Dòng tiền sôi động và lan tỏa thị trường đã giúp VN-Index thử thách thành công mốc 875 điểm. Điểm nhấn là sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/7: FPT, GEX, GAS
Sau những thử thách rung lắc và chịu áp lực từ nhà đầu tư ngoại nhưng thị trường vẫn duy trì đà tăng và có phiên khởi sắc thứ 4 liên tiếp, tâm lý nhà đầu tư dường như đã cởi mở hơn trong phiên sáng 9/7.
Lực cầu ngày càng gia tăng và lan tỏa từ nhóm cổ phiếu bluechip sang nhóm vừa và nhỏ giúp thị trường càng nới rộng biên độ tăng về cuối phiên. Chỉ số VN-Index leo lên vùng giá cao nhất, áp sát mốc 875 điểm khi chốt phiên sáng với mức tăng hơn 10 điểm.
Bước sang phiên chiều, thị trường vẫn biến động lình xình quanh vùng giá 875 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền sôi động càng gia tăng về cuối phiên với tâm điểm hướng tới nhóm cổ phiếu VN30, đã giúp VN-Index vượt qua ngưỡng cản trên.
Đóng cửa, với 288 mã tăng, gấp hơn 3 lần số mã giảm (92 mã), VN-Index tăng 11,96 điểm (+1,38%) lên 876,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 306 triệu đơn vị, giá trị 5.240,5 tỷ đồng, tăng 28,82% về khối lượng và 21,8% về giá trị so với phiên 8/7.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 46,93 triệu đơn vị, giá trị 1.099,35 tỷ đồng, trong đó đáng kể EIB thỏa thuận 29,31 triệu đơn vị, trị giá 505,6 tỷ đồng; MWG thỏa thuận 2,15 triệu đơn vị, giá trị 180,78 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ có duy nhất EIB đứng giá tham chiếu và CTD quay đầu giảm nhẹ chưa tới 1%, còn lại các mã đều giao dịch trong sắc xanh.
Đáng kể, ông lớn ngành bia là SAB vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí trong phiên chiều đã có thời điểm cổ phiếu này tăng kịch trần. Hiện SAB +6,2% lên mức 205.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 285.960 đơn vị.
Như vậy, sau thông tin nhà nước sẽ thoái ra 36% vốn tại Sabeco, cổ phiếu SAB đã có chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, với tổng mức tăng đạt gần 30%.
Theo phân tích của Báo Đầu tư Chứng khoán, với tầm quan trọng của tỷ lệ 36% tại doanh nghiệp, giới đầu tư đang kỳ vọng ThaiBev có thể sẽ mua bằng mọi giá cổ phiếu SAB trong đợt thoái vốn sắp tới của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, nhìn lại bài học lịch sử trước và sau khi thoái vốn SAB có thể thấy cổ phiếu thường tăng mạnh với kỳ vọng thoái vốn, tuy nhiên sau khi mọi chuyện đã kết thúc, cổ phiếu lại trải qua giai đoạn giảm mạnh.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vua cũng hỗ trợ khá tốt cho thị trường với BID +2,59% lên 41.600 đồng/CP, CTG +1,9% lên 24.100 đồng/CP, HDB +4,41% lên 27.200 đồng/CP, TCB +4,2% lên 20.950 đồng/CP, STB +2,6% lên 11.800 đồng/CP, VPB +4,3% lên 22.850 đồng/CP.
Không chỉ bluechip khởi sắc, nhóm cổ phiếu thị trường vừa và nhỏ cũng có đợt sóng mới khi hàng loạt các mã nóng như HQC, ITA, FLC, SJF, HAI, AMD, FTM… đều kết phiên trong sắc tím.
Trong đó, HQC khớp lệnh 11,87 triệu đơn vị và dư mua trần 5,94 triệu đơn vị, ITA khớp gần 11 triệu đơn vị và dư mua trần 1,73 triệu đơn vị, FLC khớp 8,83 triệu đơn vị và dư mua trần gần 6,5 triệu đơn vị…
Trái lại, DAH có phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp và lùi về mức giá 11.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn khá hạn chế đạt 14.760 đơn vị và dư bán sàn gần 2,4 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau diễn biến lình xình đi ngang trong phiên sáng, thị trường đã giao dịch khởi sắc hơn trong phiên chiều nhờ lực cầu gia tăng mạnh.
Đóng cửa, với 95 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index tăng 1,8 điểm (+1,57%) lên 116,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 46,27 triệu đơn vị, giá trị 414,35 tỷ đồng, tăng 83,61% về lượng và 53,17% về giá trị so với phiên hôm qua 8/7. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,29 triệu đơn vị, giá trị 66,29 tỷ đồng.
Nhiều mã trong nhóm HNX30 giao dịch khởi sắc như ACB +1,7% lên mức cao nhất ngày 24.300 đồng/CP, PVB +1,8% lên 16.700 đồng/CP, PVS +1,6% lên 12.500 đồng/CP, SHB +1,5% lên 13.300 đồng/CP, VCS +3,7% lên 64.600 đồng/CP, PVI +1,3% lên 30.300 đồng/CP…
Đáng chú ý, ngoài 2 mã nhỏ HUT và KLF tăng trần, trong nhóm cổ phiếu này còn có sự góp mặt của CEO bất ngờ khoe sắc tím với mức tăng 9% lên 8.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động gần 3,35 triệu đơn vị.
Dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX là HUT với 3,96 triệu đơn vị được giao dịch thành công. Tiếp theo đó, các mã NVB, KLF, PVS cũng có lượng khớp trên dưới 3,5 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, bên cạnh HUT và KLF, nhiều mã khác như ACM, DST, HKB, VIX, DZM, CMS… cũng tăng hết biên độ.
Trên UPCoM, đà tăng cũng khá ổn định trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, với 128 mã tăng và 52 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,67%) lên 57,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 18,61 triệu đơn vị, giá trị 218,39 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,96 triệu đơn vị, giá trị 27,61 tỷ đồng.
Cặp đôi quen thuộc LBP và BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường UPCoM với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 5,8 triệu đơn vị và hơn 5 triệu đơn vị. Kết phiên, LPB +4,76% lên 8.800 đồng/CP, còn BSR +4,29% lên 7.300 đồng/CP.
“Tân binh” BVB cũng có phiên giao dịch tích cực trong ngày giao dịch đầu tiên. Dù không giữ được sắc tím đến hết phiên nhưng kết phiên BVB vẫn tăng hơn 30% lên mức 14.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,75 triệu đơn vị.
Ngoài LPB và BVB, cổ phiếu ngân hàng khác trên UPCoM là VIB cũng giao dịch sôi động với hơn 1,54 triệu đơn vị được chuyển nhượng và kết phiên +3,3% lên 18.800 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều tăng. Trong đó, hợp đồng VN30F2007 đáo hạn ngày 16/7 tăng 1,63% lên 815,2 điểm với 201.665 hợp đồng được chuyển nhượng, cao nhất nhóm, khối lượng mở 27.028 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 13 mã giảm và 8 mã đứng giá, còn lại đều tăng. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CVRE2001 với 38.991 đơn vị được giao dịch, đóng cửa tăng lên mức 150 đồng.
(Theo ĐTCK)