Covid-19 ngày 11/04: Mỹ ghi nhận thêm 1.602 người chết vì nCoV, nâng tổng số lên 18.350, trong hơn 492.000 ca nhiễm toàn quốc.
18:19 11/04
0h đêm nay gỡ phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 11/4, đại diện lãnh đạo phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, dự kiến 0 giờ đêm nay sẽ gỡ cách ly y tế với Bệnh viện Bạch Mai.
Sáng 11/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa bàn quận Đống Đa.
Theo báo cáo của quận Đống Đa, tính đến 7h ngày 11/4, quận đã lấy 462 mẫu các trường hợp tiếp xúc gần và người đến từ vùng dịch, gồm 148 mẫu F1, 27 mẫu F2, 30 mẫu ca nghi ngờ, 215 mẫu người đi từ vùng dịch, 42 mẫu người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả, có 2 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 là bệnh nhân 148 và 215 (bệnh nhân 148 đã khỏi và ra viện, bệnh nhân 215 đã âm tính lần 1); 395 mẫu âm tính; số còn lại đang đợi kết quả.
Riêng trong ngày 9 và 10/4, Trung tâm Y tế quận tiếp tục lấy 518 mẫu dịch hầu họng gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội xét nghiệm RT-PCR.
Đến nay, trên địa bàn quận có 4.588 người đã cách ly, theo dõi sức khỏe, trong đó, 4.124 trường hợp đã hết thời gian cách ly, xuất cảnh hoặc xét nghiệm âm tính, 464 tiếp tục các ly và theo dõi sức khỏe (gồm có 35 trường hợp F1, 79 trường hợp F2, 4 người nghi ngờ nhiễm chưa có kết quả, 346 người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai)…
Theo báo cáo, ngày 11/4, UBND quận Đống Đa sẽ quyết định chấm dứt thời gian cách ly y tế vùng đối với Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, khoanh vùng và ra quyết định thiết lập cách ly toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh đối với Bệnh viện Thận Hà Nội…
Ngoài ra, quận đã triển khai tốt và nghiêm túc theo đúng chỉ đạo về công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn; đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị phòng, chống dịch và an sinh xã hội cũng như công tác kiểm tra, giám sát…
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 10/4, ông Võ Nguyên Phong, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, tối ngày 9/4, có 397 nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai được về nhà nhưng vẫn tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe theo quy định.
“Đối với Bệnh viện Bạch Mai, đến chủ nhật (ngày 12/4) là đủ 14 ngày cách ly. Trên cơ sở thực tiễn và đề nghị của bệnh viện, quận đề xuất xin gỡ bỏ phong tỏa để Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục khám chữa bệnh bình thường”, ông Phong nói.
Trước đề xuất của quận Đống Đa, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, đến ngày 12/4 tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ hết thời gian cách ly theo quy định.
“Tôi đồng ý với đề xuất của quận Đống Đa, gỡ lệnh phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai, tiến hành khám chữa bệnh bình thường từ ngày 12/4. Tuy nhiên, phải kiểm soát chặt chẽ ngươi ra vào Bệnh viện Bạch Mai theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Chung nói.
18:14 11/04
Thêm 1 ca mắc Covid-19 liên quan đến bệnh nhân 257, Việt Nam có 258 ca
Theo bản tin lúc 18h00 ngày 11/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong ngày chỉ ghi nhận 01 ca mắc mới COVID-19. Bệnh nhân này là mẹ của bệnh nhân 257.
Bệnh nhân 258: nữ, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.
Bệnh nhân là mẹ BN257 đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm và kết luận dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 11/4.
15:51 11/04
Diễn biến mới nhất về sức khỏe của 4 ca mắc Covid-19 rất nặng ở Việt Nam
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 4 bệnh nhân COVID-19 đang diễn biến rất nặng. Trong đó, có 1 bệnh nhân nguy kịch, phải đặt ECMO là bệnh nhân 91, nam phi công người Anh đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Bệnh nhân 91 là phi công người Anh, 43 tuổi, nặng 100kg, cao 1,83m (chỉ số khối cơ thể là 30,1, béo phì) hiện vẫn đang trong tình trạng rất nặng, tổn thương đa tạng, nhiễm trùng, xuất hiện suy tim phải. Viêm phổi nặng, lọc máu ngày thứ 4, hiện tượng tăng đông diễn ra nặng nên phải thay 4 lần quả lọc máu, ECMO ngày thứ 3.
Điều động viên nhất của ca bệnh này đối với hội đồng chuyên môn lúc này là tải lượng virus SASR-CoV-2 của bệnh nhân giảm. Hiện Hội đồng chuyên môn và các bác sỹ đang điều trị bệnh nhân bằng tất cả tâm lực, trí lực và kinh nghiệm điều trị.
Bệnh nhân 20 (bác gái của bệnh nhân 17) đã cai ECMO từ ngày 4/4, bệnh nhân vẫn phải thở máy. Trước đó, bệnh nhân này có diễn biến suy hô hấp nặng, đã được đặt ECMO từ ngày 19/3 tới ngày 4/4, chuyển sang thở máy. Bệnh nhân có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình.
Bệnh nhân xuất hiện cơn ngừng tuần hoàn ngày 8/4 và được Hội đồng chuyên môn hội chẩn khẩn ngay trong đêm, nhờ đó tình trạng người bệnh đã được cải thiện hơn.
Các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết đến hôm nay 10/4, bệnh nhân đã có cải thiện, không tổn thương não sau ngừng tim, nghe, đáp ứng các yêu cầu các bác sỹ.
Người thứ 3 có diễn biến nặng là bệnh nhân 251 (64 tuổi, vừa được chuyển lên từ BVĐK tỉnh Hà Nam). Người đàn ông này có tiền sử gout nặng, uống rượu, xơ gan. Ca bệnh này đã được các bác sỹ khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện Nội tiết Trung ương và hội đồng chuyên môn tư vấn trao đổi về vấn đề dinh dưỡng, điều trị gout, xơ gan, chống đông….
Một bệnh nhân có diễn biến rất nặng khác là bệnh nhân 161 (quê Hưng Yên). Cụ bà 88 tuổi này có tiền sử bị tai biến, xuất huyết não và liệt 1/2 người bên trái. Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đề nghị các bác sỹ điều trị trực tiếp xem xét thời điểm để mở nội khí quản cho người bệnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng tiểu ban Điều trị cho biết hầu hết các bệnh nhân nặng là các bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền hoặc có yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của virus (như béo phì).
Hiện chưa có thuốc đặc trị điều trị COVID-19, trên thế giới cũng chưa có phác đồ điều trị chuẩn, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, hiện có nhiều nước áp dụng các phác đồ khác nhau, được chấp thuận điều trị COVID-19 nhưng tỷ lệ tử vong của các nước chưa có chiều hướng giảm xuống, bệnh nhân nặng vẫn còn.
15:32 11/04
Việt Nam có 2.685 ca nghi mắc Covid-19, hơn 75.000 cách ly theo dõi y tế
Báo cáo nhanh cập nhật lúc 11h ngày 11/4 của Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam ghi nhận 2.685 ca nghi ngờ mắc COVID-19 đang được cách ly theo dõi và có 75.337 người tiếp xúc gần, người về từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi y tế.
Đến sáng ngày 11/4, số ca mắc COVID-19 ở nước ta vẫn là 257 ca. Số ca mắc COVID-19 khỏi bệnh hiện là 144 ca, bằng khoảng gần 60% so với tổng số ca mắc.Tuy nhiên theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 “chúng ta tuyệt đối không được chủ quan” trong chống dịch và cần phải tiếp tục thực hiện nghiệm giãn cách xã hội bởi “cả cuộc chiến chống dịch vẫn còn ở phía trước”.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 109/212 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực ASEAN, không có ca tử vong.
09:06 11/04
Học sinh có thể trở lại trường chậm nhất vào 15/6
Chiều 10/4, tại cuộc họp với Ban chỉ đạo quốc gia chống Covid-19, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán nếu dịch được kiểm soát, học sinh toàn quốc có thể đi học chậm nhất vào ngày 15/6 và đến 15/7 kết thúc năm học.
Trong 4 tuần (từ 15/6 đến 15/7), học sinh sẽ được thầy cô giáo ôn tập lại sau thời gian học trực tuyến tại nhà; kiểm tra định kỳ và kiểm tra cuối năm.
“Như vậy, học sinh vẫn hoàn thành chương trình năm học 2019-2020. Học sinh lớp 12 sẽ có ba tuần để ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia, diễn ra vào ngày 8-11/8”, ông Độ phân tích và nhấn mạnh học sinh vẫn có thể thi THPT quốc gia.
09:04 11/04
Hơn 18.000 người chết vì nCoV tại Mỹ
Mỹ ghi nhận thêm 1.602 người chết vì nCoV, nâng tổng số lên 18.350, trong hơn 492.000 ca nhiễm toàn quốc.
Đại học Johns Hopkin cho biết 492.240 ca nhiễm được xác nhận tại Mỹ, tăng 30.803 ca so với hôm qua, trong đó 28.790 người đã hồi phục.
New York ghi nhận thêm 10.575 ca nCoV, tổng số ca nhiễm tại bang này là 170.512, cao hơn cả vùng dịch lớn thứ hai thế giới là Tây Ban Nha với hơn 158.000 ca nhiễm. Thêm 777 người chết tại New York, giảm nhẹ so với mức tăng kỷ lục 799 hôm trước, nâng tổng số lên 7.844.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng tối 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói 60.000 người có thể chết vì nCoV tại Mỹ, thấp hơn nhiều so với số dự báo 100.000 trước đó. “Thật khó tin rằng nếu chỉ có 60.000, bạn không thể hạnh phúc, nhưng điều đó thấp hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã nói và nghĩ lúc đầu”, Trump cho biết.
Giám đốc Viện dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci nói đường cong dịch bệnh ở Mỹ đang được làm phẳng như tại Italy vào khoảng một tuần trước nhờ tình hình được cải thiện ở bang New York. Tuy nhiên, Fauci cảnh báo Mỹ chưa đạt đỉnh dịch.
09:01 11/04
Gần 9.000 người chết vì nCoV ở Anh
Anh thông báo thêm 980 người nhiễm nCoV chết tại bệnh viện, mức tăng cao nhất trong 24 giờ, nâng tổng số lên gần 9.000.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock trong cuộc họp báo tại London hôm nay cho biết 19.116 người được xét nghiệm nCoV ngày 9/4, trong đó 5.706 dương tính. Tổng số ca nhiễm tại Anh là 73.758, trong đó 19.304 người phải nhập viện và mới 135 người hồi phục.
Số người chết được ghi nhận tại các bệnh viện của Anh là 8.958, tăng thêm 980, mức tăng kỷ lục từ khi Covid-19 xuất hiện tại Anh và cao hơn “ngày chết chóc” 2/4 tại Tây Ban Nha với 961 ca tử vong.
Chuyên gia về bệnh cúm Jonathan Stafford Nguyen Van-Tam cảnh báo Anh “đang trong giai đoạn nguy hiểm” và chưa đạt đỉnh dịch. “Đường cong đang bắt đầu thay đổi và những nỗ lực khó khăn của các bạn bắt đầu được đền đáp, song điều này cần được duy trì”, Van-Tam nói.
Văn phòng Thủ tướng Anh trong thông cáo ngày 10/4 cho biết Thủ tướng Boris Johnson “đã có thể đi được một quãng ngắn” song phải “vừa đi vừa nghỉ”. Johnson thông báo nhiễm nCoV ngày 27/3, nhập viện hôm 5/4 và được rời phòng chăm sóc tích cực 5 ngày sau đó.
Giới chuyên gia Mỹ cảnh báo Anh có thể hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nhất châu Âu vì Covid-19, với số người chết có thể chiếm 40% tổng châu lục này. Các cuộc tranh luận về “miễn dịch cộng đồng” được cho là nguyên nhân khiến Anh chậm trễ áp dụng cách biệt cộng đồng và các biện pháp hạn chế khác để ngăn nCoV lây lan.
07:25 11/04
Sáng nay không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV
6h ngày 11/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca nhiễm, 113 người đang điều trị, 144 người khỏi bệnh.
Như vậy, 24 giờ qua ghi nhận hai ca nhiễm mới, tổng số ca nhiễm là 257.
Đến sáng nay, 20 bệnh nhân xét nghiệm âm tính một lần, 8 ca âm tính hai lần.
113 bệnh nhân đang điều trị tại 16 cơ sở khám chữa bệnh cả nước. Trong đó, 70 ca điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương; 39 ca tại tuyến tỉnh; 4 ca tuyến huyện.
Bốn bệnh nhân rất nặng gồm “bệnh nhân 20”, 64 tuổi; “bệnh nhân 161”, 88 tuổi; bệnh nhân phi công người Anh 43 tuổi; “bệnh nhân 251”, 64 tuổi, với bệnh lý nền xơ gan, thiếu máu.
Các chuyên gia đầu ngành liên tục hội chẩn điều trị cho các bệnh nhân nặng. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, chiều 10/4 cho biết hầu hết bệnh nhân nặng lớn tuổi, kèm bệnh lý nền hoặc thêm yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của virus như béo phì.
>> Covid-19 ngày 10/04: Bệnh viện Bạch Mai hết phong toả vào ngày 12/4