Tóm lại 6 điểm đáng chú ý của phiên giao dịch chứng khoán ngày 23/4

Chứng khoán ngày 23/4, thanh khoản thấp không có nghĩa là “dòng tiền chạy khỏi chứng khoán”; nước ngoài tiếp tục bán ròng nhưng VIC đã ra khỏi Top 10…

>> Chứng khoán ngày 23/4: Thanh khoản thấp nhất trong 2 tháng

Thanh khoản thấp không có nghĩa là “dòng tiền chạy khỏi chứng khoán”

1. Thị trường thực sự đã nhảy “Vũ điệu Cô Vy” vào đầu phiên sáng nay. Tuy nhiên, giao dịch sau đó giảm sôi động cộng với bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, nên thị trường đi ngang trong hầu hết thời gian còn lại trong ngày.

VN-Index tăng 4,99 điểm tương đương 0,65% lên 773,91. Thanh khoản giảm mạnh còn 4.029 tỷ đồng trong đó 3.251 tỷ đồng trên HOSE (giảm 19,3% so với phiên hôm qua).

Có nhiều ý kiến cho rằng “dòng tiền chạy khỏi chứng khoán”. Bản chất thị trường là tiền mua luôn bằng tiền bán hay còn gọi là “zero-sum game” nên giá trị giao dịch giảm không phản ánh điều đó. Giá trị giao dịch giảm phản ánh một điều là thị trường giảm sự sôi động.

“Thực tế số liệu cho thấy giá trị giao dịch giảm đều ở các nhóm nhà đầu tư cả tổ chức lẫn cá nhân. Và như có lần chúng tôi đã đề cập, thanh khoản cao không phải lúc nào cũng tốt (như năm 2009 và 2018) và thanh khoản thấp không phải lúc nào cũng xấu (đáy của các bear market thì khối lượng rất thấp)”, báo cáo của FiinTrade cho biết.

Nhưng có thấp thật không? Nhìn vào số liệu, nếu loại các giao dịch thỏa thuận, giá trị giao dịch khớp lệnh phiên hôm nay (2,9 ngàn tỷ) thấp so với hôm qua và đang tương đương với mức bình quân từ đầu năm trở lại đây (3 ngàn tỷ).

Nguồn: FiinPro

2. Ngành Tài nguyên cơ bản (điển hình là mã HPG và HSG), Ô tô và phụ tùng (CSM và SRC), Bán lẻ (chủ yếu là MWG), Điện nước (PPC) & Xăng dầu khí đốt (GAS), Du lịch và Giải trí (HVN, VJC) tăng điểm.

Trong đó nhóm Công nghệ thông tin (chủ yếu là FPT), Ngân hàng và Truyền thông lại giảm điểm. FPT có lực bán từ khối tự doanh, ngành ngân hàng thì nước ngoài tiếp tục bán ròng rất mạnh.

Nước ngoài tiếp tục bán ròng những VIC đã ra khỏi Top 10

3. Nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng và hôm nay ở mức 337 tỷ toàn thị trường (HOSE: 314,2 tỷ, HNX 11,4 tỷ và UPCOM 11,4 tỷ). Trong top 10 cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất thì ngoài VNM, VRE còn lại 6 cổ phiếu ngân hàng.

Tin tốt hôm nay là VIC (đã bán ròng 2.090 tỷ từ đầu năm 2020 và riêng từ đầu tháng 4 đến nay là 1.999 tỷ) đã không có tên trong top 10 bán ròng.

HPG nước ngoài lại mua ròng trở lại hôm nay (25 tỷ). Như vậy, xu hướng bán ròng HPG đã giảm vì từ đầu tháng 4 đến nay thì nước ngoài bắt đầu mua ròng nhẹ lũy kế (96 tỷ) trong khi tháng 3 trước đó HPG được bán ròng tới 1,054 tỷ.

Nước ngoài bán mạnh cổ phiếu ngân hàng không chỉ tuần qua trước cả khi Fitch Ratings hạ bậc triển vọng một số ngân hàng. Cụ thể, nước ngoài bán ròng mạnh trong tháng 3 tổng cộng 1.236 tỷ đồng và trong tháng 4 họ đã bán 1.135,6 tỷ đồng. Vẫn còn 4 phiên giao dịch nữa nên có khả năng mức bán ròng sẽ lớn hơn tháng 3 vừa qua với xu hướng hiện nay. Xem Hình 3 phía sau.

Giao dịch Bán ròng của NĐTNN với cổ phiếu ngân hàng. Nguồn: FiinPro.

4. Nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn mua ròng 242 tỷ đồng trong khi tự doanh bán ròng 51 tỷ đồng và khối ngoại cũng bán ròng 341 tỷ đồng. Có sự đối ứng giữa nhà đầu tư cá nhân trong nước và nước ngoài bán ròng ở các cổ phiếu ngân hàng.

5. Giao dịch thỏa thuận sụt giảm mạnh chỉ còn 329 tỷ đồng, chiếm 10% giá trị giao dịch phiên ngày hôm nay trên HOSE. Giao dịch đáng chú ý là hơn 4 triệu cổ phiếu TCB được thỏa thuận ở giá trần. Tất cả các giao dịch thỏa thuận của TCB gần đây đều được thực hiện ở giá trần bất kể giá khớp trên sàn là tăng hay giảm.

6. Tính đến ngày 23/04/2020, 480 doanh nghiệp niêm yết (chiếm 34,8% vốn hóa thị trường) đã công bố chính thức hoặc ước tính kết quả kinh doanh Q1/2020. Trong đó, 385 doanh nghiệp báo lãi trong khi 95 doanh nghiệp báo lỗ hoặc không có lãi. Loại ra 6 doanh nghiệp không có BCTC Q1-2019, doanh thu của 474 doanh nghiệp giảm 2,8% trong khi LNTT giảm 24,9%.

(Theo FiinTrade)

Next Post

Giá vàng ngày 24/4: Đà tăng được duy trì bằng "nhiên liệu" dầu

T6 Th4 24 , 2020
Nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn như vàng vẫn được thúc đẩy trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị hạn chế. Giá dầu hồi phục cũng hỗ trợ cho vàng.
Copyright All right reserved

Chuyên mục