Chứng khoán ngày 27/4: Nhóm ngân hàng đè nặng, VN-Index đóng cửa tại đáy

Nhóm ngân hàng chỉ có VPB tăng giá, còn lại đều giảm với sự dẫn dắt của VCB, qua đó góp phần lớn vào đà giảm của VN-Index với 3,8 điểm ảnh hưởng.

Biểu đồ VN-Index đến ngày 27/4/2020.
Biểu đồ VN-Index đến ngày 27/4/2020.

HOSE – VPB nổi bật

Chỉ thị mới về chống dịch Covid-19 đã được Thủ tướng ban hành vào cuối tuần qua, cho phép các địa phương được nới lỏng các biện pháp hạn chế về chống Covid-19 để khôi phục hoạt động kinh tế xã hội nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh trong tình hình mới. Đây là thông tin tích cực mà người dân trên cả nước chờ đợi hơn 3 tuần qua.

Bước vào phiên giao dịch với tâm lý hưng phấn và dòng tiền sôi động, chỉ số VN-Index tăng vọt lên vùng 785 điểm, cao hơn 9 điểm so với tham chiếu ngay sau phiên ATO, đạt đỉnh cao nhất. Sắc xanh chiếm màu sắc chủ đạo trên bảng điện tử, trong đó rổ VN30 có 22 mã tăng giá cùng sự dẫn dắt của VPB khi tăng kịch trần.

Động thái này diễn ra sau khi HĐQT VPBank trình phương án mua lại tối đa 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 122 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhằn hỗ trợ giao dịch và tăng giá trị cho cổ đông. Giao dịch dự kiến thực hiện trong năm nay theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.

Ngoài ra, VPBank cũng lấy ý kiến thống nhất giảm tỷ lệ sở hữu của khối ngoại từ 22,77% xuống 15%. Nguyên nhân do các quỹ đầu tư nước ngoài có xu hướng rút khỏi các thị trường chứng khoán châu Á vì khủng hoảng tài chính bởi ảnh hưởng của đại dịch. Một số cổ đông nước ngoài của VPBank cũng không nằm ngoài xu hướng này khi tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trên vốn điều lệ đã giảm 0,34%.

Áp lực bán gia tăng sau đợt tăng nóng đầu, đặc biệt là tại các mã vốn hóa lớn như phần lớn cổ phiếu ngành ngân hàng, khiến chỉ số chính liên tục lùi lại cho đến khi tạm dừng phiên sáng tại 773,88 điểm, giảm 2,78 điểm (-0,36%) so với tham chiếu. Thị trường ghi nhận sôi động hơn so với cuối tuần trước. Giá trị giao dịch tăng 33% đạt 2,91 nghìn tỷ đồng, tương đương 194,8 triệu đơn vị.

Đến chiều, dòng tiền vẫn tập trung ở vùng giá thấp, áp lực bán vẫn lớn dẫn đến chỉ số VN-Index duy trì đà giảm cho đến hết phiên và đóng cửa tại đáy ngày 770,77 điểm, giảm 5,89 điểm (-0,76%) so với tham chiếu.

Chốt phiên hôm nay có 185 mã tăng và 175 mã giảm giá, trong đó, 28 mã tăng trần và 2 mã giảm sàn.

Rổ VN30 chỉ có 4 mã tăng giá gồm POW tăng 3,67%; VPB tăng 2,44%; ROS tăng 4,6%; CTD tăng 5,6%. Ở phía ngược lại, VCB dẫn đầu khi giảm giá 3%.

Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm ngân hàng chỉ có VPB tăng giá, còn lại đều giảm giá với sự dẫn dắt của VCB. Do đó, ngành này góp phần lớn vào đà giảm của VN-Index 3,8 điểm ảnh hưởng.

Nhóm cổ phiếu Vingroup với cả 3 mã gồm VIC, VHM và VRE đều giảm giá nên đẩy chỉ số chính xuống thêm 1,7 điểm ảnh hưởng.

Trái lại, GVR (tăng trần) và POW là hai mã đơn lẻ kìm hãm lớn nhất đà giảm của VN-Index với lần lượt 0,8 điểm và 0,2 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 17% về lượng và 20% về giá trị so với phiên trước, đạt 307,4 triệu đơn vị, tương ứng với 4,7 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 50,5 triệu đơn vị, tương đương 932,4 tỷ đồng, riêng EIB thỏa thuận 23,8 triệu đơn vị, tương đương 356,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã ROS (+4,6%) với 14,5 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là ITA (+6,6%) với 11,7 triệu đơn vị và AMD (+0,6%) đạt 10 triệu đơn vị.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 20 liên tiếp với 462,9 tỷ đồng, tương đương 22,2 triệu đơn vị, tăng 34% về giá trị và 75% về lượng so với phiên trước.

Trong đó, không có mã nào được mua ròng trên 10 tỷ đồng. VHM và VIC tiếp tục dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với lần lượt 9,56 tỷ đồng và 9 tỷ đồng. Đây là phiên giao dịch đầu tiên VIC trở lại được mua ròng sau 19 phiên liên tiếp trước đó bị bán ròng.

Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VCB với 106,9 tỷ đồng, tương đương 1,6 triệu đơn vị.

Trong phiên giao dịch hôm nay, sáu mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, VID (CTCP Đầu tư phát triển thương mại Viễn Đông) tăng 66 lần; ABS (CTCP Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận) tăng 6,4 lần; C32 (CTCP Đầu tư xây dựng 3-2; đóng cửa giá trần) tăng 5,7 lần; SZC (CTCP Sonadezi Châu Đức; giá trần) tăng 5,7 lần; ATG (CTCP An Trường An) tăng 4,4 lần; PHR (CTCP Cao su Phước Hòa) tăng 4,2 lần.

HNX – Lần nữa thất bại trước ngưỡng kháng cự 107 điểm

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, diễn biến khá giống với VN-Index, sau khi tăng mạnh lên trên vùng 107 điểm thì áp lực bán gia tăng khiến chỉ số HNX-Index liên tục lùi lại cho đến khi đóng cửa tại sát đáy ngày 106,3 điểm, tăng 0,67 điểm (-0,73%), với 90 mã tăng giá và 67 mã giảm giá.

SHB (-1,83%) và ACB (-0,99%) là hai mã góp phần nhiều nhất với đà giảm của chỉ số chính với lần lượt 0,2 điểm và 0,16 điểm ảnh hưởng.

Khối lượng giao dịch giảm 6% về lượng nhưng tăng 24% về giá trị so với phiên trước, đạt 41,3 triệu đơn vị, tương ứng với 372,7 triệu tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Trong đó, KLF (+5,3%) dẫn đầu sàn khi đạt 8,9 triệu đơn vị. PVS (-0,9%) theo sau với 2,9 triệu đơn vị, MBG (+2%) đạt 2,6 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 12,8 tỷ đồng, tương đương 1,1 triệu đơn vị, giảm 43% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 32 mã và mạnh nhất là HUT được mua ròng 185 triệu đồng, tương đương 2,7 nghìn đơn vị.

Trong khi đó, khối này bán ròng 29 mã và mạnh nhất là TNG đạt 6,2 tỷ đồng, tương đương 500 nghìn đơn vị.    

Trên sàn HNX hôm nay, duy nhất mã HHG (CTCP Hoàng Hà) có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.

>> Top 10 cổ phiếu biến động mạnh nhất tuần 20-24/4

Next Post

Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 28/4: Chủ tịch KBC mua xong 10 triệu cổ phiếu

T3 Th4 28 , 2020
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC – HOSE) đã mua vào 10 triệu cổ phiếu KBC từ ngày 06/4 đến 24/4.
Copyright All right reserved

Chuyên mục