Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 19% về lượng và 22% về giá trị so với phiên trước, đạt 205,8 triệu đơn vị, tương ứng với 3,29 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch, thấp nhất kể từ ngày 26/2/2020.
HOSE – SAB làm trụ đỡ chính
Thông tin gỡ bỏ cơ bản cách ly xã hội và khôi phục nhiều hoạt động kinh tế trên cả nước đã tạo nên tâm lý hưng phấn trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào thời điểm mở cửa sáng nay.
Chỉ số VN-Index tăng vọt lên vùng 785 điểm sau 20 phút giao dịch, cao hơn 16 điểm (+2%) so với tham chiếu, đạt đỉnh cao nhất trong ngày. Sắc xanh chiếm ưu thế hoàn toàn trên bảng điện tử với 227 mã tăng giá, trong đó cả rổ VN30 tăng giá. Xu hướng tăng được dẫn dắt bởi SAB, HPG và VRE khi tăng hơn 4%.
Tiếc rằng, sự điều chỉnh sau đợt tăng nóng đầu phiên là không tránh khỏi, áp lực chốt lời gia tăng ép chỉ số chính hạ độ cao và rớt xuống vùng 772 điểm vào 10h30, cao hơn 3 điểm so với tham chiếu, tạo đáy thấp nhất trong ngày.
Quyết định xuống tiền của bên mua trở nên thận trọng hơn khi chỉ số VN-Index không giữ được mốc hỗ trợ 780 điểm. Do đó, sau khi rớt đáy, lực cầu nhập cuộc khá mỏng khiến chỉ số chính hồi phục không đáng kể và tạm dừng phiên sáng ở mức 774,47 điểm, tăng 5,55 điểm (+5,55%) với 192 mã tăng và 122 mã giảm.
Thị trường tiếp tục kém sôi động hơn hôm qua với giá trị giao dịch chỉ đạt 2,02 nghìn tỷ đồng, tương đương 126,2 triệu đơn vị, giảm 14% về giá trị và 13% về khối lượng.
Đến chiều, chỉ số VN-Index gần như đi ngang cho đến khi đóng cửa tại 773,91 điểm, tăng 4,99 điểm (+0,65%) so với tham chiếu. Tốc độ giao dịch phiên chiều ghi nhận chậm nhất trong gần 2 tháng qua.
Chốt phiên hôm nay có 195 mã tăng và 143 mã giảm giá, trong đó, 17 mã tăng trần và 7 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 16 mã tăng giá. Trong đó, hai mã dẫn đầu tăng trên 3% là SAB và HPG. Ở phía ngược lại, cả 9 mã giảm giá đều không quá 2%.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm cổ phiếu Vingroup gồm VIC, VHM và VRE đều tăng giá, nên đã góp phần lớn vào đà tăng của VN-Index với 2 điểm ảnh hưởng.
Ở cổ phiếu riêng lẻ, SAB và GAS tăng giá lần lượt 3,2% và 2,5% nên đã nâng chỉ số VN-Index thêm lần lượt 1 điểm và 0,9 điểm ảnh hưởng.
Trái lại, nhóm ngân hàng chỉ có MBB và TCB tăng giá nhưng dưới 1%. Do đó, ngành này kìm hãm nhẹ đà tăng của VN-Index 0,4 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 19% về lượng và 22% về giá trị so với phiên trước, đạt 205,8 triệu đơn vị, tương ứng với 3,29 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,4 triệu đơn vị, tương đương 370 tỷ đồng. Đây là phiên có tổng giá trị giao dịch thấp nhất kể từ ngày 26/2/2020.
Đáng chú ý, mã HPG (+3,8%) với 8,3 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là HQC (+0,9%) với 8,1 triệu đơn vị và ITA (-4,7%) đạt 7,8 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 18 liên tiếp với 314,3 tỷ đồng, tương đương 11,4 triệu đơn vị, xấp xỉ so với phiên trước.
Trong đó, HPG tiếp tục dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 25,12 tỷ đồng, tương đương 1,16 triệu đơn vị. VHM theo sau được mua ròng hơn 20,15 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VNM với 91 tỷ đồng, tương đương hơn 942 nghìn đơn vị. VRE theo sau bị bán ròng 50,7 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, bốn mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, CSM (CTCP Công nghiệp cao su miền Nam; đóng cửa giá trần) tăng 13,2 lần; FCM (CTCP Khoáng sản FECON; giá trần) tăng 9 lần; GIL (CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh; giá trần) tăng 6,2 lần; SKG (CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang) tăng 6,1 lần.
HNX – Thoái sắc đỏ trong phút thứ 90
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, diễn biến khá giống với VN-Index, chỉ số HNX-Index sau khi vọt lên vùng 108 điểm ngay sau khi mở cửa, tăng hơn 3 điểm so với tham chiếu. Áp lực xả hàng tăng mạnh khiến chỉ số này liên tục lùi cho đến hết phiên và đóng cửa tại 106,97 điểm, tăng 0,17 điểm (+0,16%), với 44 mã tăng giá và 34 mã giảm giá.
VIF (+6,92%) và SHB (+1,24%) là hai mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số HNX-Index với lần lượt 0,2 điểm và 0,1 điểm ảnh hưởng.
Ở phía ngược lại, DL1 (giảm sàn) đã kìm hãm mạnh nhất đà tăng của chỉ số chính với 0,2 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch giảm nhẹ gần 1% so với phiên trước, đạt 54,7 triệu đơn vị, tương ứng với 0,52 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, KLF (+5,9%) dẫn đầu sàn khi đạt 8,96 triệu đơn vị. PVS (+2,6%) theo sau với 5,5 triệu đơn vị, HUT (-5,6%) đạt 3,5 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 11,5 tỷ đồng, tương đương 492 nghìn đơn vị, tăng 2 lần về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 23 mã và mạnh nhất là ART được mua ròng 1,23 tỷ đồng, tương đương 150,9 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 30 mã và mạnh nhất là PVS đạt 6,86 tỷ đồng, tương đương 580 nghìn đơn vị.
Trên sàn HNX hôm nay, duy nhất mã HAD (CTCP Hãng sơn Đông Á) có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.
Bình luận cuối ngày
Theo đánh giá của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index hồi phục nhẹ trong phiên thứ hai liên tiếp và chỉ số tiếp tục kết phiên dưới ngưỡng 780 điểm, khối lượng khớp lệnh tiếp tục suy giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với 189 triệu cổ phiếu.
Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn là tích cực với ngưỡng hỗ trợ tại 745 điểm (MA20). Tín hiệu kỹ thuật trung hạn là tiêu cực với ngưỡng kháng cự tại 800 điểm (MA50). Về xu hướng dài hạn, VN-Index hiện vận động trong thị trường giá xuống (bear market) với ngưỡng kháng cự tại 930 điểm (MA200).
SHS dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 24/4, VN-Index có thể sẽ giảm điểm trở lại với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 750 điểm và vùng kháng cự trong khoảng 780- 800 điểm (gap down giữa hai phiên 11/3 và 12/3).
Còn HNX-Index hồi phục nhẹ trong phiên thứ hai liên tiếp và chỉ số hiện kết phiên trên ngưỡng 106 điểm, khối lượng khớp lệnh tăng nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với 47 triệu cổ phiếu. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn là tích cực với ngưỡng hỗ trợ tại 103,5 điểm (MA20). Tín hiệu kỹ thuật trung hạn là tích cực với ngưỡng hỗ trợ tại 105 điểm (MA50).
Về xu hướng dài hạn, HNX-Index hiện vận động trong thị trường giá lên (bull market) với ngưỡng hỗ trợ tại 104 điểm (MA200). SHS dự báo, trong phiên ngày mai, HNX-Index có thể sẽ giảm điểm trở lại với vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 104-105 điểm (MA50-MA200).