Bối cảnh không mấy sáng sủa khi VN-Index ghi nhận phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp và mất mốc 830 điểm vào phút cuối, mức thấp nhất kể từ phiên 11/5.
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/6: DGC, ANV, GEX, SAB, PNJ, VCB, HPG
HOSE – Thiếu trụ
Áp lực xả hàng tăng mạnh từ sớm khiến chỉ số VN-Index bốc hơi 11 điểm so với tham chiếu chỉ sau 30 phút đầu giao dịch, về ngưỡng hỗ trợ 840 điểm. Sự thận trọng tiếp tục trở thành ‘màu sắc’ chủ đạo của bên mua dẫn đến thanh khoản vẫn yếu.
Sắc đỏ ngày càng lan rộng trên bảng điện tử. Mặc dù dòng tiền bắt đáy sau đó có tham gia nhưng không đủ thỏa mãn người bán, chỉ số VN-Index nhanh chóng tiếp tục giảm sâu và tạm dừng phiên sáng tại 833,31 điểm, giảm 18,67 điểm (-2,19%) so với tham chiếu. Thanh khoản tăng 61% so với sáng 26/6, đạt 2,73 nghìn tỷ đồng, tương đương 190 triệu đơn vị.
Đến chiều, thông tin vĩ mô đến từ báo cáo của tổng cục thống kê ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý thị trường. Áp lực xả hàng tiếp tục gia tăng khiến VN-Index rớt đáy thấp nhất trong ngày tại vùng 826 điểm, thấp hơn 25 điểm so với tham chiếu chỉ sau 30 phút đầu quay lại giao dịch.
Dòng tiền bắt đáy lại lần nữa tham gia thị trường. Tiếc rằng, chỉ số VN-Index đến cuối vẫn mất mốc quan trọng và đóng cửa tại 829,36 điểm, giảm 22,62 điểm (-2,65%) so với tham chiếu.
Chốt phiên hôm nay có 53 mã tăng và 358 mã giảm giá, trong đó, 6 mã tăng trần và 50 mã giảm sàn.
Rổ VN30 chỉ có 2 mã tăng giá gồm CTD tăng 4,8% và EIB tăng 1,4%. Ở phía ngược lại, ba mã giảm trên 4% gồm SBT, SSI, VPB.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng phần lớn đều giảm giá mạnh ngoại trừ EIB. Do đó, ngành này tạo gánh nặng lớn lên VN-Index với 6,3 điểm ảnh hưởng.
Với việc VIC, VHM và VRE đều giảm giá trên 2%, nhóm cổ phiếu Vingroup đã đè nặng lên chỉ số chính với 4,5 điểm ảnh hưởng.
Ở cổ phiếu riêng lẻ, VNM, GAS và SAB là ba cổ phiếu góp phần đáng kể vào đà giảm của VN-Index với 3,4 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 30% cả về lượng và giá trị so với phiên trước, đạt 389,6 triệu đơn vị, tương đương 5,56 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 54 triệu đơn vị, tương đương 1,15 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã HQC (giảm sàn) với 19,8 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là ROS (-2,6%) với 18,27 triệu đơn vị và ITA (giảm sàn) đạt 18,2 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng với 147,45 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,88 triệu đơn vị, tăng 4,3 lần về giá trị nhưng giảm 57% về lượng so với phiên trước.
Trong đó, VHM dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 25,5 tỷ đồng, tương đương 343,6 nghìn đơn vị. FUEVFVND theo sau được mua ròng 25,2 tỷ đồng; GEX với 20,1 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VNM với 66,09 tỷ đồng, tương đương 590,9 nghìn đơn vị. Tiếp đến, SSI bị bán ròng 36,05 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, hai mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, NBB (CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy) tăng 18,2 lần; BCG (CTCP Bamboo Capital; đóng cửa giá trần) tăng 4,6 lần.
HNX – Quay lại 110 điểm
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, do áp lực chốt lời lớn, chỉ số HNX-Index hôm nay liên tục lao dốc và đóng cửa tại 110,32 điểm, giảm 3,13 điểm (-2,76%), với 45 mã tăng giá và 124 mã giảm giá.
ACB (-2,97%), SHB (-6,43%) và VCG (-6,05%) là ba mã góp phần tạo gánh nặng lớn nhất cho chỉ số chính với 1,6 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch tăng 6% về lượng và 23% về giá trị so với phiên trước, đạt 60,2 triệu đơn vị, tương đương 586,6 tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, HUT (giảm sàn) dẫn đầu sàn khi đạt 7 triệu đơn vị. ACB (-3%) theo sau với 4,3 triệu đơn vị, KLF (-4,8%) đạt 3,8 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 3,25 tỷ đồng, tương đương 170,9 nghìn đơn vị, giảm 21% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, khối ngoại mua ròng 35 mã và mạnh nhất là VCG được mua ròng 287 triệu đồng, tương đương 4,7 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 22 mã và dẫn đầu là VCG đạt 1,33 tỷ đồng, tương đương 49,5 nghìn đơn vị.
Trên sàn Hà Nội hôm nay, hai mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, HAD (CTCP Bia Hà Nội – Hải Dương) tăng 19,1 lần; LAS (CTCP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao; đóng cửa giá sàn) tăng 5,3 lần.
Bình luận cuối phiên
Theo đánh giá của của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên thứ sáu tuần trước cũng như việc công bố tốc độ tăng GDP thấp kỷ lục trong quý II của Việt Nam vào sáng nay đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực dẫn đến bán tháo trong phiên đầu tuần.
Trên góc nhìn kỹ thuật, trạng thái hiện tại của VN-Index đã trở nên xấu hơn khi chỉ số xuyên thủng ngưỡng 840 điểm (fibonacci retracement 50%), theo đó hỗ trợ tiếp theo của chỉ số sẽ là quanh ngưỡng 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%). Khối ngoại bán ròng trên hai sàn với khoảng 150 tỷ đồng là điểm tiêu cực trong bối cảnh đã không mấy sáng sủa.
Do đó, SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 30/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ tiếp theo quanh 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%) và ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%).
Nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu có thể canh những nhịp hồi phục của VN-Index lên gần ngưỡng 840 điểm để hạ tỷ trọng. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt có thể giải ngân trở lại nếu VN-Index giảm về gần ngưỡng 800 điểm.
Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, sau khi xuyên thủng vùng hỗ trợ quanh 840 điểm, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm về vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 780-820 điểm trong ngắn hạn.
Trong quá trình giảm điểm, chỉ số có thể xuất hiện đan xen các phiên hồi phục kỹ thuật. Hoạt động chốt NAV bán niên của các quỹ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng nhất định đến một số cổ phiếu và làm “nhiễu” tín hiệu của thị trường trong phiên giao dịch ngày mai.
Ngoài ra, điểm tiêu cực trong ngắn hạn vẫn là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp kém tích cực.
Do đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu. Chỉ ưu tiên nắm giữ các vị thế trung, dài hạn. Ngoài ra, các nhà đầu tư vẫn đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng.