Chứng khoán ngày 12/5: VN-Index tiến gần mốc 840 điểm

Thị trường tiếp tục nhịp hồi phục. VN-Index ghi nhận phiên tăng điểm thứ 6, tiến gần mốc 840 điểm. Còn HNX-Index tăng điểm phiên thứ 5 liên tiếp.  

>> Chứng khoán ngày 11/5: Phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, VN-Index đạt đỉnh 2 tháng

Chứng khoán ngày 12/5: VN-Index tiến gần mốc 840 điểm
Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 12/5/2020.

HOSE – VNM và nhóm ngân hàng làm trụ lớn

Sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp, mở cửa sáng nay, áp lực bán ra gia tăng từ sớm khiến chỉ số VN-Index lùi về vùng 819 điểm, thấp hơn 9 điểm so với tham chiếu, tạo đáy thấp nhất trong ngày sau 20 phút giao dịch đầu. Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn tạo gánh nặng khi rổ VN30 có tới 27 mã giảm giá. Dẫn đầu là VPB, GAS và MWG giảm trên 2%.

Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy nhanh chóng nhập cuộc kéo chỉ số chính đi lên hơn 10 điểm và đục thủng mốc 830 điểm, cao hơn 2 điểm so với tham chiếu vào lúc 9h55. Sự điều chỉnh tại vùng kháng cự mới sau đó là điều khó tránh khỏi, VN-Index lình xình quanh ngưỡng tham chiếu và tạm dừng phiên sáng tại 827,05 điểm, giảm 1,28 điểm (-0,15%) so với tham chiếu. Giá trị giao dịch giảm 11% so với sáng qua, đạt 3,24 nghìn tỷ đồng, tương đương 182,4 triệu đơn vị.

Đến chiều, dòng tiền có phần tự tin hơn, chỉ số VN-Index từ từ đi lên và đóng cửa tại sát đỉnh ngày 835,32 điểm, tăng 6,99 điểm (+0,84%) so với tham chiếu.

Chốt phiên hôm nay có 232 mã tăng và 131 mã giảm giá, trong đó, 28 mã tăng trần và 4 mã giảm sàn.

Rổ VN30 có 18 mã tăng giá, trong đó duy nhất PNJ tiếp tục tăng trần. Ngoài ra, năm cổ phiếu khác tăng giá trên 2% gồm VNM, PLX, MBB, BVH, POW. Ở phía ngược lại, ba cổ phiếu khác giảm trên 2% gồm NVL, MWG, SBT.

Thông tin đáng chú ý hôm nay là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết sẽ mua lại 1% lượng cổ phiếu đang lưu hành từ ngày 21/5 đến 20/6 để làm cổ phiếu quỹ, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu thành công, Vinamilk sẽ tăng lượng cổ phiếu quỹ nắm giữ lên hơn 17,8 triệu đơn vị.

Với thị giá cổ phiếu đóng cửa hôm nay tại 113.900 đồng, ước tính công ty này sẽ chi ra khoảng hơn 2.000 tỷ đồng để thực hiện giao dịch. Vinamilk cho biết nguồn vốn thực hiện lấy từ quỹ đầu tư phát triển. Đến cuối quý I, quỹ này đang có gần 2.470 tỷ đồng.

Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước vừa tiếp tục điều chỉnh giảm nhiều loại lãi suất điều hành từ ngày 13/5 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm. Với các khoản tiết kiệm có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, lãi suất cũng giảm từ 4,75% xuống 4,25%/ năm.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.

Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng phần lớn đều tăng giá trừ EIB và VPB giảm nhẹ dưới 1%. Do đó, ngành này đã góp phần vào đà tăng của VN-Index 2,6 điểm ảnh hưởng.

Ở cổ phiếu riêng lẻ, VNM và PLX là hai mã góp phần đáng kể cho chỉ số chính với 3,2 điểm ảnh hưởng. 

Khối lượng giao dịch hôm nay giảm nhẹ 9% về lượng và 7% về giá trị so với phiên trước, đạt 322,2 triệu đơn vị, tương đương 5,8 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,1 triệu đơn vị, tương đương 753 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã HSG (tăng trần) với 13,9 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là MBB (+2,4%) với 11,9 triệu đơn vị và STB (+0,1%) đạt 11,3 triệu đơn vị.

Khối ngoại quay lại mua ròng với 95 tỷ đồng, nhưng lại bán ròng về khối lượng với 4,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, phiên trước khối này bán ròng tới 428,05 tỷ đồng.

Trong đó, VNM dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 154,96 tỷ đồng, tương đương 1,4 triệu đơn vị. VCB theo sau được mua ròng 69,55 tỷ đồng; VPB với 58,34 tỷ đồng; KDH với 50,66 tỷ đồng.

Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VIC với 48,43 tỷ đồng, tương đương 499,8 nghìn đơn vị. Tiếp đến, HRC bị bán ròng 36,54 tỷ đồng, VRE với 32,46 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch hôm nay, bảy mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, IBC (CTCP Đầu tư Apax Holdings) tăng 8,2 lần; TTB (CTCP Tập đoàn Tiến Bộ) tăng 8 lần; DAH (CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á) tăng 7,7 lần; CMX (CTCP Camimex Group; đóng cửa giá trần) tăng 4,7 lần; AST (CTCP Dịch vụ hàng không Taseco) tăng 4,7 lần; GIL (CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh) tăng 4,5 lần; TPB (giá trần) tăng 4,5 lần. 

HNX – Giằng co mạnh ở vùng 111 điểm

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index giằng co mạnh trong vùng 111 điểm trong gần hết phiên hôm nay và đóng cửa ở 111,78 điểm, tăng 0,2 điểm (+0,18%), với 48 mã tăng giá và 43 mã giảm giá.

VCS (+1,84%) và NTP (+5,67%) là hai mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số chính với 0,2 điểm ảnh hưởng.

Ở phía ngược lại, VIF (-7,1%) và SHB (-1,14%) là hai mã kìm hãm mạnh nhất đà giảm của HNX-Index với 0,4 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch tăng 10% về lượng và 11% về giá trị so với phiên trước, đạt 57,95 triệu đơn vị, tương đương 543 tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Trong đó, HUT (đứng giá) dẫn đầu sàn khi đạt 8,9 triệu đơn vị. KLF (+5,6%) theo sau với 5,26 triệu đơn vị, PVS (+1,6%) đạt 5,2 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 3,56 tỷ đồng, tương đương 1,13 triệu đơn vị, giảm 87% về giá trị so với phiên bán ròng trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 26 mã và mạnh nhất là PVS được mua ròng 381 triệu đồng, tương đương 30 nghìn đơn vị.

Trong khi đó, khối này bán ròng 20 mã và dẫn đầu là HUT đạt 1,88 tỷ đồng, tương đương 1,05 triệu đơn vị.    

Trên sàn Hà Nội hôm nay, ba mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, CET (CTCP Tech – Vina) tăng 5,3 lần; MBS (CTCP Chứng khoán MB) tăng 4,4 lần; TNG (CTCP đầu tư và thương mại TNG; giá trần) tăng 4,1 lần.

Bình luận cuối phiên

Theo đánh giá của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường tiếp tục nhịp hồi phục với phiên tăng điểm thứ sáu liên tiếp trên VN-Index và thứ năm liên tiếp trên HNX-Index. Qua đó, chỉ số VN-Index tiến gần hơn với ngưỡng kháng cự tiếp theo quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%).

Thanh khoản trong phiên hôm nay gia tăng nhẹ so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn duy trì được sự tích cực. Đáng chú ý, khối ngoại quay trở lại mua ròng với khoảng hơn 90 tỷ đồng trên hai sàn là một tín hiệu tích cực.

SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 13/05, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc khi tiến tới ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%). Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể tận dụng những nhịp tăng lên gần ngưỡng kháng cự quanh 840 điểm để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn nên tạm thời đứng ngoài và chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh vùng hỗ trợ trong khoảng 790-800 điểm (fibonacci retracement 38,2%).

Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục có các nhịp rung lắc, điều chỉnh đan xen trên đường hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 860-880 điểm trong những phiên kế tiếp. Khối ngoại mua ròng trở lại trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt các lãi suất điều hành là các yếu tố đã hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư và có thể sẽ giúp thị trường tiếp tục có diễn biến khởi sắc trong ngắn hạn.

Dù vậy, việc các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp có thể không như kỳ vọng sẽ là các yếu tố khiến cho các nhóm cổ phiếu trên thị trường có thể rơi vào trạng thái phân hóa mạnh.

BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 30-40% cổ phiếu. Thêm nữa, nhà đầu tư có thể xem xét bán trading một phần vị thế ngắn hạn đang có trong danh mục trong các phiên thị trường tăng điểm mạnh tại vùng kháng cự 845-860 điểm.

Next Post

Giá vàng ngày 13/5: Tăng trở lại do nguy cơ về làn sóng Covid-19 mới

T4 Th5 13 , 2020
Giá vàng hôm nay tăng trở lại trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về làn sóng Covid-19 mới sẽ xảy ra khi các chính phủ tái khởi động nền kinh tế quá sớm. >> Giá vàng ngày 12/5: Vàng đang trong ‘tình trạng ngủ’ Giá vàng thế giới […]
Copyright All right reserved

Chuyên mục