VN-Index hôm nay tăng 14,6 điểm, lên mức 828,33 điểm, cao nhất kể từ phiên 11/3/2020 với thanh khoản vẫn trên mức trung bình 20 phiên.
>> Chứng khoán ngày 8/5: VN-Index kết tuần tại 813 điểm, tăng 5,8%
HOSE – Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là trụ lớn
Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường phiên sáng 11/5. Chỉ số VN-Index vọt lên vùng 821 điểm chỉ sau 25 phút giao dịch đầu, cao hơn 8 điểm so với tham chiếu.
Áp lực xả hàng gia tăng ở ngưỡng tâm lý 820 điểm khiến chỉ số chính lao dốc thủng mốc tham chiếu, mất gần 10 điểm vào lúc 9h46, tạo đáy thấp nhất trong ngày.
Tuy nhiên, sự sụt giảm chỉ là nhất thời, VN-Index đã nhanh chóng đi lên trở lại và tạm dừng phiên sáng tại 824,42 điểm, tăng 10,69 điểm (+1,31%) so với tham chiếu. Giá trị giao dịch tiếp tục đạt mức cao 3,65 nghìn tỷ đồng, tương đương 218,26 triệu đơn vị, tăng 5% về giá trị so với phiên trước.
Dường như việc kết phiên sáng trên ngưỡng 820 điểm khiến thị trường tự tin hơn để nối dài xu hướng tăng của chỉ số VN-Index trong phiên chiều khi chạm vùng 826 điểm vào lúc 13h25, cao hơn 13 điểm (+1,6%) so với tham chiếu.
Mặc dù sau đó có sự điều chỉnh nhưng nhờ lực cầu mạnh về cuối phiên nên chỉ số VN-Index vẫn đóng cửa ở đỉnh ngày 828,33 điểm, tăng 14,6 điểm (+1,79%) so với tham chiếu. Đây là mức đóng cửa cao nhất nhất trong 2 tháng qua.
Chốt phiên hôm nay có 246 mã tăng và 119 mã giảm giá, trong đó, 18 mã tăng trần và 8 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 27 mã tăng giá, trong đó duy nhất TCB tiếp tục tăng trần. Ngoài ra, sáu cổ phiếu khác tăng giá trên 3% gồm VHM, VNM, GAS, MSN, VPB, SSI.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm ngân hàng đều tăng giá. Do đó, ngành này đã góp phần vào đà tăng của VN-Index 4,7 điểm ảnh hưởng.
Nhóm cổ phiếu Vingroup gồm VIC đứng giá, VHM và VRE cũng đều tăng giá nên nhóm này đẩy chỉ số chính lên thêm 2,6 điểm ảnh hưởng.
Ở cổ phiếu riêng lẻ, SAS, VNM, MSN là ba mã góp phần đáng kể cho chỉ số chính với 4,3 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 5% về lượng và 11% về giá trị so với phiên trước, đạt 353,4 triệu đơn vị, tương đương 6,25 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 84,5 triệu đơn vị, tương đương 1,76 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã MBB (+1,2%) với 13,87 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là ROS (-1,4%) với 13,8 triệu đơn vị và PVD (tăng trần) đạt 13,5 triệu đơn vị.
Khối ngoại bán ròng trở lại với 428,05 tỷ đồng, tương tương 28,13 triệu đơn vị. Trong khi đó, khối này mua ròng 73,04 tỷ đồng vào cuối tuần trước.
Trong đó, VNM dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 89,71 tỷ đồng, tương đương 839 nghìn đơn vị. VHM theo sau được mua ròng 64,2 tỷ đồng; VPB với 63,69 tỷ đồng; VCB với 43 tỷ đồng; HPG với 20,44 tỷ đồng; MSN với 12,11 tỷ đồng. Còn lại các mã được mua ròng khác đều có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là PC1 với 415,32 tỷ đồng, tương đương 23,07 triệu đơn vị. Tiếp đến, SVC bị bán ròng 85,87 tỷ đồng, VCI với 84,55 tỷ đồng, KDH với 45,53 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, sáu mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, HNG (Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai; đóng cửa giá trần) tăng 14,3 lần; HTT (Thương mại Hà Tây) tăng 8,7 lần; CLG (Đầu tư và phát triển nhà đất Cotec; giá sàn) tăng 6,2 lần; TCL (Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng; giá trần) tăng 5,4 lần; HVG (Hùng Vương) tăng 4,8 lần; IMP ( Dược phẩm Imexpharm) tăng 4,1 lần.
Đáng chú ý là cặp đôi cổ phiếu của bầu Đức. Mặc dù xuất hiện lình xình ở mốc tham chiếu và sau đó điều chỉnh nhẹ nhưng HAG và HNG đã được kéo tăng trần chỉ sau khoảng thời gian khá ngắn.
Một trong những thông tin liên quan đến cặp cổ phiếu trên là CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), cổ đông lớn của HNG, đã trình cổ đông liên quan đến việc tái cấu trúc tập đoàn. Theo đó, Thaco dự tách công ty để thành lập pháp nhân mới là CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) với vốn điều lệ dự kiến 19.324 tỷ đồng, để tái cấu trúc và kiểm soát theo mô hình tập đoàn. Theo đó, Thaco sẽ chuyển toàn bộ và Thaco Group được kế thừa, tiếp tục thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ tại các công ty, trong đó có HNG.
HNX – Vượt mốc 111 điểm
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index giằng co mạnh ở vùng 110 điểm trong phần lớn thời gian của phiên hôm nay. Tuy nhiên, nhờ dòng tiền gia tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vào cuối phiên, chỉ số HNX-Index đã đóng cửa ở đỉnh ngày 111,57 điểm, tăng 1,55 điểm (+1,41%), với 91 mã tăng giá và 49 mã giảm giá.
SHB (+2,94%), ACB (+1,4%) và VIF (+5,78%) là ba mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số chính với 0,82 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch giảm 20% về lượng nhưng tăng 2% về giá trị so với phiên trước, đạt 52,6 triệu đơn vị, tương đương 482,7 tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, KLF (đứng giá) dẫn đầu sàn khi đạt 11 triệu đơn vị. PVS (+5%) theo sau với 9,3 triệu đơn vị, ACB (+1,4%) đạt 4,1 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX cũng quay lại bán ròng 27,04 tỷ đồng, tương đương 3,86 triệu đơn vị, tăng 43,4% về giá trị so với phiên bán ròng trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 24 mã và mạnh nhất là VCS được mua ròng 1,33 tỷ đồng, tương đương 20,7 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 21 mã và dẫn đầu là PVS đạt 23,22 tỷ đồng, tương đương 1,86 triệu đơn vị.
Bình luận cuối phiên
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường tiếp tục nhịp hồi phục với phiên tăng điểm thứ năm liên tiếp trên VN-Index và thứ tư liên tiếp trên HNX-Index. Qua đó, chỉ số VN-Index đang tiến gần hơn với ngưỡng kháng cự tiếp theo quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%).
Thanh khoản trong phiên này tiếp tục duy trì ở mức cao hơn trung bình 20 phiên tuy nhiên đã có sự suy yếu so với phiên cuối tuần trước cho thấy lực cầu là tương đối tốt nhưng đã có sự thận trọng nhất định. Nếu loại bỏ việc bán ròng đột biến PC1 384 tỷ đồng thì khối ngoại vẫn bán ròng nhẹ 71 tỷ đồng trên hai sàn.
Do đó, SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 12/5, VN-Index có thể sẽ rung lắc khi tiến đến ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%). Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể tận dụng những nhịp tăng lên gần ngưỡng kháng cự quanh 840 điểm để giảm tỷ trọng cổ phiếu.
Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn nên tạm thời đứng ngoài và chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh vùng hỗ trợ trong khoảng 790-800 điểm (fibonacci retracement 38,2%).
Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index có thể rung lắc, điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự gần 832-835 điểm trong phiên kế tiếp. Về tổng thế, sau khi bứt phá thành công qua vùng cản 800-820 điểm, thị trường sẽ tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 860-880 điểm trong ngắn hạn.
Dù vậy, việc các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp có thể không như kỳ vọng cũng sẽ là các yếu tố có thể tác động không tốt đến diễn biến giá cổ phiếu.
BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 25-35% cổ phiếu. Thêm nữa, nếu nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế tiền mặt lớn có thể xem xét mở các vị thế mua trading khi chỉ số kiểm định lại vùng hỗ trợ 800-820 điểm.
Đối với các vị thế ngắn hạn đang có trong danh mục, nhà đầu tư có thể tiếp tục xem xét bán trading một phần vị thế ở các vùng giá cao trong các phiên thị trường tăng điểm tại vùng kháng cự 845-860 điểm.