Các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng 240,4 tỷ đồng, nhà đầu tư tổ chức trong nước mua ròng 31,6 tỷ đồng, trong khi tổ chức nước ngoài bán ròng 466 tỷ đồng…
1. Đa số cổ phiếu lớn bị giảm điểm
Đa số cổ phiếu lớn (VCB, BID, VIC, GAS, VHM) giảm điểm trong khi các cổ phiếu midcap và smallcap tăng khá tốt (ITA, HAG, ROS, HCD, HHS). Điều này được phản ánh khá rõ ở VN30 (-0,74%) giảm điểm mạnh hơn VNAllShares (-0,45%).
Ngoài ra, số mã tăng nhiều hơn số mã giảm (186 mã tăng (30 mã trần) so với 175 mã giảm (3 mã sàn)). VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày 770,77 giảm 5,89 điểm tức 0,76%. Thanh khoản cả ba sàn tăng 22,6% so với phiên thứ 6 tuần trước và đạt 5.267,4 tỷ đồng.
2. Nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng
Tổng bán ròng toàn thị trường đạt 469,2 tỷ đồng, tăng 20,3% so với phiên thứ 6 tuần trước, trong đó 462,7 tỷ đồng trên HOSE; 12,8 tỷ đồng trên HNX và 6,3 tỷ đồng trên UPCoM.
Bán ròng chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng bao gồm VCB (105,7 tỷ đồng), VPB (81 tỷ ), STB (37 tỷ), BID (16 tỷ) và HDB (13 tỷ đồng) đây là những cổ phiếu nằm trong top 10 được bán ròng trong ngày.
Ngoài ra, VNM vẫn được nước ngoài bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp và bán mạnh hơn sau khi công ty công bố mua cổ phiếu quỹ và giá tăng vượt 100 ngàn từ thứ 6 tuần trước. Nước ngoài chuyển sang mua ròng (mặc dù nhỏ) hai cổ phiếu ngành bất động sản VHM, VIC vốn trước đó bị bán mạnh trong tháng 3. SAB, HPG, HCM tiếp tục được mua ròng, trong khi CTD, NT2 là những gương mặt mới được nước ngoài chào đón vào top 10 mua ròng hôm nay.
3. Cổ phiếu ngân hàng có phiên giao dịch sôi động
Cổ phiếu ngân hàng có phiên giao dịch sôi động về thanh khoản nhưng lại giảm điểm diện rộng do nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh. Trong số 18 ngân hàng đang niêm yết/đăng ký giao dịch trên 3 sàn chỉ có 2 ngân hàng tăng điểm (KLB và VPB) và cũng chỉ có 2 ngân hàng được nước ngoài mua ròng nhẹ (LPB và NVB).
Đáng chú ý, EIB hôm nay có thỏa thuận mạnh 23,79 triệu cổ phiếu tương đương 356,85 tỷ đồng ở 1 mức giá 15,000 đồng/cổ phiếu, khá sát với mức giá đóng cửa hôm nay là 15,100 đồng/cổ phiếu. Đây hoàn toàn là giao dịch giữa các nhà đầu tư trong nước.
Tuy được thực hiện thành 12 giao dịch nhỏ, nhưng khả năng cùng một bên bán do thời điểm thực hiện và giá thực hiện đồng nhất.
VPB cũng được thị trường rất chú ý trong phiên ngày hôm nay sau khi ngân hàng này tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc (1) mua lại trái phiếu quốc tế đã phát hành và niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán Singapore theo chương trình Euro Medium Term Note, (2) Thông qua phương án mua cổ phiếu quỹ tối đa 5% cổ phiếu đang lưu hành và (3) giảm tỉ lệ sở hữu nước ngoài xuống 15% từ mức 22,43% hiện tại.
Trong khi chờ các thủ tục phê duyệt thì nước ngoài đã bán ròng 81 tỷ đồng VPB hôm nay nhưng cổ phiếu vẫn tăng 2,4%. Điều đó thể hiện lực cầu từ các nhà đầu tư trong nước đã tăng lên sau sự kiện này và VPB nằm trong top các cổ phiếu lớn đột phá từ đầu phiên sáng nay.
Việc bond yield của VPB đang được giao dịch ở Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore ở mức lợi tức 11-12% yield trong khi lãi suất danh nghĩa (coupon rate) ở mức 6,25% (tính trên lãi suất USD) là một mức khá cao. Điều này thể hiện các trái chủ mua ban đầu đã đều có mức lỗ khá cao và yield của trái phiếu này chỉ tăng mạnh từ 10/3/2020 gần đây, theo BondSuperMarket.com.
Mặc dù là công cụ nợ nhưng điều này cũng thể hiện phần nào đánh giá về mức độ rủi ro của ngành ngân hàng Việt Nam trước ảnh hưởng của bối cảnh hiện nay.
Trong top cổ phiếu tăng điểm và đột phá (khối lượng giao dịch trong nửa phiên đầu lên mức cao hơn bình quân 5 ngày qua) ngày hôm nay, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp góp mặt khá nhiều bao gồm KBC, ITA, SZC, SNZ, D2D, SZL và TIP, tất cả đều tăng trần.
Như chúng tôi đã đề cập trong Nhật ký FiinTrade #28, biến động giá của cổ phiếu nhóm BĐS khu công nghiệp phản ánh khá sát tình hình kết quả kinh doanh chung (LNTT của 13 công ty BĐS khu công nghiệp tăng 10,9% trong quý 1-2020 so với cùng kỳ dù doanh thu giảm nhẹ 0,7%) và kỳ vọng vào việc dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc ra các nước khác trong khu vực trong đó có Việt Nam.
5. Bán ròng của nước ngoài được đối ứng khá tốt bởi trong nước
Trong phiên này, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng 240,4 tỷ đồng, nhà đầu tư tổ chức trong nước mua ròng 31,6 tỷ đồng, trong khi tổ chức nước ngoài bán ròng 466 tỷ đồng.
Cụ thể, lực bán các mã top bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài như VCB, VPB, VRE, STB, DPM đều được mua đối ứng rất tốt từ nhà đầu tư cá nhân trong nước. Biểu đồ 3: Top mua bán ròng của nhà đầu tư cá nhân, tổ chức nước ngoài trong ngày.
6. Lực bán của khối ngoại một phần đến từ các quỹ ETFs
FiinTrade có cập nhật 3 quỹ ETFs (Quỹ ETFs ngoại gồm VanEck Vectors Vietnam, xtrackers FTSE Vietnam, iShares MSCI Frontier 100 với tổng tài sản quản lý (AUM) khoảng 1,2 tỷ USD) mà chúng tôi theo dõi thì kết quả là trong tuần vừa qua 3 quỹ này rút tổng công 7,25 triệu EUR (184,4 tỷ VND) chủ yếu là do VanEck Vectors Vietnam (VNM) bị rút vốn.
Mức rút vốn của tuần kết thức ngày 24/4/2020 chỉ bằng 42% tuần trước đó (17,23 triệu EUR) nhưng cũng là đáng kể (12%) so với mức tổng bán ròng của toàn bộ các tổ chức nước ngoài tuần trước.
7. Cập nhật kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết
Tiếp tục cập nhật kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết, theo thống kê của FiinGroup, tính đến ngày 27/04/2020, 601 doanh nghiệp niêm yết (chiếm 39,5% vốn hóa thị trường) đã công bố chính thức hoặc ước tính kết quả kinh doanh Q1/2020. Trong đó, 484 doanh nghiệp báo lãi trong khi 117 doanh nghiệp báo lỗ hoặc không có lãi. Loại ra các doanh nghiệp không có BCTC Q1-2019, doanh thu của 592 doanh nghiệp giảm 1,9% trong khi LNTT giảm 24,6%.
Trong lần cập nhật này, điểm đáng chú ý là mức tăng trưởng LNTT của ngành Ngân hàng là 4,2% khi thêm 2 mã MBB và CTG ra kết quả kinh doanh. Hôm nay, HPG cũng chính thức công bố báo cáo tài chính quý 1 với mức tăng trưởng LNTT 22,4%.
Doanh thu thuần quý 1-2020 đạt 19.232 tỷ đồng, tăng 29% cùng kỳ trong đó mảng chính sản xuất và kinh doanh thép chiếm 79%, nông nghiệp chiếm 14,9%. Mảng thép ghi nhận doanh thu 15.591 tỷ đồng, tăng 31%, lợi nhuận trước thuế 2.872 tỷ đồng, tăng 22%; mảng nông nghiệp doanh thu tăng 59% lên 2.779 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 482 tỷ đồng, gấp 5,23 lần cùng kỳ.
Trong khi đó thị phần thép xây dựng của HPG hiện là 31,9%; sản phẩm ống thép giữ thị phần 31,1%.ơớớc
(Theo FiinTrade)
>> Chứng khoán ngày 27/4: Nhóm ngân hàng đè nặng, VN-Index đóng cửa tại đáy