Chứng khoán ngày 24/3: Nhóm cổ phiếu Vingroup kìm chân VN-Index

HOSE – Rắc rối với bộ 3 cổ phiếu VIC – VHM – VRE

Công ty chứng khoán MBS nhận định, các ngưỡng hỗ trợ gần như không đủ tin cậy, khi áp lực bán với các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa xuất hiện lệnh đối ứng tương xứng, quá trình tìm vùng hỗ trợ mới có thể còn tiếp diễn trong các phiên tuần này.

Bão Covid-19 tiếp tục tàn phá thị trường

Dự báo của MBS được đưa ra sau khi chứng kiến thị trường ghi nhận một phiên giao dịch gây ‘ác mộng’ cho nhiều nhà đầu tư vào ngày 23/3. Chỉ số chính rớt tiếp mốc 670 điểm, mức thấp nhất kể từ phiên đầu tiên của năm 2017, với gần 200 mã giảm sàn. Đây là lần thứ 2 trong tháng 3, chỉ số này giảm 6%, mức giảm mạnh nhất trong 19 năm. Đồng thời, hôm qua ghi nhận phiên bán ròng liên tiếp thứ 30 của khối ngoại trên HOSE.

Nguyên nhân chính vẫn do Covid-19. Diễn biến của đại dịch toàn cầu dường như đang khiến nhiều nhà đầu tư mất phương hướng và hoảng loạn.

Chứng khoán ngày 24/3, chỉ số VN-Index tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ và nhanh chóng mất thêm gần 15 điểm sau gần 45 phút giao dịch.

Nhóm VN30 có tới 15 mã giảm giá, ROS và VRE đã nằm sàn từ đầu phiên và dẫn đầu đà giảm trong nhóm. Theo sau là VHM giảm hơn 6%, PLX giảm 4%, EIB và VIC giảm 3,7%, HPG và MWG giảm hơn 2,5%. Thời điểm này, BVH là cổ phiếu tích cực nhất khi tăng gần giá trần, và GAS tăng 2%.

Tuy nhiên, so với hôm qua, tâm lý nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn khi áp lực bán đã bớt ‘nóng’ trên bảng điện tử.

Ngưỡng hỗ trợ 650 điểm giúp chặn đà lao dốc của VN-Index

Sau khi gần chạm ngưỡng hỗ trợ 650 điểm, VN-Index đã bật mạnh trở lại về giá tham chiếu (666 điểm), đỉnh cao nhất trong ngày vào lúc 10h50. Nguyên nhân đến từ dòng tiền bắt đáy tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Độ rộng của rổ VN30 thời điểm này cân bằng trở lại với 14 mã tăng giá và 14 mã giảm. Trong đó, nhóm Vingroup kìm hãm mạnh nhất đà hồi phục của thị trường khi VIC giảm hơn 4%, VHN và VRE giảm sàn. Phía ngược lại, VHM, BID, GAS nổi bật nhất khi quay về sắc xanh và tăng từ 2 -3%, kèm theo BVH vẫn ở sát giá trần từ đầu phiên.

Tiếc rằng, ngay khi chạm mức tham chiếu, chỉ số VN-Index lại đảo chiều lần nữa và liên tục đi xuống cho đến lúc đóng cửa phiên sáng, tạm dừng ở mức 656,5 điểm, giảm 10 điểm, tương đương 1,5%. Sắc đỏ vẫn chiếm chủ yếu với 207 mã giảm (39 mã giảm sàn) và 127 mã tăng.

Bộ ba VIC, VHM, VRE là rắc rối lớn của chỉ số chính khi tất cả đều nằm sàn vào lúc đóng phiên sáng. Ngoài ra, rổ VN30 còn có ROS, SBT cũng giảm sàn, MWG giảm 5,7%, HVN giảm 4,9%; POW giảm 4,8%, PLX giảm 3%; HDB giảm 2,3%. Các mã HPG, STB, MBB, CTG, VPB, SSI mất trên dưới 1%. 

Ở phía ngược lại, BVH vẫn dẫn đầu khi tăng 4,8%; GAS tăng 3%; BNM tăng 2,9%; BID tăng 2,3%. Còn VCB, NVL, FPT, SAB xanh nhẹ.

Top 10 cổ phiếu trong rổ VN30 tăng giá phiên 24/3.

Đến chiều, không còn biến động mạnh như sáng nay, Chỉ số VN-Index nhẹ nhàng tăng trở lại lên trên mức 660 điểm giữa phiên và sau đó quanh quẩn ngưỡng kháng cự này cho đến khi hết phiên.

Trong khi nhiều thị trường chứng khoán châu Á đang tăng khá tốt sau động thái của Fed, thì chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 659,2 điểm, giảm 7,38 điểm, tương đương 1,1%, với 158 mã tăng giá và 196 mã giảm giá. Cả phiên có 37 mã giảm sàn và 15 mã tăng trần.

Rổ VN30 có 5 mã giảm sàn gồm ROS, SBT, VHM, VIC, VRE, với tất cả đều trắng bên mua. Theo sau là MWG giảm 4,2%; POW giảm 4,3%; HDB giảm 2,3%; STB giảm 3,51%, SSI giảm 3,1%. Còn MBB, HPG, VPB, PLX, TCB, MSN, CTG, SAB đều giảm trên dưới 1%.

Trong khi đó, phía tăng giá trong rổ chỉ có mình BVH tăng trần. Theo sau là GAS tăng 4,27%; VNM tăng 2,87%; BID tăng 2,6%; BHN tăng 6,12%; VCB tăng 1,4%; TPB tăng 3,05%; FPT tăng 0,23%; PNJ tăng 0,39%; REE tăng 1,62%; VJC tăng 0,73%.

Điểm sáng VNM

Đáng chú ý, VNM hôm nay nhận được hỗ trợ từ thông tin bên ngoài. Cụ thể, Báo cáo thường niên của Vinamilk vừa công bố cho biết mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2020 không thấp hơn 62.000 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2019. Trong đó, mục tiêu lợi nhuận tối thiểu 12.400 tỷ đồng, bằng 97%.

Vinamilk cho biết tiếp tục ưu tiên thị trường nội địa. Trong khi với thị trường quốc tế, công ty sẵn sàng các hoạt động M&A và mở rộng hợp tác với đối tác.

Con trai Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã mua 20 triệu cổ phiếu HPG

Ngoài ra, ở cổ phiếu HPG, ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết đã mua 20 triệu cổ phiếu, tương đương 0,72% vốn, từ ngày 17/3 đến 23/3. Cổ phiếu HPG hiện đứng ở mức 17.300 đồng, giảm hơn 12% trong ba phiên gần nhất và mất 33% so với mức đỉnh cuối tháng 1.

Đánh giá tác động lên chỉ số chính, nhóm ngân hàng tuy chỉ với 3 mã tăng nhưng đã kìm hãm đà giảm của VN-Index tới 1,3 điểm. Trong khi đó, dù có tăng trần, mình BVH cũng chỉ góp 0,5 điểm.

Bộ 3 cổ phiếu của Vingroup khiến VN-Index giảm gần 10 điểm

Ba mã gây áp lực lớn nhất của lên VN-Index là nhóm cổ phiếu Vingroup VIC – VHM – VRE khi lấy đi của VN-Index gần 10 điểm.

Nhóm cổ phiếu Vingroup kìm chân VN-Index
Biểu đồ so sánh mức độ lao dốc của VN-Index và 3 cổ phiếu VIC, VHM, VRE tính đến ngày 24/3.

Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 13% so với phiên trước, đạt 245 triệu đơn vị, tương ứng với 4,15 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 32,5 triệu đơn vị, giá trị 1,1 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã HPG với 13,8 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là FLC (-3,7%) với 11 triệu đơn vị và HQC (-0,9%) đạt 10,8 triệu đơn vị.

Khối ngoại bán ròng phiên thứ 31 liên tiếp

Hôm nay là phiên bán ròng liên tiếp thứ 31 của khối ngoại trên sàn HOSE với 33,15 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 0,66 nghìn tỷ đồng, tăng 89% về lượng và 73% về giá trị so với phiên trước đó.

Trong đó, MBB dẫn đầu sàn về thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài với 4,57 triệu đơn vị được giao dịch. Theo sau là TCB, E1VFVN30, FPT, VIC.

Ngược lại, mã chứng khoán bị khối ngoại xả mạnh nhất là HPG với 5 triệu đơn vị. Theo sau là MBB, E1VFVN30, TCB, MSN.

HVG, EVE và TDM có giao dịch đột biến

Trong phiên giao dịch hôm nay, 3 mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 5 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, HVG (CTCP Hùng Vương; giảm sàn) tăng 15,3 lần với 330 nghìn cổ phiếu; EVE (CTCP Everpia) tăng 9,4 lần; TDM (CTCP Nước Thủ Dầu Một; giảm sàn) tăng 5,4 lần với 1 triệu cổ phiếu. 

Đáng chú ý, thông tin về cổ phiếu TDM, ngày 25/3 là ngày chốt quyền nhận cổ tức tằng tiền của CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM). Theo đó, công ty này sẽ chi trả cổ tức còn lại năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 1% (01 cổ phiếu nhận 100 đồng). Thời gian thanh toán 10/4/2020.

HNX – Các cổ phiếu lớn trụ vững

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index liên tục giằng co mạnh, nhưng phần lớn thời gian hôm nay đều nằm trên mức tham chiếu nhờ sự ổn định của các mã lớn. Chỉ số này đóng cửa ở mức 96,9 điểm, tăng 0,49 điểm, tương đương 0,5%.

Chỉ số này đóng cửa tại mức 101,38 điểm, giảm 0,53 điểm, tương đương với 0,53%, với 84 mã tăng giá và 67 mã giảm.

ACB (+1,55%), PHP (+7,06%) và VCS (+2,14%) là 3 mã cổ phiếu góp phần nhiều nhất vào mức tăng của HNX-Index hôm nay với lần lượt 0,23 điểm, 0,12 điểm và 0,1 điểm.

Khối lượng giao dịch tăng 3% so với phiên trước, đạt 66,6 triệu đơn vị, tương ứng với 0,6 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Trong đó, KLF (-9,5%) dẫn đầu sàn khi đạt 9,6 triệu đơn vị. SHB (+0,8%) theo sau với 8,3 triệu đơn vị, ART (-3,8%) đạt 6,3 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục ghi nhận thêm một phiên bán ròng với 3,93 triệu đơn vị, tương ứng 44,4 tỷ đồng, tăng 2 lần so với hôm qua. Trong đó, ACB là mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 1,46 triệu đơn vị. Ngược lại, khối ngoại xả mạnh nhất là PVS với 2,9 triệu đơn vị.

>> BIỂU ĐỒ TRỰC TUYẾN: GIÁ VÀNG, NGOẠI TỆ, CHỨNG KHOÁN, TIỀN ĐIỆN TỬ

Next Post

Giá vàng ngày 25/3: Nhắm mốc 2.500 USD, thời của vàng đã tới?

T4 Th3 25 , 2020
Giá vàng ngày 25/3 khởi đầu phiên tiếp tục đà tăng và được dự báo trở lại thời kỳ hoàng kim. Giá vàng thậm chí được dự báo sẽ đạt mức 2.500 USD vào quý 3.
Copyright All right reserved

Chuyên mục