>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/4: PC1, TNG, DHG, NLG, FPT
Mức dự phóng nói trên giả định nền kinh tế sẽ trở lại hoạt động bình thường vào cuối quý 2/2020. Nếu tình hình gián đoạn kéo dài sang quý 3/2020 thì rủi ro sụt giảm lợi nhuận doanh nghiệp sẽ gia tăng, ảnh hưởng lớn tới VN-Index.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) vừa công bố báo cáo triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán 2020 hậu Covid-19.
Báo cáo ghi nhận, chỉ số VN-Index đã lao dốc 24,9% trong tháng 3, mức giảm theo tháng cao thứ 2 trong lịch sử thị trường. Trong cả quý I, VN-Index ghi nhận mức giảm 31,1% với làn sóng bán tháo mạnh mẽ trên diện rộng từ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Nếu so với mức đỉnh 1.204 điểm được thiết lập vào 9/4/2018, VN-Index đã đánh mất 45% giá trị. Hôm 31/3, VN-Index tạm ghi nhận mức thấp nhất 650 điểm sau đó phục hồi lên trên ngưỡng 700 điểm vào ngày 3/4.
Đà lao dốc nhanh và mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu và Việt Nam bước vào giai đoạn 2 của dịch Covid-19 với số ca nhiễm tăng nhanh.
Điều này kéo theo hàng loạt phản ứng chính sách mạnh tay của Việt Nam và các quốc gia lớn trên thế giới trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến mối lo ngại về suy thoái kinh tế đang đến gần và tình trạng bất ổn kinh tế – xã hội tăng cao.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1/2020 chỉ đạt 3,82%, thấp nhất trong 11 năm, đã phản ánh rõ tác động của Covid-19. Giá dầu thô tiếp tục lao dốc xuống ngưỡng 20 USD/thùng, thấp nhất trong 18 năm qua, càng phản ánh rõ bức tranh u ám của nền kinh tế toàn cầu.
Phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư khiến thị trường chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong các thị trường Châu Á giảm mạnh nhất, xấp xỉ với thị trường chứng khoán Philippines, thị trường có mức giảm mạnh nhất khu vực Châu Á- Thái Binh Dương.
Tâm lý thị trường bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp khi các đối tác thương mại-đầu tư hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, EU và Mỹ lần lượt trở thành các tâm dịch.
Trong khi đó, khối ngoại bán ròng mạnh mẽ trong tháng 3 với tổng giá trị 331 triệu USD, mức bán ròng theo tháng kỉ lục trong nhiều năm, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Đà giảm sau đó càng được khuếch đại bởi hoạt động bán giải chấp và cắt lỗ của hoạt động tự doanh tại các công ty chứng khoán. Cùng với đó là các quỹ đóng và ETFs giảm quy mô danh mục đầu tư tài sản rủi ro trong khi dòng tiền nóng thông qua P-Notes rút vốn khỏi Việt Nam.
Trước những diễn biến đó, bộ phận nghiên cứu và phân tích của MAS đưa ra dự báo điều chỉnh mục tiêu VN-Index hậu Covid-19 so với báo cáo chiến lược năm 2020.
Theo đó, chỉ số P/E 12 tháng của VNIndex tính đến ngày 31/3 đang ở mức 10,3 lần, thấp nhất trong 5 năm và thấp hơn 35% so với trung bình 5 năm 15.7 lần. Chứng khoán Việt Nam có thể được xem rẻ nhất trong khu vực ASEAN và các thị trường mới nổi.
Mặc dù vậy, MAS đưa ra dự phóng thận trọng với P/E mục tiêu cho phần còn lại của năm 2020 di chuyển trong vùng 10-13 lần, thấp hơn so với mức kì vọng 14,5-17,5 lần. Đây là mức tạm chấp nhận sau đợt lao dốc mạnh với mức biến động lớn và nhà đầu tư khó có thể chấp nhận trả một mức định giá cao hơn trong môi trường đầy bất trắc như hiện nay.
Trong kịch bản tốt nhất, báo cáo của MAS dự báo P/E có thể trở lại mốc trung bình 10 năm là xấp xỉ 14 lần nếu Việt Nam sớm kiểm soát dịch thành công ngay.
Chính sách “cách ly toàn xã hội” sẽ gây ra tình trạng gián đoạn các hoạt động kinh tế ở mức nhất định và sẽ được nói lỏng trong tháng 5/2020. Theo đó, các lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, vận tải hàng không sẽ chịu tác động mạnh tức thời. Phần lớn các ngành và doanh nghiệp cũng chịu tác động gián tiếp từ quá trình gián đoạn kinh tế ở các mức độ khác nhau.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cũng chịu tác động đáng kể bởi chính sách đóng cửa biên giới và nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Giá dầu lao dốc xuống mức kỉ lục trong gần 20 năm qua sẽ gây ra cú sốc nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp năng lượng, đặc biệt là các công ty thượng nguồn.
Ở chiều ngược lại, MAS kỳ vọng các nhóm ngành dẫn dắt, gồm ngân hàng và bất động sản, vẫn là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận 2020 dù tốc độ tăng trưởng đã giảm tốc đáng kể.
Dựa trên các giải định được điều chỉnh về tăng trưởng lợi nhuận 3% và P/E mục tiêu trong vùng 10-13 lần cho phần còn lại của năm, MAS dự báo VNIndex sẽ dao động trong khoảng từ 665-865 điểm.
Mức dự phóng nói trên giả định nền kinh tế sẽ trở lại hoạt động bình thường vào cuối quý 2/2020. Nếu tình hình gián đoạn kéo dài sang quý 3/2020 thì rủi ro sụt giảm lợi nhuận doanh nghiệp sẽ gia tăng, ảnh hưởng lớn tới VNIndex.
“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có đủ lạc quan cần thiết để nghĩ về một kịch bản tốt hơn nhiều mong đợi!, cho dù số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đã có sự chững lại trong vài ngày gần đây. Kể cả khi diễn biến Covid-19 tại Việt Nam có thể được kiểm soát tốt và hiệu quả, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể vẫn chịu ảnh hưởng bởi những cú sốc từ bên ngoài nếu Covid-19 vẫn tiếp tục bùng phát”, báo cáo nhận định.
(Theo TheLEADER)