Thị trường hôm nay rung lắc và phân hóa mạnh hơn. Thanh khoản giảm nhẹ. Do lỗi phiên ATC, VN-Index lần nữa lỡ mốc 900 điểm.
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/6: DBC, SBT, OIL
HOSE – Lỗi phiên ATC
Tiếp tục thử thách ngưỡng kháng cự mới, chỉ số VN-Index vọt lên vùng 903 điểm, cao hơn 3 điểm so với tham chiếu chỉ sau 18 phút đầu giao dịch. Áp lực chốt lời luôn gia tăng ở mốc tâm lý quan trọng là điều khó tránh khỏi. Thị trường phân hóa mạnh.
Chỉ số chính đảo chiều và thủng mốc tham chiếu rất nhanh. Tuy nhiên, nhờ dòng tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường, VN-Index nhanh chóng lấy lại đà tăng và tạm dừng phiên sáng tại 903,57 điểm, tăng 3,65 điểm (+0,41%) so với tham chiếu. Thanh khoản giảm 10% so với sáng qua, đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 325,8 triệu đơn vị.
Đến chiều, áp lực xả hàng gia tăng lần nữa kéo chỉ số VN-Index rơi thẳng xuống dưới tham chiếu. Số mã giảm giá tăng mạnh và chiếm ưu thế trên bảng điện tử.
Tiếc rằng, bước vào phiên ATC, HOSE đã tạm dừng giao dịch và thông báo hủy đợt giao dịch ATC. Giá đóng cửa của phiên hôm nay là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày. Theo đó, VN-Index đã đóng cửa tại 899,43 điểm, giảm 0,49 điểm (-0,05%) so với tham chiếu.
Chốt phiên hôm nay có 182 mã tăng và 203 mã giảm giá, trong đó, 31 mã tăng trần và 3 mã giảm sàn.
Rổ VN30 chỉ có 10 mã tăng giá, trong đó hai cổ phiếu tăng giá trên 3% gồm BVH, POW. Ở phía ngược lại, 18 mã giảm giá đều chưa đến 3%.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, VNM, GVR, VJC là ba cổ phiếu tạo trụ đỡ lớn nhất của VN-Index với 2,3 điểm ảnh hưởng.
Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa mạnh với 4 mã tăng giá và 6 mã giảm giá. Do đó, ngành này kìm hãm mạnh VN-Index với 1,5 điểm ảnh hưởng.
Thêm nữa, SAB, HPG, VRE là ba cổ phiếu tạo gánh nặng đáng kể lên chỉ số chính với 1,6 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 12% về lượng và 15% về giá trị so với phiên trước, đạt 501,7 triệu đơn vị, tương đương 7,18 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,2 triệu đơn vị, tương đương 944,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã ROS (đứng giá) với 58,5 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là HPG (-2,2%) với 18,7 triệu đơn vị và FLC (-2,7%) đạt 18,35 triệu đơn vị.
Trong phiên giao dịch hôm nay, năm mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 5 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, UDC (CTCP Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; đóng cửa giá trần) tăng lần; APC (CTCP Chiếu xạ An Phú; giá trần) tăng lần; AGR (CTCP Chứng khoán Agribank; giá trần) tăng lần; GMC (CTCP Sản xuất thương mại May Sài Gòn; giá trần) tăng lần; ELC (CTCP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử – viễn thông) tăng lần.
HNX – Phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, mặc dù lao dốc hơn 2 điểm về vùng 119 điểm vào đầu phiên nhưng chỉ số HNX-Index vẫn kịp hồi phục và đóng cửa tại 120,13 điểm, tăng 0,03 điểm (+0,03%), với 95 mã tăng giá và 66 mã giảm giá.
VIF (+3,68%), SHS (+7,09%) và OCH (+9,09%) là ba mã góp phần lớn nhất vào đà tăng của chỉ số chính với 0,35 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch giảm 21% về lượng và 24% về giá trị so với phiên trước, đạt 86,96 triệu đơn vị, tương đương 817 tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, HUT (đứng giá) dẫn đầu sàn khi đạt 9 triệu đơn vị. MBG (-4,6%) theo sau với 7,12 triệu đơn vị, PVS (-2,1%) đạt 7,1 triệu đơn vị.
Trên sàn Hà Nội hôm nay, tám mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 5 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, VIG (CTCP Chứng khoán thương mại và công nghiệp Việt Nam) tăng 38,3 lần; SD6 (CTCP Sông Đà 6) tăng 13,7 lần; ACM (CTCP Tập đoàn khoáng sản Á Cường; đóng cửa giá trần) tăng 8,7 lần; MPT (CTCP May Phú Thành) tăng 8,6 lần;
FID (CTCP Đầu tư và phát triển doanh nghiệp VN) tăng 6,9 lần; SD9 (CTCP Sông Đà 9) tăng 6,3 lần; BII (CTCP Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư) tăng 6,1 lần; KSQ (CTCP Khoáng sản Quang Anh; giá trần) tăng 5,1 lần.
Bình luận cuối phiên
Theo đánh giá của của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), những rung lắc bắt đầu diễn ra thường xuyên hơn khi VN-Index dần tiệm cận với ngưỡng kháng cự quanh 910 điểm (MA200).
Áp lực bán từ đây đã khiến cho chỉ số này kết phiên trong sắc đỏ nhẹ. Khối ngoại quay trở lại bán ròng trong phiên hôm nay là điểm tiêu cực cần lưu ý.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 10/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc với ngưỡng kháng cự và hỗ trợ gần nhất lần lượt quanh 910 điểm (MA200) và 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%).
Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục canh bán ra khi VN-Index tiến gần đến ngưỡng kháng cự quanh 910 điểm (MA200). Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể giải ngân trở lại nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%).
Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index có thể xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh trong một vài phiên kế tiếp khi mà trạng thái quá mua trên thị trường đang lan tỏa trên diện rộng.
Về tổng thể, đà tăng ngắn hạn của thị trường vẫn đang được duy trì với đích đến nằm tại vùng kháng cự mạnh 920-940 điểm. Tuy nhiên, nếu thị trường phá vỡ vùng hỗ trợ 888-891 điểm thì BVSC lưu ý rằng, các chỉ số có thể bước vào nhịp điều chỉnh ngắn trước khi quay lại quá trình tăng điểm. Diễn biến thị trường giai đoạn này sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể sẽ sớm phải đối mặt với áp lực chốt lời khi đã đạt được mức tăng trưởng mạnh trong một thời gian ngắn. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ khó tạo được sự đột biến khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đang ở phía trước.
Do đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức dưới 50% cổ phiếu. Thêm nữa, nhà đầu tư nên xem xét bán giảm tỷ trọng danh mục nếu vùng 888±3 điểm của chỉ số bị xuyên thủng.