Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/9: HII, AAA, NHH, APH, MWG, TNG, PVI

Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/9 của các công ty chứng khoán như SBSI, MBS, BSC, PSI.

>> Chứng khoán ngày 3/9: HDB góp phần đưa VN-Index vượt 900 điểm

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/9: HII, AAA, NHH, APH, MWG, TNG, PVI

Khuyến nghị mua dành cho HII

CTCK Stanley Brothers (SBSI)

Qua kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020, chúng tôi cho rằng hoạt động kinh doanh chính của Công ty cổ phần An Tiến Industries (HII – sàn HOSE) là sản xuất bột đá CACO3 và hạt Calbest vẫn duy trì tốt với doanh thu chỉ giảm 8%. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận 6 tháng năm 2020 giảm sút do diễn biến bất lợi của giá hạt nhựa ảnh hưởng lên biên lợi nhuận của công ty.

Về ngắn hạn, với giá hạt nhựa đã phục hồi trong tháng 7,8, chúng tôi dự phóng doanh thu cả năm 2020 đạt 5.053 tỷ đồng ( tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 62 tỷ đồng (tăng 14,8%).

Trong năm 2021, chúng tôi dự kiến lợi nhuận HII sẽ tăng 56% so với dự phóng 2020 và đạt 158 tỷ đồng, doanh thu tăng 10%.

Các yếu tố chính chúng tôi kỳ vọng vào tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cho giai đoạn năm 2021 gồm: (1) Sự phục hồi của giá hạt nhựa cho đến giữa năm 2021;

(2) Sản lượng sản xuất tiếp tục tăng do HII lắp đặt thêm 3 dây chuyền CACO3 tăng công suất lên gấp 2 lần và mua thêm 2 máy Ancal mới trong năm 2020;

(3) 2 dây chuyền hạt nhựa phụ gia lắp đặt trong năm 2019 đạt công suất tối đa;

(4) Dịch covid được kiểm soát cơ bản giúp cho hoạt động thương mại HII không bị ảnh hưởng;

(5) biên lợi nhuận gộp của mảng Thương mại hạt nhựa cải thiện lên 4,5% sau khi công ty tập trung vào mô hình bán hàng back-to-order thay vì tích trữ hàng tồn kho.

Chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh P/E để xác định giá trị doanh nghiệp. Với mức P/E trung bình ngành là 11.7, giá trị vốn cổ phần của HII theo giá trị định giá là 676 tỷ đồng, tương đương 24.300 đồng/CP. Chúng tôi khuyến nghị mua HII cho mục tiêu năm 2020.

Khuyến nghị mua dành cho AAA với giá mục tiêu 31.100 đồng/CP

CTCK Stanley Brothers (SBSI)

Do hoạt động kinh doanh của CTCP Nhựa An Phát Xanh (AAA – sàn HOSE) có thêm mảng bất động sản Khu công nghiệp do đó chúng tôi chọn 2 phương pháp định giá là phương pháp so sánh P/E và phương pháp DCF.

Đối với phương pháp P/E, chúng tôi chọn 6 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với mức P/E trung bình là 11,7 lần.

Đối với phương pháp DCF, chúng tôi chia 2 giai đoạn 2020-2025 và sau 2025 để phản ánh hết giá trị mà dự án bất động sản Khu công nghiệp An Bình Quốc Tuấn đem lại. Theo đó, giá trị trung bình vốn chủ sở hữu AAA dựa trên 2 phương pháp trên là 6.557 tỷ đồng.

Với triển vọng khả quan trong nửa cuối năm 2020, chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu AAA với mức giá mục tiêu là 31.100 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho NHH với giá mục tiêu 83.090 đồng/CP

CTCK Stanley Brothers (SBSI)

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID19 tuy nhiên chúng tôi cho rằng 6 tháng cuối năm 2020 của CTCP Nhựa Hà Nội (NHH – sàn HOSE) sẽ tăng công suất để bù đắp cho các đơn hàng bị gián đoạn đầu năm.

Năm 2021 sẽ là điểm rơi lợi nhuận của các dự án mở rộng công ty khuôn và M&A công ty An Cường Plastic. Doanh thu ước tính đạt 1.681 tỷ, tăng 36,4 % so với năm 2019; lợi nhuận đạt mức 121 tỷ, tăng 113 % so với năm trước đó.

Năm 2021, chúng tôi ước tính khi các nhà máy An Trung Industries, VMC, VAPA tăng công suất cùng với sự đóng góp của ACP, doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trưởng vượt bậc, đạt 2551 tỷ doanh thu và 196 tỷ lợi nhuận, EPS ước đạt 5.684 đồng/cp.

Trên cơ sở đó, chúng tôi lựa chọn phương pháp chiết khấu dòng tiền vốn chủ FCFE 2 giai đoạn cho hoạt động kinh doanh cốt lõi sản xuất linh kiện nhựa kỹ thuật, khuôn và sàn nhựa do đây là các mảng có dòng tiền ổn định từ 2025. Dựa trên kết quả định giá, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NHH. Mức giá mục tiêu cho năm 2021 là 83.090 đồng/CP cao hơn 41% so với giá thị trường.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho APH

CTCK Stanley Brothers (SBSI)

Chúng tôi dự phóng kết quả Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (APH – sàn HOSE) trong năm 2020 dựa trên cơ sở sản lượng mảng bao bì tiếp tục tăng, doanh thu bất động sản ghi nhận vào cuối năm và mảng nhựa kỹ thuật tăng sản lượng bù đắp các đơn hàng gián đoạn đầu năm.

Từ năm 2021, triển vọng tích cực từ nhu cầu sản phẩm tự hủy sinh học và dự án PBAT sẽ thúc đẩy lợi nhuận mảng bao bì, mảng bất động sản Khu công nghiệp tiếp tục với dự án bất động sản Khu công nghiệp An Bình Quốc Tuấn và mảng nhựa kỹ thuật tăng trưởng nhờ vào nhu cầu linh kiện nhựa từ các hãng điện, điện tử.

Do đó, năm 2020, chúng tôi ước tính doanh thu APH đạt 11.138 tỷ đồng (tăng 17,1% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 468 tỷ đồng (giảm 34,3%) và năm 2021 doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 14.262 tỷ đồng, 759 tỳ đồng tương đương tăng 28% và 62,2% so với dự phóng 2020.

APH hoạt động trên 3 lĩnh vực kinh doanh là bao bì, nhựa kỹ thuật và bất động sản Khu công nghiệp đồng thời sở hữu 14 công ty con và liên kết với các mảng kinh doanh riêng. Do đó, chúng tôi lựa chọn 2 phương pháp là DCF và SOTP để định giá doanh nghiệp.

Đối với phương pháp DCF, chúng tôi xác định 2 giai đoạn trong đó (1) 2020-2025 là giai đoạn APH phát triển mạnh với dự án PBAT, dự án bất động sản Khu công nghiệp An Bình Quốc Tuấn, dự án Nhà máy 8, dự án chuyển đổi sản phẩm sang phân hủy sinh học; (2) giai đoạn sau 2025 là giai đoạn dòng tiền APH ổn định, các nhà máy đều đạt công suất tối đa theo thiết kế.

Đối với phương pháp đánh SOTP, chúng tôi xác định giá trị APH dựa trên giá trị công ty mẹ APH, các công ty con mà APH đang nắm giữ và giá trị dự án PBAT. Trong đó, (1) Giá trị công ty mẹ APH được tính theo giá trị sổ sách sau khi trừ đi giá trị các khoản đầu tư, (2) Giá trị các công ty con của APH được tính bằng tỷ lệ sở hữu của APH nhân với giá trị định giá AAA, NHH, (3) Giá trị dự án PBAT được xác định bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền.

Tổng hợp kết quả từ các phương pháp định giá, giá trị vốn chủ sở hữu APH theo phương pháp DCF và STOP lần lượt là 9.473 tỷ đồng và 9.279 tỷ đồng. Với tỷ trọng 2 phương pháp là 50%, giá trị mỗi cổ phần APH đạt 70.730 đồng/CP. Trên cơ sở định giá và triển vọng doanh nghiệp trong 5 năm tới, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu APH.

Khuyến nghị mua đối với MWG

CTCK MB (MBS)

Doanh thu tháng 7/2020 của CTCP Thế giới di động (MWG) ước tính đạt trên 8.600 tỷ đồng, giảm 7% n/n nhưng tăng 6% so với tháng 6 nhờ cải thiện doanh thu ở tất cả các chuỗi. Doanh nghiệp ưu tiên mục tiêu đảm bảo dòng tiền để vận hành, do đó tiếp tục cân nhắc về vấn đề chi trả cổ tức.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 12 tháng khoảng 129.000 đồng, trên cơ sở: (i) nhu cầu đối với nhu yếu phẩm hàng ngày gia tăng, làm cải thiện mạnh doanh thu chuỗi Bách hóa xanh trong khi biên lợi nhuận gộp được cải thiện, và (ii) kinh doanh đồng hồ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong chuỗi thế giới di động, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế TNG ở vùng giá 12.5-13.0

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu TNG của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã đạt thành phiên bứt phá sau khi tích lũy trung hạn tại ngưỡng giá 12.0 Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế ở vùng giá 12.5-13.0 và chốt lãi quanh ngưỡng giá 15, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 12.0.

Khuyến nghị theo dõi PVI

CTCK Dầu khí (PSI)

Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả lĩnh vực bảo hiểm năng lượng và bảo hiểm hàng không của CTCP PVI (PVI).

Theo Reuters, dịch bệnh có thể làm cho ngành dầu khí năm 2020 phải cắt giảm đầu tư và trì hoãn lắp đặt các giàn khoan ngoài khơi. Tuy nhiên khả năng kiểm soát dịch cao hơn lần đầu bùng phát, chúng tôi tăng doanh thu bảo hiểm so với lần dự phóng trước lên 19% đạt 6.930 tỷ đồng, đồng thời giảm 50,2% doanh thu kinh doanh phi bảo hiểm.

Chúng tối dự phóng lợi nhuận sau thuế 2020 của PVI đạt 667 tỷ đồng, giảm 5% so với năm ngoái, chủ yếu (1) tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm, (2) Lãi tiền gửi tiết kiệm giảm và (3) khả năng tăng khoản dự phòng giảm giá đầu tư

Chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh theo trung bình ngành bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam. Với EPS forward 2020 đạt 2.742 đồng/cp, giá trị sổ sách (BVPS) đạt 31.224 đồng/cp, giá trị cổ phần PVI được xác định ở mức giá lần lượt là 32.250 đồng/CP với phương pháp PE và 33.339 đồng/CP với phương pháp PB. Như vậy, giá trị trung bình của công ty là 32.794 đồng/CP và chúng tôi khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PVI.

Khuyến nghị khả quan đối với PVT với giá mục tiêu 12.767 đồng/CP

CTCK Dầu khí (PSI)

Sau 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí PVTrans (PVT) ghi nhận 3.407 tỷ đồng giảm 16,5% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020, đạt 322,8 tỷ đồng giảm 22.8% so với cùng kỳ 2019, chủ yếu do mảng dịch vụ hảng hải dầu khí và dịch vụ khác

Trong 4 tháng đầu năm, khi giá dầu thô đang ở mức thấp, nhà đầu tư tranh thủ tích trữ dầu giá thấp khiến nhu cầu thuê tàu chở dầu thô làm kho chứa và vận tải tăng mạnh. Tuy nhiên, xu hướng này bắt đầu giảm từ đầu tháng 5, khi giá dầu đang trên đà tăng lên trở lại, dẫn đến giá cước thuê tàu định hạn đột ngột giảm về mức đầu năm 2020, thậm chí xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng 50-55 ngày trong cuối tháng 8 ảnh hưởng đến hoạt động vận tải. Bên cạnh những khó khắn bởi Covid 19, việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong tháng 8/2020 bảo dưỡng còn ảnh hưởng đến hoạt động vận tải của PVT, chúng tôi ước tính doanh thu năm 2020 của PVT ước đạt 6.532 tỷ (giảm 15,8% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 546 tỷ đồng (giảm 33,5%).

Kế hoạch mua sắm tàu mới có thể giãn sang các năm tiếp theo do ảnh hưởng Covid 19. PVT đặt kế hoạch mua sắm 5 – 6 tàu mới trong năm nay, tuy nhiên nhiều khả năng PVT có thể giãn sang các năm tới để giữ nguồn lực dự phong trước ảnh hưởng Covid 19.

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị khả quan đối với Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí PVTrans với mức giá mục tiêu 12.767 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp chiếu khấu dòng tiền DCF và phương pháp so sánh P/E.

Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DCM

CTCK Dầu khí (PSI)

Chúng tôi đánh giá thận trọng cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2020 do những yếu tố biến động khó lường của thị trường nông nghiệp, giá phân bón và giá khí đầu vào (bị chi phối bởi giá dầu) sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Theo đó, ước tính doanh thu 2020 đạt 7.291 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 721,8 tỷ đồng, tương đương tăng 1.76% và 155% so với cùng kỳ 2019 trên cơ sở như sau:

(1) Doanh thu thuần tăng không nhiều. Nguyên nhân đến từ tình trạng dư cung phân bón Ure vẫn tiếp diễn, tác động từ biến đổi khí hậu và xâm ngập mặn có thể khiến diện tích trồng lúa có thể bị thu hẹp lại làm giảm nhu cầu sử dụng phân bón. Nhà máy dừng bảo dưỡng theo kế hoạch dừng cấp khí của hệ thống PM3 – Cà Mau trong quý III làm giảm sản lượng, tăng giá thành sản phẩm.

(2) Lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân đến từ giá khí đầu vào tiếp tục được hưởng lợi từ sự sụt giảm giá dầu thô thế giới. Dự báo trong năm 2020 giá dầu duy trì ở mức trung bình 35-45 USD/thùng, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ việc giảm chi phí giá khí.

Hiện nay chi phí nguyên liệu chiếm 55-60% giá vốn, trong kịch bản giá dầu giảm trong năm 2020 thì ước tính giá vốn hàng bán giảm 3%, biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 19% so với 14% trong quý 1/2020. Các chi phí khác như chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính tiếp tục tiết giảm do doanh nghiệp có nguồn tiền mặt dồi dào.

(3) Nhà máy NPK đưa vào chạy vận hành thử nghiệm và kỳ vọng sản xuất sản phẩm phân bón hỗn hợp chất lượng cao từ quý III/2020. Kỳ vọng đạt 25-30% sản lượng theo kế hoạch đầu 2020, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang gia tăng.

Đây là phần gia tăng doanh thu cho DCM, tuy nhiên, chúng tôi đánh giá phần này tăng chưa nhiều do nhà máy cần thời gian hoạt động ổn định trong 1-2 năm đầu trước khi đạt công suất tối đa.

(4) Chính sách thuế: Thông tin về chính sách thuế sửa đổi Luật thuế 71/2014/QH13 được thị trường kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho tình hình sản xuất – kinh doanh của DCM.

Theo đó, Luật sửa đổi sẽ đưa phân bón vào mặt hàng hưởng thuế thay vì mặt hàng không chịu thuế như hiện tại, để giảm thiểu sự cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, đặc biệt là phân bón của Trung Quốc với giá thành có tính cạnh tranh cao.

Dự kiến nếu được thông qua, DCM có thể tiết kiệm 300 – 350 tỷ đồng tiền thuế GTGT. Khoản này giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp tăng khoảng 4 – 5% và biên lợi nhuận thuần tăng từ 3 – 4%.

Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, nghị trình thảo luận Kỳ họp thứ 10, quốc hội khóa XIV sắp tới đây (từ 19/10 – 12/11/2020) chưa đưa sửa đổi Luật thuế vào nội dung thảo luận. Do đó, thời điểm sớm nhất thông qua luật sửa đổi cũng phải từ năm 2021 trở đi. Chúng tôi đánh giá thông tin này hỗ trợ doanh nghiệp tích cực trong ngắn và trung hạn kể từ thời điểm luật được thông qua.

(Theo ĐTCK)

Next Post

Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 4/9

T6 Th9 4 , 2020
Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 4/9 về các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán như DBC, NVL, TDG, D2D, PTL, NHH.
Copyright All right reserved

Chuyên mục