TTCK có diễn tiến tích cực trong thời gian vừa qua khiến các quỹ đầu tư cải thiện hiệu quả hoạt động, đồng thời tạo cơ hội để chốt lời và cơ cấu danh mục. Trong đó, nhiều quỹ đầu tư đã “chọn mặt gửi vàng” với một số cổ phiếu chính.
>> Philip Fisher: Người thầy của những tỷ phú đầu tư hiện đại
Vietnam Holding mua mạnh VCB
Trong cơn bán tháo của nhà đầu tư nước ngoài tại TTCK Việt Nam thời gian qua, Vietnam Holding đã tranh thủ cơ hội để mua vào một số cổ phiếu mà trước đó quỹ này khó có thể tiếp cận, trong đó nổi bật là nhóm ngân hàng.
Kết quả là tỷ trọng nhóm ngân hàng trong danh mục đầu tư của Vietnam Holding gia tăng từ mức 12% đầu tháng lên 16% vào cuối tháng 4, tỷ trọng tiền mặt giảm từ 7% xuống 4%.
Việc mua thêm cổ phiếu đưa giá trị thị trường các khoản đầu tư của Quỹ lên mức 517 triệu USD, so với 352 triệu USD trước đó.
Trong các khoản đầu tư mới, Vietcombank (VCB) xuất hiện thay thế cho Điện Gia Lai (GEG), chiếm tỷ trọng 3,8%, đứng thứ 10 trong Top 10 khoản nắm giữ lớn nhất của Quỹ. Vietnam Holding đánh giá, Vietcombank là nhà băng lớn thứ 4 tính theo giá trị tài sản với chất lượng tài sản và yếu tố quản trị thuộc hạng tốt nhất, P/E ở mức 15,1x, PB 2,5x.
Vietnam Holding cho biết, chiến lược đầu tư của Quỹ tại Việt Nam không thay đổi, tiếp tục tập trung vào nhóm doanh nghiệp vốn hóa vừa, hỗ trợ công ty nâng cao yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
PYN Elite rót vốn vào POW và VEA
Thay đổi lớn nhất trong danh mục đầu tư tháng 4 của quỹ ngoại PYN Elite là việc thêm cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam – PV Power.
Nếu như trong tháng 3, cổ phiếu này chưa xuất hiện trong Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục đầu tư của PYN, thì tính tới cuối tháng 4, POW ở vị trí thứ 8 (chiếm 4,16% giá trị tài sản ròng – NAV).
4 tháng đầu năm 2020, POW ước đạt doanh thu 10.288 tỷ đồng, thực hiện 30,4% kế hoạch năm. Riêng trong tháng 4, giá cổ phiếu này đã tăng 48% và thường xuất hiện với khuyến nghị mua trong báo cáo của các công ty chứng khoán.
Một biến động đáng chú ý khác là việc cổ phiếu VEA của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM giành ngôi vị số 1 trong danh mục đầu tư của PYN Elite với tỷ trọng 10,64%, tăng 2,08% so với tháng trước đó.
“Tổng hợp 871 doanh nghiệp tại HOSE, HNX và UPCoM, chiếm 90% giá trị vốn hóa thị trường về kết quả kinh doanh quý I/2020 cho thấy, doanh thu của khối này giảm 2% và lợi nhuận giảm tới 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Top 5 khoản đầu tư đứng đầu của PYN Elite ghi nhận doanh thu tăng 15% và lợi nhuận sau thuế tăng 3,9%. Trong đó, VEA chứng kiến lợi nhuận quý I tăng 4% nhờ lĩnh vực cốt lõi tăng trưởng mạnh (150%) và thu nhập tài chính khác tăng 29%”, PYN Elite cho biết.
Giá trị tài sản dưới sự quản lý của PYN Elite đã tăng 20% trong tháng vừa qua, đạt 360 triệu euro do huy động được thêm vốn. PYN đã tăng tỷ trọng đầu tư cổ phiếu lên 94%, chỉ nắm 6% tiền mặt so với mức 9% trong tháng 3.
Ông Petri Deryng, Giám đốc PYN Elite cho biết, ông đã rót thêm vốn cá nhân vào Quỹ trong tháng 3, nhưng vẫn ngần ngại đặt tất cả vốn một lần. Sang tháng 4, vị giám đốc này đã gia tăng việc góp vốn.
Tundra Vietnam lãi tốt nhờ HSG, TNG, BCC
Tundra Vietnam cho biết, Quỹ không thực hiện thay đổi lớn nào với danh mục đầu tư trong tháng 4, tuy nhiên, một điểm khác biệt dễ nhận thấy là cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes không còn nằm trong Top 10 khoản đầu tư lớn nhất, dù cách đó 30 ngày, đây là khoản đầu tư lớn thứ 3, chiếm 6% tỷ trọng danh mục.
Nhiều khả năng Tundra đã chuyển nhượng một phần khoản đầu tư này, nhất là khi cổ phiếu VHM đã tăng giá 15% trong tháng 4.
Những khoản đầu tư mang lại kết quả tích cực bậc nhất, giúp Tundra Vietnam có hiệu suất đầu tư dương trở lại sau 3 tháng thua lỗ liên tiếp là Hoa Sen (HSG – tăng 70,9%), TNG (tăng 59,7%), Xi măng Bỉm Sơn (tăng 42,3%)…
Thêm vào đó, khoản đầu tư vào FPT cũng đạt thành tích tốt, duy trì vị trí là khoản đầu tư lớn nhất của Tundra (chiếm tỷ trọng 9,5%).
(Theo ĐTCK)