Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/5 của các công ty chứng khoán.
>> Chứng khoán ngày 19/5: Thanh khoản khủng, VN-Index đạt đỉnh 2,5 tháng
Khuyến nghị mua dành cho HDB với giá mục tiêu 29.600 đồng/CP
Chúng tôi dự phóng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDB – sàn HOSE) sẽ sụt giảm về mức 12% – thấp hơp 16,8% của năm 2019 dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 do nhu cầu cho tín dụng ở mức yếu trong năm nay.
Kể từ quý 2/2020, HDB sẽ bắt đầu giảm từ 2% đến 4% lãi suất các khoản vay của mình đồng thời tung các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Do đó trong thời gian sắp tới, hệ số NIM của ngân hàng có thể sẽ co hẹp lại đáng kể.
Ở chiều chi phí vốn, việc thanh khoản thị trường liên ngân hàng bớt dồi dào có thể khiến chi phí vốn của ngân hàng có thể tăng trở lại do HDB buộc phải tăng huy động tiền gửi hoặc phát hành trái phiếu với chi phí cao hơn.
Trong tương lai HDB vẫn có khả năng thu được một khoản lợi nhuận bất thường từ việc ký kết hợp đồng bancassurance do HDB chưa có đối tác bảo hiểm độc quyền như các NHTM khác.
Định giá và khuyến nghị: Cho cả năm 2020, chúng tôi ước tính thu nhập lãi thuần của HDB đạt 9.863 tỷ đồng (tăng 1% so với năm 2019), lợi nhuận sau thuế của HDB ước tính đạt 3.985 tỷ đồng (giảm 1%). Chi phí trích lập dự phòng của HDB có thể tăng mạnh hơn 40% so với cùng kỳ do chất lượng tài sản đảm bảo có thể suy giảm đáng kể trong năm nay.
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng thu nhập thặng dư (Residual Income), chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu HDB là 29.600 đồng/CP. Khuyến nghị: Mua đối với cổ phiếu HDB.
Khuyến nghị theo dõi DXG với giá mục tiêu 15.390 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Luận điểm đầu tư đối với cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG – sàn HOSE) đó là mở khóa quỹ đất lớn có vị trí đắc địa nằm gần khu vực trung tâm với định hướng dịch chuyển sang mô hình chủ đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, DXG sở hữu hệ thống môi giới bán hàng với mạng lưới phủ rộng khắp cả nước.
Ngoài ra, Công ty có điểm rơi lợi nhuận năm 2021 nhờ việc bàn giao hai dự án (1) Boulevard và (2) Gem Sky World (Long Thành – 92ha).
Chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh của DXG trong năm 2020 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau công ty mẹ lần lượt đạt 4.870 tỷ đồng (giảm 16,2% so với năm ngoái) và 900 tỷ đồng (giảm 26%). EPS FW 2020 = 1.644 đồng/cp. P/E FW 2020 = 6.3x
Chúng tôi duy trì khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu DXG với giá mục tiêu 15.390 đồng/cp (tăng 45,9% so với mức giá đóng cửa ngày 18/05/2020).
Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá RNAV để đánh giá lại tài sản của DXG dựa trên giả định (1) tỷ lệ chiết khấu WACC là 15% cho các dự án, (2) Các dự án được triển khai như dự phóng của chung tôi và (3) Chiết khấu trên giá 10% do các rủi ro liên quan đến tiến độ triển khai dự án.
Với thị giá hiện tại, DXG đang giao dịch dưới giá trị sổ sách P/B FW 2020 = 0.7 lần, tính trên số lượng cổ phiếu lưu hành. Chúng tôi cho rằng triển vọng 2-3 năm tới của DXG sẽ rõ ràng hơn khi vấn đề thủ tục pháp lý được kỳ vọng sẽ được đẩy nhanh hơn.
Khuyến nghị mua VTP với giá mục tiêu 145.900 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã chứng khoán VTP) công bố kết quả kinh doanh quý 1 năm 2020 với tốc độ tăng trưởng hai chữ số. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.460 tỷ (tăng 83,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và 97 tỷ (tăng trưởng 26,2%).
Mảng Bán hàng (Voso.vn, dịch vụ viễn thông, vé máy bay…) có tốc độ tăng trưởng doanh thu gấp 5 lần, tăng tỷ trọng doanh thu lên 43,7% so với mức 11,9% cùng kỳ. Do mảng này có biên gộp thấp (~0,7%) nên biên gộp chung trong kỳ giảm xuống mức 7,3%.
Mảng Chuyển phát (Cung cấp dịch vụ) có mức biên ổn định so với cùng kỳ, nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt 17%, thấp hơn mức dự phóng trung bình 2020 của BSC là 37%. BSC kỳ vọng 6 tháng cuối năm mảng Chuyển phát nhanh sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao.
Chúng tôi cho rằng động lực tăng trưởng chính tiếp tục đến từ sản lượng, với số lượng bưu phẩm giao trong tháng 2 đạt 10,1 triệu bưu phẩm/tháng (tăng trưởng 162,2%).
Viettel Post ra mắt các dịch vụ giao nhanh liên tỉnh mới (tàu nhanh Bắc Nam, MyGo Express) nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Năm 2019, giao hàng nhanh chiếm tỷ trọng 60% trong cơ cấu sử dụng dịch vụ của công ty.
BSC dự báo năm 2020 doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 11.358 tỷ (tăng 45,4% so với năm ngoái) và 482 tỷ (tăng 26,8%). EPS fw 2020 đạt 7.085 đồng, tương ứng với mức PE fw 2020 là 17.6.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua với cổ phiếu VTP với mức giá mục tiêu mới là 145.900 VND, giảm 10.2% so với giá mục tiêu trước (Link) do điều chỉnh mức P/E mục tiêu cho VTP (từ P/E = 21.0 về mức P/E = 20.6)
Khuyến nghị theo dõi PNJ với giá mục tiêu 64.500 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) FY 2020E lần lượt là 16.442 tỷ đồng (giảm 4,1% so với năm ngoái) và 1.050 tỷ đồng (giảm 11,9%) tương đương EPS fw 2020E là 4.592 đồng/CP (đã trừ Quỹ khen thưởng phúc lợi), PE fw = 13.3x và PB fw = 2.7x.
BSC khuyến nghị theo dõi PNJ với giá mục tiêu 2020 là 64.500 đồng/cp, (thấp hơn -35% so với giá khuyến nghị trước là 99,690 VND/CP trong báo cáo “Phục hồi lại sau ERP”) do (1) Tốc độ tăng trưởng của cửa hàng có thể âm -15% do ảnh hưởng từ dịch;
(2) Việc mở mới cửa hàng sẽ giảm xuống nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư CAPEX;
(3) Biên lợi nhuận gộp giảm do thay đổi cơ cấu sản phẩm. Từ đó, chúng tôi hạ kỳ vọng PE mục tiêu xuống 14x so với đầu năm là 16x.
Khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 27.200 đồng/Cp
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) đã công bố một số nội dung xin ý kiến cổ đông thông qua tại ĐHCĐ sắp tới (sau khi đã tổ chức ĐHCĐ rút gọn trong tháng 3/2020). Đáng chú ý, công ty đã đề xuất (1) phát hành trái phiếu kèm chứng quyền và (2) mua thêm 53 triệu cổ phiếu quỹ.
Liên quan đến phát hành trái phiếu, CII có kế hoạch phát hành 1,24 nghìn tỷ đồng trái phiếu thời hạn 5 năm, có đảm bảo, không chuyển đổi đi kèm chứng quyền cho các cổ đông hiện hữu (đối với mỗi 200 cổ phiếu CII sở hữu, cổ đông có quyền mua 1 trái phiếu theo mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu). Lãi suất của các trái phiếu này dự kiến là 11%/năm, và thời gian thanh toán coupon là mỗi 6 tháng.
Nếu CII không thể phát hành thành công ít nhất 800 tỷ đồng trái phiếu cho các cổ đông hiện hữu, công ty sẽ phát hành trái phiếu tương tự trị giá 1,6 nghìn tỷ đồng với chứng quyền đi kèm cho nhà đầu tư (quỹ đầu tư, ngân hàng và/hoặc cho nhà đầu tư chiến lược).
Ngoài ra, mỗi trái phiếu phát hành được đi kèm với 1 chứng quyền, trong đó tỷ lệ chuyển đổi là 1:38,75 (người nằm giữ cần 1 chứng quyền để mua 38,75 cổ phiếu CII) với mức giá theo công thức bên dưới. Chứng quyền có thể giao dịch độc lập và thực hiện quyền mỗi 6 tháng kể từ ngày phát hành.
Ngoài ra, CII cũng xin ý kiến cổ đông thông qua việc mua thêm tối đa 53 triệu cổ phiếu quỹ – tương ứng với 22% cổ phiếu lưu hành. Đợt phát hành trái phiếu kèm chứng quyền cần tối đa 62 triệu cổ phiếu để thực hiện chuyển đổi.
Trước đề xuất này, CII đã mua lại thành công 9 triệu cổ phiếu, qua đó nâng số cổ phiếu quỹ lên 44,3 triệu cổ phiếu. Chúng tôi ước tính chi phí trung bình mua lại cho các cổ phiếu quỹ này là 23.000 đồng/CP.
Công ty chia sẻ rằng việc sử dụng phát hành kèm chứng quyền là nhằm cải thiện tính hấp dẫn của trái phiếu. Chúng tôi cho rằng đợt phát hành thành công sẽ giúp CII cải thiện thời hạn của nợ vay, phù hợp với chu kỳ đầu tư của công ty trong mảng hạ tầng.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 27.200 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 46,9%, bao gồm lợi suất cổ tức 15,5%.
Khuyến nghị mua dành cho VRE với giá mục tiêu 33.300 đồng/Cp
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tài liệu ĐHCĐ của CTCP Vincom Retail (VRE) đệ trình kế hoạch 2020 với doanh thu 9,9 nghìn tỷ đồng (tăng 7% so với năm ngoái) – trong đó mảng cho thuê bán lẻ chiếm 75%-80% theo ban lãnh đạo, và lợi nhuận sau thuế đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (giảm 12%), tương ứng với lần lượt 100% và 93% dự báo tương ứng của chúng tôi.
VRE đề xuất kế hoạch phát hành tối đa tổng cộng 4,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, bao gồm phát hành riêng lẻ tối đa 2,3 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2020 và phát hành ra công chúng tối đa 2 nghìn tỷ đồng trong quý 2 – 3/2020.
Theo ban lãnh đạo, số tiền thu được từ đợt phát hành nành sẽ được sử dụng xây dựng các trung tâm thương mại bán lẻ bao gồm các trung tâm thương mại được đầu tư bởi VRE và thanh toán cho các công ty con của Vingroup – bao gồm Vinhomes – để nhận các trung tâm thương mại vận hành gần đây.
Tính đến cuối quý 2, tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu của VRE đạt 2,3 % trong khi tổng nợ dài hạn đạt 2,8 nghìn tỷ đồng – trong đó phần lớn là trái phiếu 5 năm được phát hành trong tháng 3/2017.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua và giá mục tiêu 33.300 đồng/CP cho VRE, tương ứng với tổng mức sinh lời 35,6%.
Khuyến nghị mua dành cho KDH với giá mục tiêu 31.100 đồng/Cp
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) với giá mục tiêu nhìn chung không thay đổi tại mức 31.100 đồng/CP.
Diễn biến lợi nhuận và tiến độ bán hàng trong quý 1/2020 phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi điều chỉnh giảm 10% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 còn 1,12 nghìn tỷ đồng (tăng 23% so với năm ngoái) chủ yếu do điều chỉnh giảm doanh số bán dự phóng năm 2020 cho dự án Verosa Park – phần nào được bù đắp bởi điều chỉnh tăng lượng bàn giao tại dự án Safira.
Chúng tôi dự báo (1) tiến độ bán Verosa Park và Lovera Vista tiếp tục diễn biến tích cực và (2) không mở bán dự án mới trong năm 2020, do đó chúng tôi dự phóng tổng giá trị hợp đồng bán hàng năm 2020 đạt 2 nghìn tỷ đồng so với mức cơ sở cao năm 2019 là 4,9 nghìn tỷ đồng (tăng 141%).
Chúng tôi kỳ vọng dự án mới Armena và Clarita sẽ đóng góp 77% vào dự phóng tổng giá trị hợp đồng bán hàng giai đoạn 2021-2022, củng cố dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) tổng giá trị hợp đồng bán hàng giai đoạn 2020-2022 là 31%. Hai dự án mới này sẽ là yếu tố dẫn dắt cho CAGR dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2022 đạt 19%.
Yếu tố hỗ trợ: dự án mở rộng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (110 ha tại huyện Bình Chánh). Dự phóng lợi nhuận của chúng tôi hiện chưa bao gồm dự án này do thông tin chi tiết về kế hoạch phát triển vẫn còn khá hạn chế.
Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: triển khai chậm hơn dự kiến tại các dự án quy mô lớn như dự án Tân Tạo (330 ha tại quận Bình Tân).
Khuyến nghị mua dành cho POW với giá mục tiêu 12.200 đồng/Cp
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) nhưng giảm giá mục tiêu 28% còn 12.200 đồng/CP do tác động từ việc điều chỉnh giảm 38% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo năm 2020 và giảm 13% dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo giai đoạn 2021-2029.
Chúng tôi cũng áp dụng thêm chiết khấu 15% cho giá mục tiêu của chúng tôi do rủi ro liên quan đến việc chưa hoàn tất quá trình điều chỉnh hợp đồng mua bán điện (PPA) cho nhà máy điện Cà Mau, vốn sẽ được loại bỏ sau khi công ty hoàn tất thương thảo.
Chúng tôi điều chỉnh giảm các dự báo do (1) chi phí bảo trì cao hơn của nhà máy điện Cà Mau;
(2) bổ sung 400 tỷ đồng chi phí dự phòng nợ xấu trong năm 2020 liên quan đến việc đánh giá lại PPA cho nhà máy điện Cà Mau;
(3) giảm 2-4% giả định giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) của chúng tôi do tác động tiêu cực từ dịch COVID-19;
(4) điều chỉnh tăng 4% giả định giá than vì Vinacomin chưa điều chỉnh giảm giá than cho các nhà máy điện dù giá than nhập khẩu đã giảm sâu;
(5) lợi nhuận thấp hơn từ nhà máy điện Nhơn Trạch 1 (NT1); và (6) lỗ tỷ giá cao hơn.
POW là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh triển vọng thiếu hụt điện năng tại Việt Nam nhờ danh mục điện lớn, tài sản chất lượng cao và khả năng mở rộng công suất thêm 35% trong ngắn hạn thông qua các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 của công ty, cùng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS điều chỉnh giai đoạn 2019-2025 đạt 7,5%. Chúng tôi duy trì giả định cho rằng POW sẽ chia cổ tức tiền mặt ở mức 300 đồng/CP trong giai đoạn dự báo.
POW tỏ ra hấp dẫn với EV/EBITDA dự phóng năm 2020 là 6,4 lần và P/E điều chỉnh là 10 lần, tương ứng mức chiết khấu lần lượt là 36% và 30% so với giá trị trung bình 4 năm tương ứng của trung vị các công ty cùng ngành.
Yếu tố hỗ trợ: không có thêm khoản dự phòng mới; được hoàn nhập dự phòng đã trích; chốt giá PPA thuận lợi cho nhà máy điện Cà Mau.
Khuyến nghị mua dành cho VHM với giá mục tiêu 111.000 đồng/Cp
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Vinhomes (VHM) khi cho rằng công ty có vị thế tốt để tận dụng câu chuyện tăng trưởng của ngành bất động sản nhà ở tại Việt Nam trong dài hạn nhờ vị thế dẫn đầu thị trường, thị phần thống trị và các dự án đa mục đích riêng biệt.
Chúng tôi duy trì giá mục tiêu ở mức 111.000 đồng/CP, tương ứng P/E dự phóng năm 2020 là 14,3 lần, khi chúng tôi cho rằng ROE dự phóng năm 2020 ở mức 39% của VHM là cao hơn so với mức P/E mục tiêu dự phóng năm 2020 8,0 lần trung vị các công ty cùng ngành của Bloomberg.
Chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 thêm 3% lên 25,5 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với năm ngoái) chủ yếu nhờ biên lợi nhuận cao hơn dự kiến ghi nhận trong quý 1/2020 đến từ giao dịch bán buôn tại dự án Vinhomes Grand Park cho các đối tác Nhật Bản.
Chúng tôi dự báo tăng trưởng giá trị hợp đồng ký mới của VHM đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 15% trong giai đoạn 2019-2022, chủ yếu đến từ doanh số bán lẻ và bán buôn tại các đại dự án Vinhomes.
Yếu tố hỗ trợ: tiến độ đáng kể của quá trình thực hiện thủ tục pháp lý cho các siêu đại dự án (quy mô quỹ đất hơn 3.000 ha), bao gồm Green Hạ Long và Long Beach Cần Giờ.
Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: chu kỳ giảm của thị trường bất động sản, chi phí đất và xây dựng thực tế vượt dự báo của chúng tôi.
(Theo ĐTCK)