Thanh khoản tiếp tục giảm mạnh. Thị trường đang rơi vào trạng thái ‘thiếu nhiên liệu để đốt’. Do không có trụ đỡ chính, VN-Index đỏ lại.
>> Cổ phiếu nóng lộ nguy cơ bỏng tay
HOSE – Phân hóa mạnh
Sự phân hóa mạnh trên thị trường khiến chỉ số VN-Index mất cả phiên sáng để giằng co quanh mốc tham chiếu và tạm dừng tại 855,79 điểm, giảm 0,34 điểm (-0,04%) so với tham chiếu. Thanh khỏan tiếp tục giảm 25% so với sáng qua, đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 229,4 triệu đơn vị.
Đến chiều, áo lực chốt lời gia tăng, trong khi đó phía bên kia vẫn tiếp tục thận trọng. Chỉ số VN-Index lao dốc và tạo đáy ngày tại vùng 852 điểm, thấp hơn 4 điểm so với tham chiếu. Thiếu đi trụ đỡ lớn, VN-Index đóng cửa tại 854,44 điểm, giảm 1,69 điểm (-0,2%) so với tham chiếu.
Chốt phiên hôm nay có 147 mã tăng và 220 mã giảm giá, trong đó, 15 mã tăng trần và 20 mã giảm sàn.
Rổ VN30 chỉ có 10 mã tăng giá, trong đó hai cổ phiếu tăng trên 2% gồm PLX và VRE. Ở phía ngược lại, trong 19 mã giảm giá, STB và BVH là hai cổ phiếu duy nhất giảm trên 2%.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng phần lớn giảm giá. Do đó, ngành này cũng góp phần lớn vào đà giảm của VN-Index với 0,8 điểm ảnh hưởng.
Ở cổ phiếu riêng lẻ, VNM, GVR là hai cổ phiếu đè nặng lên chỉ số chính với 1,1 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 14% về lượng và 22% về giá trị so với phiên trước, đạt 354,8 triệu đơn vị, tương đương 4,3 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 117,9 triệu đơn vị, tương đương 734 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã HQC (-6,7%) với 23,4 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là ROS (+1,6%) với 20,8 triệu đơn vị và FLC (+3,5%) đạt 19,3 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng với 98,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,16 triệu đơn vị, tăng 75% về giá trị và 198% về lượng so với phiên trước.
Trong đó, PLX dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 54 tỷ đồng, tương đương 1,2 triệu đơn vị. VHM theo sau được mua ròng 50,6 tỷ đồng; VRE với 34,5 tỷ đồng; Chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 30,3 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VCB với 13,6 tỷ đồng, tương đương 161,8 nghìn đơn vị. Tiếp đến, DBC bị bán ròng 10,2 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, ba mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, VIP (CTCP Vận tải xăng dầu VIPCO) tăng 6,7 giá; ITD (CTCP Công nghệ Tiên Phong) tăng 4,9 lần; GAB (CTCP GAB) tăng 4,3 lần.
HNX – SHB giảm sàn
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, áp lực chốt lời liên tục gia tăng khiến chỉ số HNX-Index lùi dần và đóng cửa tại 113,27 điểm, giảm 2,22 điểm (-1,92%), với 79 mã tăng giá và 69 mã giảm giá.
SHB (giảm sàn) là mã góp phần lớn nhất vào đà giảm của chỉ số chính với 1,2 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch tăng 13% về lượng nhưng giảm 15% về giá trị so với phiên trước, đạt 70,8 triệu đơn vị, tương đương 512 tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, KLF (tăng trần) dẫn đầu sàn khi đạt 12 triệu đơn vị. HUT (-7,1%) theo sau với 11,9 triệu đơn vị, SHB (giảm sàn) đạt 5,3 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 0,38 tỷ đồng, tương đương 74,7 nghìn đơn vị, giảm 94% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, khối ngoại mua ròng 31 mã và mạnh nhất là VCS được mua ròng 1,1 tỷ đồng, tương đương 17,9 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 25 mã và dẫn đầu là SHS đạt 1,17 tỷ đồng, tương đương 90 nghìn đơn vị.
Trên sàn Hà Nội hôm nay, duy nhất mã SPI (CTCP SPI) có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.
Bình luận cuối phiên
Theo đánh giá của của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường giảm trở lại với thanh khoản cũng có sự suy giảm và tiếp tục ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên cho thấy nhà đầu tư có sự thận trọng và đang đứng ngoài để quan sát.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tiếp tục giao dịch trong biên độ với cận trên là vùng 870-880 điểm (MA20-fibonacci retracement 61,8%) và cận dưới là ngưỡng 840 điểm (fibonacci retracement 50%). Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên hai sàn với gần 100 tỷ đồng.
Do đó, SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 18/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc với rung lắc với vùng kháng cự trong khoảng 870-880 điểm (MA20-fibonacci retracement 61,8%) và hỗ trợ gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%).
Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể canh bán ra khi VN-Index hồi phục về vùng kháng cự trong khoảng 870-880 điểm. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể giải ngân thăm dò một phần tỷ trọng nếu thị trường điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ quanh 840 điểm.
Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index sẽ có diễn biến giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong biên độ 840-845 điểm và 863-867 điểm trong những phiên cuối tuần. Nỗ lực hồi phục của chỉ số sẽ gặp khó khăn tại vùng 863-867 điểm.
Diễn biến thị trường đang có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu, kể cả trong kịch bản tích cực thị trường vượt qua vùng kháng cự quanh 867 điểm để duy trì đà hồi phục thì diễn biến thị trường vẫn sẽ phân hóa mạnh và sẽ khá khó khăn để tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
Ở chiều ngược lại, chúng tôi vẫn lưu ý rằng, nếu chỉ số xuyên thủng hoàn toàn vùng hỗ trợ 840-845 điểm thì kịch bản thị trường giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn 780-820 điểm là hiện hữu trong ngắn hạn. Phiên ngay mai cũng là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 06 VN30F2006 nên có khả năng diễn biến thị trường sẽ bị “nhiễu”.
Do đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 25% cổ phiếu. Thêm nữa, nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài thị trường để chờ đợi các tín hiệu xu hướng rõ ràng hơn. Đối với các nhà đầu tư đang còn tỷ trọng cổ phiếu cao vẫn nên bán giảm tỷ trọng trong những phiên thị trường tăng điểm.