thăm dò nhiều hơn. Sau đó gần như đi ngang vùng đáy thấp nhất trong ngày tại 764 điểm trong 44 phút đầu, chỉ số VN-Index lấy lại đà tăng và vọt lên 772 điểm vào lúc 14h, cao hơn 2 điểm so với tham chiếu.
Giao dịch kém sôi động trên thị trường chính là điểm ‘chí mạng’ của chỉ số chính hôm nay, quay lại sắc xanh chưa lâu thì VN-Index sụt trở lại và đóng cửa tại 767,21 điểm, giảm 3,56 điểm (-0,46%) so với tham chiếu.
Chốt phiên hôm nay có 152 mã tăng và 185 mã giảm giá, trong đó, 14 mã tăng trần và 4 mã giảm sàn.
Rổ VN30 chỉ có 11 mã tăng, trong đó POW dẫn đầu khi tăng 4%; MSN theo sau tăng 2%. Ở phía ngược lại, SAB giảm mạnh nhất 5,56%, ROS và VRE theo sau giảm hơn 3%.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, SAB, VNM và GAS là ba mã góp phần nhiều nhất vào đà giảm của VN-Index với 3,8 điểm ảnh hưởng.
Nhóm cổ phiếu Vingroup phân hóa với biên độ nhỏ khi VIC đứng giá, VHM tăng nhẹ 0,16% và VRE giảm giá mạnh nên đẩy chỉ số chính xuống thêm 0,4 điểm ảnh hưởng.
Trái lại, nhóm ngân hàng chỉ có STB giảm nhẹ, còn lại đều tăng nhẹ không quá 1%. Do đó, ngành này đã kìm hãm đà giảm của VN-Index 0,6 điểm ảnh hưởng.
Mặc dù Vinhomes có lợi nhuận đột biến trong quý I/2020. Nhưng ‘anh em họ hàng’ với nó là Vincom Retail lại có lợi nhuận sau thuế giảm 19%, chỉ đạt 492 tỷ đồng. Doanh thu thuần của công ty này đạt gần 1.700 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vincom Retail giải trình, doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan giảm 150 tỷ đồng do giải ngân gói hỗ trợ 300 tỷ đồng hỗ trợ khách thuê chịu ảnh hưởng của Covid-19. Doanh thu chuyển nhượng bất động sản cũng giảm hơn 400 tỷ đồng so với cùng kỳ. Các khoản chi phí bán hàng và giá vốn giảm cùng chiều với hoạt động kinh doanh. Doanh thu tài chính thấp hơn cùng kỳ do giảm thu nhập từ lãi cho vay và hoạt động đầu tư.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý I với khoản lỗ ròng hơn 78 tỷ đồng.
Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 22% về lượng và 29% về giá trị so với phiên trước, đạt 219,4 triệu đơn vị, tương ứng 3,66 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,2 triệu đơn vị, tương đương 505 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã HPG (-2,5%) với 7,7 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là ITA (+1,7%) với 7,1 triệu đơn vị và STB (-0,1%) đạt 7 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 21 liên tiếp với 396,7 tỷ đồng, tương đương 16,4 triệu đơn vị, giảm 14% về giá trị và 26% về lượng so với phiên trước.
Trong đó, POW dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 11,5 tỷ đồng, tương đương 1,14 triệu đơn vị. Đây cũng là mã duy nhất được mua ròng trên 10 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất vẫn là VCB với 72,7 tỷ đồng, tương đương 1,1 triệu đơn vị. VNM theo sau với 55,26 tỷ đồng. HDB bị bán ròng 23,76 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, bốn mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, LCM (Khai thác và chế biến khoáng sản Lào Cai; đóng cửa giá trần) tăng 11,2 lần; TIP (Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa; giá trần) tăng 5,5 lần; TIF (Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành) tăng 4,3 lần; CLG (Đầu tư và phát triển nhà đất Cotec; giá trần) tăng 4,1 lần.
HNX – Suýt mất mốc 106 điểm
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, áp lực chốt lời tăng mạnh khiến chỉ số HNX-Index lùi về vùng 105 điểm. Cho đến gần cuối phiên, chỉ số này mới lấy lại đà tăng và đóng cửa tại 106,26 điểm, giảm 0,04 điểm (-0,04%), với 29 mã tăng giá và 37 mã giảm giá.
SHB (-0,62%) và PVS (-2,59%) là hai mã góp phần nhiều nhất với đà giảm của chỉ số chính với lần lượt 0,07 điểm và 0,08 điểm ảnh hưởng.
Ở phía ngược lại, ACB (+1%) đã kìm hãm mạnh nhất đà giảm của chỉ số chính với 0,15 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch tăng 1% so với phiên trước, đạt 41,4 triệu đơn vị, tương ứng với 308,2 triệu tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, KLF (tăng trần) dẫn đầu sàn khi đạt 14,3 triệu đơn vị. PVS (-2,6%) theo sau với 2,96 triệu đơn vị, NVB (đứng giá) đạt 2,9 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 12,6 tỷ đồng, tương đương 1,2 triệu đơn vị, tăng nhẹ 2% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 25 mã và mạnh nhất là SHS được mua ròng 120 triệu đồng, tương đương 2,4 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 25 mã và mạnh nhất là TNG đạt 6,15 tỷ đồng, tương đương 500,2 nghìn đơn vị.
Trên sàn HNX hôm nay, hai có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, KVC (Sản xuất xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ) tăng 4,2 lần; LIG (Licogi 13) tăng 4,1 lần.
Bình luận cuối ngày
Theo đánh giá của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường giảm điểm trong phiên thứ hai liên tiếp với thanh khoản suy giảm so với phiên trước đó thể hiện việc nhà đầu tư có phần chán nản với diễn biến thị trường hiện tại và đa phần có lẽ đang đứng ngoài quan sát trong bối cảnh chỉ còn một phiên nữa là đến kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày.
Áp lực bán của nhà đầu tư vẫn có phần áp đảo lực mua ngay khi chỉ số xanh đầu phiên đã khiến thị trường điều chỉnh trở lại ngay sau đó. Khối ngoại tiếp tục chuỗi ngày bán ròng với khoảng 410 tỷ đồng trên hai sàn là điểm tiêu cực cần lưu ý.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 29/4, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc và giằng co với biên độ trong khoảng 755-790 điểm (MA20-50) trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ.
Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể bán ra nếu như VN-Index có nhịp tăng lên vùng kháng cự 780-790 điểm. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh 755 điểm (MA20) để bắt đáy một phần tỷ trọng.
Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 761-765 điểm trong phiên kế tiếp. Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong phiên kế tiếp.
Thêm vào đó, BVSC cũng lưu ý rằng, thị trường có thể biến động mạnh, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 do các quỹ benchmark theo rổ VN30 sẽ phải thực hiện hoạt động tái cơ cấu danh mục quý II trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 04.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại, cùng với đó là biến động tiêu cực của giá dầu và các chỉ số chứng khoán thế giới. Ngoài ra, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.
Do đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Đồng thời, sau khi đã thực hiện bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn tại vùng 790-820 điểm, nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài quan sát thêm các tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng thị trường trong ngắn hạn.
>> Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 28/4: Chủ tịch KBC mua xong 10 triệu cổ phiếu