Chứng khoán ngày 26/3: VN-Index thoát đỏ nhờ họ cổ phiếu Vingroup

>> Chứng khoán ngày 25/3: VN-Index tăng mạnh nhất 11 năm

VN-Index ngày 26/3/2020
Biểu đồ chỉ số VN-Index và giá bộ 3 cổ phiếu họ Vingoup (VIC, VHM, VRE) đến ngày 26/3/2020. Nguồn: tradingview.com

HOSE – Nhóm cổ phiếu họ Vingroup đỡ điểm cho VN-Index

Bối cảnh trước phiên

Sau phiên tăng điểm mạnh nhất 11 năm của VN-Index, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, chỉ số này có thể tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự 700 – 720 điểm trong một vài phiên kế tiếp.

Tại đây, thị trường sẽ gặp áp lực điều chỉnh trở lại để kiểm định vùng hỗ trợ 653 – 673 điểm. Điểm tiêu cực vẫn là những diễn biến bất ngờ của Covid-19, áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại và biến động khó lường của thị trường thế giới.

Còn Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) lại cho rằng, phiên 25/3 có thể chỉ là phiên hồi mang tính kỹ thuật và đà hồi phục khó có thể duy trì lâu. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với khoảng hơn 350 tỷ đồng trên hai sàn.

Chứng khoán Mỹ đêm qua ghi nhận những diễn biến trái ngược nhau giữa các chỉ số chính. Theo đó, Dow Jones tăng 495,64 điểm và đóng cửa ở mức 21.200,55 điểm còn S&P 500 tăng 1,1% lên 2.485,56 điểm. Trái lại, chỉ số Nasdaq Composite mất 0,5% còn 7.384,30 điểm.

Đến sáng nay, nhiều thị trường chứng khoán lớn châu Á đã mở phiên trong sắc đỏ như tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm hơn 4,4%, chỉ số Topix của sàn chứng khoán Tokyo giảm gần 2,7%. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm gần 1%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng trượt nhẹ 0,51%. Hai chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite đều giảm lần lượt 0,74% và 0,665%.

Bức tường kháng cự 700 điểm

Không nằm ngoài diễn biến chung của khu vực, chỉ số VN-Index rung lắc ngay khi mở cửa và chỉ sau 25 phút giao dịch đã mất hơn 10 điểm xuống gần 680 điểm.

Sắc đổ chiếm áp đảo trên bảng điện tử với 149 mã giảm và 64 mã tăng. Riêng nhóm VN30, chỉ 3 mã giữ sắc xanh, 1 mã đứng giá, còn lại giảm. Trong đó, VRE dẫn đầu đà giảm trong rổ khi giảm hơn 4%, theo sau là các cổ phiếu ngành ngân hàng như VPB, BID, MBB giảm hơn 3%. Ở chiều ngược lại, BVH vẫn giữ nhịp giao dịch tích cực khi tăng hơn 4%.

Với sự trở lại sắc xanh của nhiều mã lớn, VN-Index bật mạnh lên ngưỡng kháng cự 700 điểm, tăng gần 1,5% vào lúc 10h30.

Thời điểm đó, 2 mã ngân hàng VCB và BID đã dẫn đầu tăng giá và sau đó có thêm 3 mã cổ phiếu của Vingroup gồm VIC sát giá trần, VRE tăng gần 5%, VHM tăng 1,7%.

Tuy nhiên, chỉ số chính không thể giữ mốc 700 cho đến hết phiên sáng. Nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 ở tình trạng phân hóa cao hơn khi biên độ tăng và giảm ở hai chiều bị kéo dãn. Chỉ số VN-Index vẫn giữ sắc xanh và tạm dừng ở mức 695,33 điểm, tăng 5,08 điểm, tương đương 0,74%, với 114 mã tăng và 213 mã giảm.

Đáng chú ý, thị trường tỏ ra kém sôi động khi khối lượng giao dịch giảm mạnh 36% so với sáng qua, với 100,6 triệu đơn vị, tương ứng với 1,9 nghìn tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ có 9 mã tăng nhưng đa số là những mã lớn và có mức tăng cao như VIC lên 5,9%; VHM tăng 0,5%; VRE tăng 3,4%; BVH tăng trần; SAB tăng 5%; VCB tăng 2,9%; VNM tăng 2%; SBT tăng 2,1; PNJ tăng 0,4%.

Còn các mã giảm giá trong rổ có 8 mã giảm trên 2% gồm MWG tụt 3,7%; HPG giảm 3,1%; EIB giảm 3,1%; VPB giảm 3%; MBB giảm 2,6%; SSI giảm 2,6%; CTD giảm 2,5%; FPT giảm 2,1%.

VN-Index chốt phiên tăng 3,96 điểm lên 694,2 điểm

Đến chiều, chỉ số VN-Index tiếp tục thử thách ngưỡng kháng cự 700 điểm nhưng do lực cầu yếu hơn lần đầu nên chưa kịp chạm thì đã lùi lại điểm đóng cửa phiên sáng. Sau 2 nhịp lên xuống đó, chỉ số chính chỉ dao động với biên độ lên xuống không quá 1 điểm và đóng cửa tại 694,2 điểm, tăng 3,96 điểm, tương đương 0,57%.

Chốt phiên có 108 mã tăng và 265 mã giảm, trong đó có 15 mã tăng trần và 26 mã giảm sàn.

Rổ VN30 vẫn duy trì chỉ có 9 mã tăng giá. Trong đó có 3 mã tăng trần gồm SBT, VIC và BVH (phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp). Còn SAB tăng 4,17%; VCB tăng 1,94%; VHM tăng 3,2%; VNM tăng 2,2; VRE tăng 5,82%; BID tăng nhẹ 0,3%.

Còn các mã giảm giá trong rổ có duy nhất ROS giảm sàn và 11 mã giảm trên 3% gồm CTG giảm 3,84%; TCB giảm 3%; VPB giảm 3,45%; HPG giảm 4,8%; MBB giảm 3,8%; MWG giảm 6,85%; FPT giảm 3,9%; EIB giảm 3,75%; POW giảm 3,2%; STB giảm 4,5%; SSI giảm 3%.

Thông tin đáng chú ý hôm nay có liên quan tới mã FPT. Cụ thể, phiên họp thường niên năm 2020 của Tập đoàn FPT vào ngày 8/4 sẽ họp trực tuyến do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Theo tờ trình trước phiên họp, FPT đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2020 tăng lần lượt 17,1% và 18%. Cổ tức năm 2019 dự kiến chia tiền mặt với tỷ lệ 20%.

Tổng công ty Viglacera (VGC, đứng giá) cho biết kế hoạch năm 2020 không thay đổi so với thực hiện năm 2019 do diễn biến Covid-19 ảnh hưởng bất lợi trực tiếp đến các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty. Công ty đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt là 9.400 tỷ và 950 tỷ đồng.

“Công thần” Vingroup

Đánh giá tác động lên chỉ số chính, nhóm ngân hàng chỉ có 2 mã VCB và BID tăng giá, còn lại đều giảm với duy nhất mã HDB giảm dưới 3%. Do đó, ngành này đã kìm hãm đà tăng của VN-Index tới 1,7 điểm.

Đáng chú ý, ‘công thần’ hôm nay của chỉ số chính là 3 mã cổ phiếu nhóm Vingroup VIC – VHM – VRE khi góp tới 7,6 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 18% so với phiên trước, đạt 221,8 triệu đơn vị, tương ứng với 4 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 50,6 triệu đơn vị, giá trị 1,35 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã FLC (-6,7%) với 11,3 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là ROS (giảm sàn) với 11 triệu đơn vị và HPG (-4,8%) đạt 8,5 triệu đơn vị.

Khối ngoại bán ròng phiên thứ 33 liên tiếp

Hôm nay là phiên bán ròng liên tiếp thứ 33 của khối ngoại trên sàn HOSE với 3,47 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 43 tỷ đồng, giảm 77% về lượng và 87% về giá trị so với phiên trước đó.

Trong đó, POW dẫn đầu sàn về thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài với 4,7 triệu đơn vị được giao dịch. Theo sau là VNM, NLG, VRE, TCB.

Ngược lại, mã chứng khoán bị khối ngoại xả mạnh nhất là POW với 5,3 triệu đơn vị. Theo sau là VRE, E1VFVN30, STB, MSN.

Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh nhất VNM với khối lượng hơn 1,13 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị 106,62 tỷ đồng. Đứng ở vị trí thứ 2 cũng là cổ phiếu lớn – VIC được mua ròng 438.950 đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 35,33 tỷ đồng.

Trái lại, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh nhất MSN với khối lượng gần 1,96 triệu cổ phiếu, giá trị tương ứng 95,93 tỷ đồng. Trái lại, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh nhất MSN về giá trị, đạt 94,26 tỷ đồng, tương đương khối lượng 1,92 triệu cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch hôm nay, duy nhất mã HVG (CTCP Hùng Vương) có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.

HNX – Giao dịch ‘buồn tẻ’

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, diễn biến trái ngược với VN-Index, chỉ số HNX-Index rung lắc mạnh và liên tục đi xuống cho đến khi đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày 97,81 điểm, giảm 2,28 điểm, tương đương 2,3%, với 52 mã tăng và 104 mã giảm.

ACB (-3,9%) là mã chứng khoán kìm hãm mạnh nhất chỉ số HNX-Index hôm nay với 0,62 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch giảm 16% so với phiên trước, đạt 41 triệu đơn vị, tương ứng với 0,39 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Trong đó, KLF (-5,6%) dẫn đầu sàn khi đạt 6,4 triệu đơn vị. HUT (-5,9%) theo sau với 5,5 triệu đơn vị, SHB (-1,6%) đạt 4 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HNX chuyển sang mua ròng hôm nay với 164 nghìn đơn vị, tuy nhiên tổng giá trị vẫn là bán ròng 3,26 tỷ đồng, giảm 85,18% so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 32 mã và mạnh nhất vẫn là TIG được mua ròng hơn 757 triệu đồng, tương đương khối lượng 150.100 đơn vị. Trong khi đó, khối này bán ròng 19 mã và mạnh nhất vẫn là PVS đạt 3,25 tỷ đồng, tương đương khối lượng 311.974 cổ phiếu.

Trong khi đó, khối này bán ròng 28 mã và mạnh nhất vẫn là PVS đạt 11,12 tỷ đồng, tương đương khối lượng 1,04 triệu cổ phiếu.

Trong đó, KLF là mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 310 nghìn đơn vị. Ngược lại, khối ngoại xả mạnh nhất là PVS với 522 nghìn đơn vị.

Sàn HNX hôm nay, 2 mã có khối lượng giao dịch đột biến hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, PTI (Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện; tăng trần) tăng 51,3 lần; DNM (Tổng CTCP Y tế Danameco, tăng trần) tăng 9,4 lần.

Next Post

Covid-19 ngày 27/03: Hơn 500.000 người nhiễm Covid-19 toàn cầu

T6 Th3 27 , 2020
Hơn 500.000 người nhiễm tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; Mỹ vượt Trung Quốc và Italy để trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới.
Copyright All right reserved

Chuyên mục