Với vai trò ‘vua’ của ngành hàng thô, biểu hiện của thị trường dầu vào thứ Hai đã gây áp lực lên kim loại quý khiến giá vàng bị kéo về sát ngưỡng 1.700 USD/oz.
>> Dự báo giá vàng tuần 27/4-1/5: “Dòng suối nhỏ có thể trở thành trận lũ”
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên Mỹ đêm qua, tuy nhiên vẫn giữ được mốc hỗ trợ quan trọng 1.700 USD/ounce.
Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích kỹ thuật của Kitco nhận định, nguyên nhân chính là do sự sụt giảm trở lại của giá dầu thô. Với vai trò ‘vua’ của ngành hàng thô, biểu hiện của thị trường dầu vào thứ Hai đã gây áp lực lên kim loại quý. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 giảm 11,7 USD xuống mức 1.724 USD/ounce.
Giá dầu thô Nymex giảm hơn 4 USD xuống mức 12,25 USD/ thùng. Ngày càng có nhiều người nghi ngờ rằng giá dầu thô Nymex sẽ rơi vào ‘vùng âm’ khi hợp đồng kỳ hạn tháng 6 sắp hết hạn vào cuối tháng 5. Không có nơi nào để tích trữ dầu giữa một thị trường thừa thải về nguồn cung kèm theo cú sốc về nhu cầu trên toàn cầu.
Một nhà sản xuất dầu lớn của Mỹ, Diamond Offshore đã nộp đơn xin phá sản vào cuối tuần trước. Các báo cáo cho biết OPEC sẽ bắt đầu cắt giảm sản lượng dầu đã được công bố trước đó vào cuối tuần này nhưng thị trường đánh giá động thái này là không có tác động tích cực đến giá cả.
Thêm nữa, theo Wyckoff, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng là một yếu tố tiêu cực cho tài sản trú ẩn an toàn như vàng. Một số khu vực ở các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đang bắt đầu mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các cơ quan y tế hàng đầu của Mỹ cuối tuần qua cho biết, giãn cách xã hội sẽ kéo dài trong suốt mùa hè.
Trong khi đó, chỉ số đồng USD giảm xuống vùng 100 điểm vào thứ Hai. Điều này tác động tích cực tới vàng.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng của giá vàng giao tháng 6 vẫn có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn và nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn vào cuối tuần này. Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo là ngưỡng kháng cự kỹ thuật vững chắc ở mức cao nhất trong tháng Tư 1.788,8 USD/ounce. Mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.666,2 USD/ounce.
Theo báo cáo hôm qua của ngân hàng Commerzbank, sự điều chỉnh hôm qua có thể không dẫn đến sự suy yếu kéo dài và kim loại quý vẫn được các nhà đầu tư tìm kiếm như một loại ‘tiền tệ thời khủng hoảng’.
Tâm lý trên thị trường tài chính đang được cải thiện khi các quốc gia dần nới lỏng các hạn chế được thiết lập nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để vàng trải qua giai đoạn suy yếu kéo dài. Ngân hàng này nhận định, “Ngay cả khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hoàn toàn, thế giới vẫn sẽ khác xa so với trạng thái trước đại dịch”.
Thực tế, rủi ro lớn hơn mà thị trường phải đối mặt sau đó là sự suy thoái kinh tế, như được biểu hiện qua các chỉ số kinh tế ‘thảm hại’ gần như ở khắp mọi nơi. Để chống lại điều này, các chính phủ trên toàn cầu có thể sẽ tiếp tục chi những khoản tiền chưa từng có và phần lớn trong số đó sẽ được tạo ra bởi các ngân hàng trung ương.
Theo Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích tại ngân hàng Commerzbank, “cả Cục dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương châu Âu đều không có khả năng quyết định thêm bất kỳ biện pháp nào khác cho tình trạng hiện tại vào cuộc họp của họ trong tuần này. Điều đó tức là, những gì họ đã phê duyệt có ảnh hưởng rất sâu rộng mà hầu như không thể nới lỏng thêm. Nhu cầu về vàng vẫn gia tăng khi nhà đầu tư muốn một hàng rào tránh rủi ro trong môi trường này, điều này được phản ánh trong dòng vốn đang chảy mạnh vào các quỹ ETF vàng”.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, tính tới 8h30 sáng 28/4, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá ở mức 47,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,4 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 150.000 đồng ở cả hai chiều so với cuối phiên trước.
Trong khi đó, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 48,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,55 triệu đồng/lượng (bán ra), không đổi so với cuối phiên trước.
(Theo Kitco.com)