Covid-19 đang khiến nhiều ngành nghề kinh doanh bị đình trệ, tuy nhiên, hoạt động trên các sàn thương mại điện tử vẫn diễn ra sôi nổi.
Covid-19 đang tạo ra những thay đổi lớn trong thói quen sinh họat và mua bán của người dân Việt Nam. Nhiều ngành nghề kinh doanh vì vậy cũng bị đình trệ. Tuy nhiên, hoạt động trên các sàn thương mại điện tử vẫn diễn ra sôi nổi và có các nhóm ngành hàng bán rất chạy, nhu cầu tăng gấp hàng trăm lần.
Công ty so sánh giá iPrice Group thống kê nhu cầu tìm kiếm trực tuyến của người tiêu dùng và phát hiện ra 6 nhóm sản phẩm nhờ Covid-19 mà bất ngờ “đắt như tôm tươi” trên các chợ trực tuyến.
Dụng cụ tập gym tại gia
Ngay từ khi Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, phong trào rèn luyện nâng cao sức khỏe đã xuất hiện mạnh mẽ trong cộng đồng, làm tăng nhu cầu cho các sản phẩm phục vụ hoạt động thể dục thể thao.
Xu hướng này đạt đỉnh vào cuối tháng 3 sau khi lần lượt UBND TP.HCM và UBND Hà Nội chỉ đạo đề nghị các cơ sở kinh doanh phòng tập thể hình tạm ngưng hoạt động.
Thông tin này dẫn đến nhu cầu tìm mua các sản phẩm tập gym tại gia như tạ, máy chạy bộ, xe đạp tập, v.v… trong tháng 3 tăng vọt, trung bình tăng 116% so với tháng trước, theo ghi nhận trên cơ sở dữ liệu của iPrice.vn.
Webcam và bàn phím máy tính
Nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng, nhiều công ty đã cho nhân viên của mình làm việc từ xa trong thời gian này. Như vậy cũng có nghĩa là nhiều nhân viên văn phòng đang phải sắm sửa công cụ để làm việc tại nhà hiệu quả hơn.
Trong đó quan trọng nhất là webcam để hỗ trợ hội họp, gặp gỡ khách hàng trực tuyến. iPrice.vn ghi nhận nhu cầu tìm mua mặt hàng này đã tăng đến 624% trong tháng 3.
Tương tự thì bàn phím và chuột máy tính cũng lần lượt được người tiêu dùng tìm nhiều hơn trước 264% và 67%.
Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà thì xu hướng mua sắm này chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong các tháng tới.
Vitamin C
Nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe hiển nhiên sẽ được ưa chuộng trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh hai sản phẩm luôn cháy hàng là khẩu trang và nước rửa tay khô thì Vitamin C cũng là một mặt hàng đang được nhiều người lùng mua.
Cụ thể, iPrice ghi nhận từ đầu tháng 3, nhu cầu tìm mua thực phẩm chức năng bổ sung Vitamin C đã tăng 42% so với tháng 2.
Các sản phẩm này được giới thiệu là có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng của cơ thể, làm giảm nhẹ các triệu chứng cảm cúm và vì vậy đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của người tiêu dùng.
Máy chơi game và đồ chơi các loại
Tính đến nay, sinh viên học sinh cả nước đã có hơn 3 tháng nghỉ học do ảnh hưởng của Covid-19. Việc các em không thể đến trường dẫn đến các mặt hàng phục vụ nhu cầu giải trí tại nhà trở nên đắt hàng, đặc biệt là với các sản phẩm công nghệ cao.
Người tiêu dùng Việt Nam hiện đặc biệt quan tâm tới máy chơi game Nintendo Switch và XBOX khi số lượt tìm kiếm cho hai dòng máy này trên iPrice.vn tăng lần lượt 59% và 40% trong tháng 3.
Bên cạnh đó thì các sản phẩm đồ chơi truyền thống như bộ ghép hình, súng nhựa, yo-yo hay hồ bơi cao su cũng đồng loạt được tìm mua nhiều hơn từ 30% đến 200%.
Thiết bị nhà bếp
Một thay đổi lớn trong thói quen sinh hoạt của người dân trong thời điểm này là phải ăn uống hoàn toàn tại nhà, hiển nhiên sẽ dẫn đến hoạt động nấu nướng gia tăng. Vì vậy, các hộ gia đình cũng đã bắt đầu mua sắm thêm thiết bị nhà bếp.
Với loại hàng này, nhu cầu tìm mua của người tiêu dùng bắt đầu tăng từ giữa tháng 2 và chủ yếu tăng cho các loại thiết bị hiện đại như máy ép trái cây, máy xay sinh tố, nồi chiên không dầu, nồi nấu chậm. Riêng trong tháng 3, các mặt hàng này đều được tìm mua nhiều hơn từ 50% đến 80%.
Cá biệt có sản phẩm máy đánh trứng đã tăng trưởng vượt bật 249% về nhu cầu tìm kiếm. Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhu cầu pha chế món cà phê Dalgona hiện đang là “gây bão” trên mạng xã hội.
Bao cao su
Hoạt động mua bán trực tuyến bao cao su vốn đã sôi động từ trước đến nay nhưng trong tình hình người dân cả nước đang phải hạn chế đi lại và ở nhà nhiều hơn thì nhu cầu tìm mua sản phẩm này đã tăng thêm 56% chỉ tính từ đầu tháng 3.
Nhu cầu tăng nhưng nguồn cung có nguy cơ giảm do Karex Berhad – công ty sản xuất bao cao su hàng đầu thế giới, hiện phải ngừng sản xuất vì lệnh phong tỏa tại Malaysia.