VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 776,66 điểm, tăng 2,75 điểm (+0,36%) so với tham chiếu, tuy nhiên vẫn giảm gần 13 điểm (-1,7%) so với cuối tuần trước.
HOSE – VNM là trụ đỡ chính
Chỉ số VN-Index mở cửa phiên cuối tuần trong sắc xanh nhạt nhờ sự dẫn dắt của VNM sau thông tin Vinamilk dự kiến chi hàng nghìn tỷ đồng để mua vào 17,5 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 1% vốn điều lệ). Nguồn vốn sử dụng để mua đợt này sẽ được lấy từ Quỹ đầu tư phát triển. Trước đó, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên cùng hai giám đốc cũng đã đăng ký mua vào 800.000 cổ phiếu.
Tuy nhiên, sau phiên ATO, áp lực bán liên tục tăng mạnh đã ép chỉ số chính giảm xuống vùng 767 điểm, thấp hơn 7 điểm (-0,9%) so với tham chiếu vào 9h30, tạo đáy thấp nhất trong ngày. Sắc đỏ quay lại chiếm ưu thế trên bảng điện tử với gần 200 mã giảm và chỉ có 70 mã tăng giá. Rổ VN30 còn duy nhất VNM mang sắc xanh với mức tăng gần 3%.
Tâm lý thận trọng vẫn tiếp tục trong phiên sáng sau khi thị trường trải qua phiên giao dịch ghi nhận thanh khoản thấp nhất trong gần 2 tháng vào hôm qua. Do đó, lực cầu bắt đáy yếu khiến chỉ số VN-Index không thể quay lại trên mốc tham chiếu và tạm dừng phiên sáng tại 773,36 điểm, giảm 0,55 điểm (-0,07%). Giá trị giao dịch tăng 8% lên mức 2,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 147,35 triệu đơn vị.
Nửa đầu phiên chiều, chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục giằng co quanh vùng 772 – 774 điểm do tâm lý thận trọng và thăm dò chiếm chủ đạo trên thị trường. Áp lực xả hàng không lớn, lực cầu tăng nhẹ, kèm theo sự tiếp sức của VNM khiến chỉ số chính đi lên vào nửa cuối phiên và đóng cửa tại 776,66 điểm, tăng 2,75 điểm (+0,36%) so với tham chiếu, tuy nhiên vẫn giảm gần 13 điểm (-1,7%) so với cuối tuần trước. Tuần này, thị trường ghi nhận 4 phiên tăng điểm và 1 phiên giảm mạnh.
Chốt phiên hôm nay có 177 mã tăng và 159 mã giảm giá, trong đó, 26 mã tăng trần và 8 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 12 mã tăng giá, trong đó, hai mã tăng trần gồm VNM và CTD. Theo sau là REE tăng 3,73% và VPB tăng 3%. Ở phía ngược lại, duy nhất mã VHM giảm giá trên 2%.
So với cuối tuần trước, rổ VN30 chỉ có 7 mã tăng giá với sự dẫn đầu của SAB tăng 8,8% và HPG tăng 6,8%. Trong 23 mã giảm giá trong rổ, sáu mã giảm giá trên 5% gồm VRE, STB, MBB, SBT, ROS, VHM.
Tuy nhiên, so với ngày 31/3, toàn bộ rổ VN30 đều tăng giá. Trong đó, 13 mã tăng trên 20% gồm SAB, MWG, CTD, POW, SSI, HPG, TPB, BVH, VRE, STB, FPT, MSN, VPB.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, VNM là mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của VN-Index với 3,35 điểm ảnh hưởng.
Với mức tăng giá 2%, MSN và HPG cũng ảnh hưởng lớn tới đà tăng của chỉ số chính với 0,8 điểm.
Trái lại, nhóm cổ phiếu Vingroup gồm VIC đứng giá, VHM và VRE giảm giá, nên đã kìm hãm mạnh đà tăng của VN-Index với 1,6 điểm ảnh hưởng.
Nhóm ngân hàng chỉ có VPB và TCB tăng giá. Do đó, ngành này kìm hãm nhẹ đà tăng của VN-Index 0,1 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 27% về lượng và 19% về giá trị so với phiên trước, đạt 262,3 triệu đơn vị, tương ứng với 3,93 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,2 triệu đơn vị, tương đương 732 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã HSG (tăng trần) với 21 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE. Tiếp theo là ROS (+1,9%) với 13,5 triệu đơn vị và HAG (tăng trần) đạt 11,3 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 19 liên tiếp với 345,2 tỷ đồng, tương đương 12,7 triệu đơn vị, tăng 10% về giá trị và 11% về lượng so với phiên trước. Do đó, khối ngoại đã bán ròng 1,53 nghìn tỷ đồng trong tuần này.
Trong đó, HPG tiếp tục dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 27,4 tỷ đồng, tương đương 1,25 triệu đơn vị. Còn lại các cổ phiếu được mua ròng với giá trị chưa tới 10 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VNM với 97 tỷ đồng, tương đương 958,8 nghìn đơn vị.
Trong phiên giao dịch hôm nay, ba mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, ABS (CTCP Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận; đóng cửa giá trần) tăng 13,6 lần; FIT (CTCP Tập đoàn F.I.T) tăng 5,2 lần; HNG (CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai) tăng 4,6 lần.
HNX – Giằng co trong vùng 106 điểm
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, diễn biến khá giống với VN-Index, chỉ số HNX-Index giằng co ở vùng 106 điểm trong gần hết phiên hôm nay và đóng cửa tại 106,97 điểm, tăng 0,01 điểm (+0,01%), với 70 mã tăng giá và 76 mã giảm giá. Tuần này, thị trường ghi nhận 2 phiên tăng điểm và 2 phiên điều chỉnh.
Top 10 mã tác động lớn nhất lên chỉ số HNX-Index hôm nay chủ yếu tăng giảm trên dưới 1%, riêng 3 trụ lớn đứng giá gồm ACB, SHB và VCG.
Khối lượng giao dịch giảm 20% về lượng và 42% về giá trị so với phiên trước, đạt 43,9 triệu đơn vị, tương ứng với 0,3 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, KLF (+5,6%) dẫn đầu sàn khi đạt 11,9 triệu đơn vị. PVS (-0,8%) theo sau với 3,86 triệu đơn vị, HUT (đứng giá) đạt 3,1 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 22,7 tỷ đồng, tương đương 2,3 triệu đơn vị, tăng 97% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 22 mã và mạnh nhất là VCS được mua ròng 161 triệu đồng, tương đương 2,7 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 26 mã và mạnh nhất là PVS đạt 16 tỷ đồng, tương đương 1,36 triệu đơn vị.
Bình luận cuối ngày
Theo đánh giá của công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), về kỹ thuật, VN Index có phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp. Khối lượng giao dịch tuy có gia tăng so với phiên trước đó nhưng vẫn dưới mức bình quân 10 và 20 phiên hàm ý dòng tiền vẫn thận trọng. Tuy nhiên, chỉ số quay trở lại đóng cửa trên MA5 và duy trì đóng cửa trên MA20, kèm theo các chỉ báo RSI và MACD đang hướng lên tích cực, cho thấy chỉ số vẫn đang giữ được xu hướng phục hồi ngắn hạn. Do đó, trong trường hợp tích cực, chỉ số có thể hướng lên thử thách lại vùng đỉnh 797 điểm.
Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp và duy trì đóng cửa trên MA20, cho thấy xu hướng phục hồi ngắn hạn vẫn đang tiếp diễn. Ngưỡng kháng cự gần có thể quanh vùng tâm lý 110 điểm. Nhìn chung, thị trường đang nằm trong xu hướng phục hồi ngắn hạn. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tận dụng các phiên rung lắc kỹ thuật để tái cơ cấu lại danh mục của mình vào các cổ phiếu có cơ bản tốt và thu hút được dòng tiền mạnh.
Còn Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, tuần tới, Vn-Index dự báo sẽ dao động với các phiên tăng giảm đan xen trong biên độ 760-796 điểm. Thị trường nhiều khả năng sẽ có diễn biến phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong thời gian tới. Thêm vào đó, chỉ số có thể có biến động mạnh, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 trong tuần tới do các quỹ benchmark theo rổ VN30 sẽ phải thực hiện hoạt động tái cơ cấu danh mục cho quý II.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại, cùng với đó là biến động tiêu cực của giá dầu và các chỉ số chứng khoán thế giới. Ngoài ra, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.
Do đó, BVSC khuyến nghị duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-20% cổ phiếu. Sau khi đã thực hiện bán chốt lời tại vùng 790-820 điểm, nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài quan sát. Đối với các nhà đầu tư vẫn còn các vị thế ngắn hạn, có thể tận dụng các nhịp bulltrap của thị trường trong một vài phiên kế tiếp để canh bán giảm tỷ trọng.
>> Tóm lại 6 điểm đáng chú ý của phiên giao dịch chứng khoán ngày 23/4