Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 162,8 tỷ USD trong 4 tháng phòng chống dịch Covid-19, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
>> CPI tháng 4 giảm 1,54%, thấp nhất 5 năm do giá xăng dầu giảm kỷ lục
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, do lo ngại việc tạm dừng xuất, nhập khẩu ở các thị trường lớn đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu trong 10 ngày cuối tháng 3, trong đó công ty Samsung gần như đã hoàn thành xuất khẩu sản phẩm điện thoại phiên bản mới.
Sang tháng 4 kim ngạch xuất khẩu ước tính giảm mạnh 18,4% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 162,8 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng ước tính xuất siêu 3 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,1 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,1 tỷ USD.
Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 82,9 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước chiếm 32%, tăng 12,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 68%, tăng nhẹ hơn 1%.
Kể từ đầu năm đã có 15 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 79,89 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước chiếm 42%, tăng 1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 58%, tăng 3%. Riêng tháng 4, nhập khẩu đạt 20,4 tỷ USD, giảm 8% so với tháng trước.
Kể từ đầu năm nay đã có 17 mặt hàng được nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Xét theo quy mô thị trường, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ 4 tháng đầu năm nay tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thị trường EU giảm 8%; Trung Quốc tăng 26%; ASEAN giảm 3%; Nhật Bản tăng 10%; Hàn Quốc giảm 0,2%.
Ở phía ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tuy kim ngạch giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hàn Quốc tăng 2,5%; ASEAN giảm 8%; Nhật Bản tăng 11%; EU tăng 8%; Hoa Kỳ tăng 9,6%.
(Theo TheLEADER)