Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 10/9 của các công ty chứng khoán như MBS, BSC, Bản Việt (VCSC).
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/9: OIL, DPM, BSR, BVH, ANV
Khuyến nghị mua FPT với giá mục tiêu 61.500 đồng/CP
Lũy kế 7 tháng đầu năm, CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) ghi nhận tăng 8,2% doanh thu và 12,7% lợi nhuận trước thuế lên tương ứng 15.958 tỷ đồng và 2.862 tỷ đồng. Biên lợi nhuận trước thuế được cải thiện từ 17,2% trong 7 tháng năm 2019 lên 17,9% trong năm nay. Lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và dịch vụ viễn thông duy trì tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi ký kết hợp đồng với tại các thị trường châu Âu và Mỹ do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt đối với 2 ngành dầu khí và hàng không tại Mỹ.
Dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số. FPT cho biết, dịch vụ chuyển đổi số trong 7 tháng chứng kiến mức tăng cao 57% lên 2.072 tỷ đồng, chứng tỏ nhu cầu của các DN đối với các công nghệ mới trong lĩnh vực số đang trở nên ngày càng lớn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu.
Trong tháng 7, FPT đã thực hiện đấu thầu thành công các dự án quy mô lớn tại Mỹ và Malaysia. Doanh thu ký mới riêng trong tháng 7 đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Chi tiêu cho công nghệ thông tin tiếp tục tăng cao trong năm 2021. Theo Gartner, số tiền được sử dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong năm 2021 được dự báo tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021, khoảng 4,3% n/n, trong đó chi cho phần mềm tăng 7,4%.
Cho năm 2020, chúng tôi dự phóng doanh thu và lãi ròng chỉ tăng nhẹ tương ứng 3% và 5% so với kết quả thực hiện năm 2019 trên cơ sở việc ký hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ, gặp khó khăn do áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh lo ngại làn sóng Covid-19 lần 2 diễn ra trên toàn cầu.
Năm 2021, chúng tôi kỳ vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện. Doanh thu và lợi nhuận ước tính đạt tương ứng 31.840 tỷ đồng và 3.838 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 17% so với dự báo năm 2020.
Chúng tôi xác định giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu FPT vào khoảng 61.500 đồng dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 14,6 lần (theo EPS 2021F khoảng 5.160 đồng). Đồng thời, khuyến nghị mua cổ phiếu FPT.
Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu CVT nằm tại mức 20.8
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu CVT của CTCP CMC vẫn đang ở trong trạng thái tăng giá trung hạn từ đầu tháng 4 đến nay dù đã có một số giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn đang duy trì giá trị ổn định.
Các chỉ báo xu hướng hiện đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của CVT.
Phiên giao dịch 9/9, đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên đây có thể là dấu hiệu cho thấy cổ phiếu sẽ duy trì đà tăng trong những phiên tới.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của CVT nằm tại khu vực xung quanh 18. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 20.8, cắt lỗ nếu ngưỡng 17.5 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị mua GVR với giá mục tiêu 14.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) công bố sẽ chia cổ tức tiền mặt năm tài chính 2019 ở mức 600 đồng/CP, tương ứng lợi suất cổ tức 4,9%. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 23/09 và ngày thanh toán là ngày 09/10.
Đợt cổ tức tiền mặt năm tài chính 2019 này phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi và kế hoạch của GVR đã được thông qua tại ĐHCĐ năm 2020.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho GVR với giá mục tiêu 14.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 19,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,9%.
Khuyến nghị mua SCS với giá mục tiêu 143.200 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) gần đây đã công bố khối lượng hàng hoá thông cảng tháng 8/2020 trên website của công ty. Khối lượng hàng hóa quốc tế của SCS tăng 1% YoY đạt 13.417 tấn trong khi khối lượng hàng hóa trong nước giảm nhẹ 0,7% YoY còn 4.316 tấn.
Khối lượng hàng hóa quốc tế phục hồi trong tháng 8 sau mức tăng trưởng âm bắt đầu từ tháng 4 do hạn chế các chuyến bay quốc tế. Khối lượng hàng hóa quốc tế đã giảm 38% trong tháng 4, 24% trong tháng 5, 20% trong tháng 6 và 18% trong tháng 7.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, khối lượng hàng hóa quốc tế giảm 11% và khối lượng hàng hóa trong nước tăng 0,9% YoY so với dự báo cả năm của chúng tôi lần lượt là -13% YoY và +1,0% YoY.
Ngoài ra, ban lãnh đạo cho biết SCS có khả năng duy trì khối lượng hàng hóa quốc tế hàng tháng ở mức khoảng 13.000 tấn trong khoảng thời gian còn lại của năm 2020 so với giả định của chúng tôi là khoảng 12.250 tấn.
Chúng tôi cho rằng sản lượng hàng hóa quốc tế tích cực một phần được hỗ trợ bởi tác động tích cực của EVFTA. Chúng tôi từ đó nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo năm 2020 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho SCS với giá mục tiêu 143.200 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 20,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,6%.
(Theo ĐTCK)