Chứng khoán ngày 7/9: VN-Index mất mốc 890 điểm

Chỉ số VN-Index lùi về mức thấp nhất ngày và để mất mốc 890 điểm khi giảm gần 15 điểm vào cuối phiên. Đây là tín hiệu xấu cho các phiên tới.

>> Top 10 cổ phiếu tăng, giảm giá mạnh nhất tuần 31/8 – 4/9

Chứng khoán ngày 7/9: VN-Index giảm sâu 15 điểm
Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 7/9/2020.

Cú giảm đột ngột cuối giờ chiều đã phá vỡ sự giằng co trong phiên sáng nay. Ngay từ đầu phiên chiều, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khiến thị trường dần thoái lui và trở nên rung lắc. Sau gần 1 giờ giao dịch giằng co, chỉ số VN-Index đã giảm điểm một cách dứt khoát xuống trước lực bán dâng cao, đặc biệt tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Thị trường chìm trong sắc đỏ và nhóm VN30 tiếp tục gia tăng sức ép lên thị trường với nhiều mã lớn giảm sâu, đã đẩy VN-Index xuống mức thấp nhất ngày, về dưới vùng giá 890 điểm khi kết phiên giao dịch hôm nay.

Thị trường thiếu động lực đi lên dù dòng tiền vẫn khá mạnh, cộng với tin không tốt từ chứng khoán quốc tế có thể là nguyên nhân của cú rớt điểm hôm nay. Tuy nhiên, nếu lượng giao dịch vẫn trên mức 7.000 tỷ đồng/phiên (với sàn Hose) thì hy vọng rằng phiên chiều nay chỉ là một tai nạn, hay là nhịp điều chỉnh sau sóng tăng vừa qua.

Đóng cửa phiên chứng khoán ngày 7/9, sàn HOSE có 135 mã tăng và 273 mã giảm, VN-Index giảm 13,29 điểm (-1,47%), xuống 888,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 434 triệu đơn vị, giá trị 7.587,74 tỷ đồng, tăng 25,27% về khối lượng và 12,7% về giá trị so với phiên 4/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,24 triệu đơn vị, giá trị 1.157,81 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ có duy nhất VNM giữ được sắc xanh khi tăng nhẹ 0,8%, cùng 2 mã SAB và NVL đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm điểm.

Đáng kể dòng bank giảm khá sâu và nhiều mã tìm đến mức giá thấp nhất phiên chứng khoán ngày 7/9 như BID -3,6% xuống 40.600 đồng/CP, CTG -3,8% xuống 25.000 đồng/CP, TCB -3% xuống 21.200 đồng/CP, VCB -1,5% xuống 83.600 đồng/CP, VPB -4,1% xuống 22.500 đồng/CP, MBB -1,9% xuống 17.700 đồng/CP, HDB -1,7% xuống 29.200 đồng/CP…

Bên cạnh đó, một số lớn gia tăng gánh nặng cho thị trường như GAS -3,5% xuống 72.000 đồng/CP, VIC -2,7% xuống 91.500 đồng/Cp, VHM -1,1% xuống 79.100 đồng/CP, VRE -2,7% xuống 27.700 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chịu tác động chung của thị trường, cặp đôi HAG – HNG cũng có phần hạ nhiệt do áp lực bán gia tăng khiến cả 2 mã đều không giữ nổi sắc tím.

Kết phiên, HAG +5,75% lên 4.600 đồng/CP và khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 24,34 triệu đơn vị; còn HNG +4,56% lên 12.600 đồng/CP và khớp 10,11 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhiều mã khác như ITA, FLC, ROS, GTN, DXG… đều lùi về dưới mốc tham chiếu và kết phiên trong sắc đỏ.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng cũng khiến thị trường nới rộng biên độ giảm.

Đóng cửa phiên chứng khoán ngày 7/9, sàn HNX có 80 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 0,72 điểm (-0,57%), xuống 125,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,32 triệu đơn vị, giá trị 640,52 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,85 triệu đơn vị, giá trị 42,69 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30 chỉ còn vài mã điểm xanh nhưng tác động không lớn tới diễn biến chỉ số chung như CAP, DDG, LHC, SLS, NDN, VMC.

Trái lại, nhiều mã lớn đảo chiều hoặc nới rộng biên độ giảm như ACB -1,4% xuống 20.800 đồng/CP, SHB -1,4% xuống 13.800 đồng/CP, PVS -2,4% xuống 12.300 đồng/CP, PVI -2,2% xuống 30.600 đồng/CP, VCS -1,49% xuống 66.000 đồng/CP, VCG -0,27% xuống 36.700 đồng/CP…

Bộ 3 cổ phiếu ACB, PVS và SHB dẫn đầu thanh khoản trên HNX với khối lượng khớp lệnh tương ứng hơn 6 triệu đơn vị, 5,85 triệu đơn vị và 4,91 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, trong nửa đầu phiên chiều, thị trường vẫn diễn biến giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu, nhưng lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên khiến thị trường không thoát khỏi sắc đỏ.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,42%), xuống 58,89 điểm với 101 mã tăng và 91 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 20,86 triệu đơn vị, giá trị hơn 273 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,74 triệu đơn vị, giá trị 20,87 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng gồm LPB, BVB và VIB đều giảm nhẹ với giao dịch sôi động, lần lượt đạt 4,38 triệu đơn vị, 1,17 triệu đơn vị và 1,15 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng mất điểm như VGI -1,5% xuống 27.100 đồng/CP, ACV -1% xuống 57.000 đồng/CP, MSR -4,2% xuống 16.000 đồng/CP, MCH -1,6% xuống 73.900 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm điểm, trong đó, VN30F2009 đáo hạn gần nhất giảm 2,7% xuống 822 điểm, khối lượng khớp lệnh hơn 159.670 đơn vị, khối lượng mở hơn 33.080 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 14 mã tăng và 2 mã đứng giá, còn lại đều giảm, trong đó mã CSTB2003 hôm nay được khớp lệnh cao nhất với 103.028 đơn vị, và mã này giảm 25,64% xuống 290 đồng/cq.

(Theo ĐTCK)

Next Post

Doanh nghiệp bán lẻ ứng phó với tăng trưởng thấp

T2 Th9 7 , 2020
Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt, tăng trưởng doanh số bán lẻ ở Việt Nam sau khi xuống mức âm 30% trong tháng 4/2020 thì đã có dấu hiệu hồi phục trong tháng 7/2020, nhưng hiện vẫn ở mức thấp so với trước kia.
Copyright All right reserved

Chuyên mục