Trong khi khu vực đại siêu thị chứng kiến sự lấn át của các thương hiệu nước ngoài, các thương hiệu Việt lại cho thấy sức ảnh hưởng trong mảng siêu thị.
>> 2 tỷ USD trái phiếu đổ vào bất động sản
Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, phân khúc đại siêu thị tại Việt Nam được đánh giá đã ổn định phần nào về số lượng cửa hàng cũng như diện tích mặt sàn. Năm 2019, doanh số của phân khúc này giảm nhẹ 0,2%, theo báo cáo “Ngành bán lẻ Việt Nam: Chuyển dịch nhanh sang mô hình bán hàng đa kênh” của Deloitte Việt Nam.
Một trong những lý do của sự sụt giảm trên là vị trí không gần khu dân của các đại siêu thị khi mô hình này yêu cầu không gian lớn trong khi mức giá thuê gần khu dân cư cao hơn.
Cùng với đó, người tiêu dùng thành thị thường ưa thích các siêu thị và cửa hàng tiện lợi hơn do vị trí dễ dàng tiếp cận hơn. Người mua thường chỉ đến đại siêu thị khi cần đến khối lượng hàng lớn, chẳng hạn như trong các mùa lễ.
Những nhân vật chủ chốt trong phân khúc đại siêu thị chủ yếu là thương hiệu của nước ngoài, bao gồm Big C, Lotte Mart, AEON và E-Mart. Trong đó, Big C của Thái Lan hiện đang giữ “ngôi vương” về thị phần với 57,6%.
Trong khi đó, phân khúc siêu thị được nắm giữ chủ yếu bởi các thương hiệu nội địa như Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh – hai cái tên dẫn đầu với thị phần lần lượt là 43% và 14% vào năm ngoái.
Theo Deloitte, sự tăng trưởng liên tục của mảng siêu thị trong suốt 4 năm qua xuất phát chủ yếu từ sự am hiểu sâu sắc thị trường nội địa của các thương hiệu địa phương cũng như các sản phẩm gắn mác riêng của siêu thị trở nên nổi tiếng hơn.
Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, sự phát triển của các hình thức thương mại hiện đại lớn, bao gồm siêu thị và đại siêu thị, đã vượt qua mô hình truyền thống nhờ sự đa dạng của các sản phẩm, thương hiệu và kích cỡ. Điều này giúp người tiêu dùng có thể mua được mọi thứ cần thiết chỉ trong một cửa hàng, giảm đi lại và tiếp xúc, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Báo cáo từ Kantar từng chỉ ra rằng người tiêu dùng Việt Nam đến siêu thị và đại siêu thị thường xuyên hơn trước khi dịch Covid-19 và mua hàng sau trung bình 10 ngày.
Ngoài việc mua hàng tại cửa hàng, các nhà bán lẻ còn ghi nhận nhu cầu tăng cao đối với các kênh khác. Ví dụ như tại Saigon Co.op, các đơn đặt hàng qua điện thoại tăng lên 4 – 5 lần trong khi lượng truy cập vào nền tảng thương mại điện tử tăng lên gấp 10 lần kể từ tháng 1.
Thực tế này báo hiệu sự chuyển dịch của người tiêu dùng sang mua sắm đa kênh nhiều hơn và hành vi này được dự báo sẽ tiếp tục ngay cả khi đại dịch Covid-19 suy yếu.
Theo ông Nguyễn Tiến Dzũng, Giám đốc cấp cao bộ phận đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam, không thể phủ nhận rằng sẽ có những thay đổi rất lớn tiếp diễn trong một số lĩnh vực nhất định do hậu quả của cuộc khủng hoảng Covid-19.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG), mặc dù người tiêu dùng có thể trì hoãn những chuyến du lịch hay những vé xem phim, họ vẫn tiếp tục cần những sản phẩm như giấy vệ sinh hay thức uống có ga.
Ngành tiêu dùng nhanh đại diện cho những hành vi thường thấy của người tiêu dùng. Trong khi có sự khác biệt trong cách người tiêu dùng mua sắm, kích cỡ hàng hóa, nơi họ mua và nơi họ lưu trữ, thì những nhu cầu tiềm ẩn và cách người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nhìn chung không thay đổi nhiều, ông Dzũng đánh giá.
Tại Việt Nam, chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong quý I/2020 vẫn duy trì ở mức cao với tốp 4 trên thế giới, tăng 1 điểm so với quý cuối năm ngoái. Niềm tin này giúp gia tăng kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng của sức mua.
(Theo TheLEADER)