Dịch Covid-19 kéo dài đã gây ra những xáo trộn trong cuộc sống của nhiều người dân Việt Nam, nhưng mặt khác lại đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ và tạo ra những thay đổi đáng kể trong thói quen tiêu dùng của người Việt.
>>Nhóm ngành nào phục hồi sau đại dịch dễ nhất?
Mua sắm trực tuyến bứt tốc
Các biện pháp kiểm soát dịch trên quy mô lớn, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển, tạm ngừng các dịch vụ không thiết yếu… đã trở thành “chất xúc tác” giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số giờ đây trở thành xu hướng tất yếu, các cơ sở dịch vụ chuyển từ offline sang online để duy trì hoạt động kinh doanh, người dân chuyển từ offline sang online để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Chính phủ cũng khuyến khích đẩy mạnh mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử (TMĐT) để góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
GrabMart được triển khai tại TP. HCM từ ngày 23/3/2020 và nhanh chóng được mở rộng ra Hà Nội chỉ 14 ngày sau đó. Có thể xem GrabMart là hình thức “đi siêu thị hộ”, người dùng chỉ cần mở ứng dụng Grab, chọn các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị… đang có trên GrabMart và thoải mái chọn mua thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, thức uống đóng chai, rau củ quả…
Số lượng đơn hàng GrabMart đã tăng đến 91% chỉ sau 1 tuần triển khai. Dữ liệu trên hệ thống Grab ghi nhận ngày 31/03/2020 là ngày đạt số lượng đơn hàng GrabMart cao kỷ lục, ngay trước thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội.
Số lượng đơn hàng GrabMart đã tăng đến 91% chỉ sau 1 tuần triển khai
Người dùng có xu hướng đặt hàng trên GrabMart nhiều hơn vào giữa tuần và cuối tuần. Hiện GrabMart đang liên kết với các đối tác bán lẻ uy tín lẫn các cửa hàng nhỏ lẻ, bao gồm BigC, Co.op Xtra, Co.op Food, Farmers’ Market, Annam Gourmet, Cheers, Dalat Hasfarm, Bếp Mộc, cửa hàng trái cây Chợ Phố, Coca-Cola, Meat World…
Trà sữa “soán ngôi” cơm trong dịch Covid-19
Tương tự thói quen mua sắm trực tuyến, thói quen đặt món trực tuyến trong mùa dịch của người dùng Việt cũng có những thay đổi đáng kể so với trước đó. Với yêu cầu hạn chế di chuyển, trường học tạm đóng cửa… các đối tác giao nhận thức ăn của Grab đã hoạt động năng nổ hơn bao giờ hết để đảm bảo đáp ứng nhu cầu ăn uống hằng ngày của người dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất.
Trước Covid-19, hệ thống GrabFood ghi nhận cơm là món ăn được đặt nhiều nhất. Trà sữa xếp thứ 2 trong danh sách, tiếp tục là thức uống yêu thích của người trẻ tuổi và dân văn phòng. Xếp ngay sau trà sữa là bún, mì, thức ăn nhanh, trà, cà phê… vốn là những món ăn quen thuộc, phổ biến với mọi người.
Dữ liệu trên GrabFood cũng cho thấy trong dịch Covid-19, người dùng Việt thích ăn ngọt hơn hẳn trước đó. Số lượng đơn hàng các món tráng miệng trong dịch COVID-19 tăng đến 52% so với thời điểm trước khi có dịch, và đây cũng là mức tăng cao nhất trong số các nước Đông Nam Á.
Giá trị trung bình của một đơn hàng GrabFood tăng 26% so với trước khi có dịch, có thể vì lý do các thành viên trong gia đình đều ở nhà và ăn uống cùng nhau. Dữ liệu ghi nhận giá trị trung bình của đơn hàng GrabFood cho mọi bữa ăn đều tăng, trong đó mức tăng nhiều nhất thuộc về bữa tối.
Cụ thể hơn, trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, bữa tối là bữa ăn “tốn kém” nhất của người dùng GrabFood; trong khi trước đó, tại thời điểm chưa có dịch, vị trí bữa ăn có giá trị đơn hàng trung bình cao nhất trên GrabFood thuộc về bữa xế.
Thói quen sử dụng tiền mặt đang thay đổi mạnh mẽ
Xu hướng mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong mùa dịch cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thanh toán không tiền mặt, góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Thanh toán không dùng tiền mặt cũng trở thành yếu tố quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, khi từ người dùng cho đến các MSME đều chọn lựa các phương thức thanh toán trực tuyến để đảm bảo giao dịch an toàn trong mùa dịch.
Dịch Covid-19 đã thúc đẩy một bộ phận người dân lần đầu tiên tiếp cận với các phương thức thanh toán trực tuyến. Theo dữ liệu của Moca, đối tác chiến lược của Grab, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab vào tháng 03/2020 đã tăng đến 22,5% so với tháng trước đó.
Cũng theo đối tác Moca, nhìn trên tổng thể hệ sinh thái Grab, trong dịch Covid-19, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43%. Đặc biệt, riêng với dịch vụ GrabMart, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chiếm đến 70%.
Thông qua hợp tác chiến lược với Moca, ứng dụng Grab đang ngày càng trở nên tiện lợi hơn cho người dùng, đặc biệt trong trong bối cảnh thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19. Đồng thời, Moca và Grab cũng đang gia tăng trải nghiệm cho người dùng Grab thông qua hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm các tính năng thanh toán cho các chuyến xe, đặt thức ăn, giao nhận hàng, chuyển tiền trong ví cho nhau, thanh toán tại cửa hàng, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn.
Hiện nay, đối tác Moca đang liên kết trực tiếp với 24 ngân hàng và 1 ngân hàng số, có khả năng tiếp cận tới hơn 92% người sở hữu thẻ ATM tại Việt Nam.
(Theo TheLEADER)