MSN trở thành tâm điểm hôm nay sau khi nhà đầu tư ngoại mua khủng thông qua thỏa thuận. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực không đủ, VN-Index vẫn đỏ.
>> Chứng khoán ngày 13/5: VN-Index đứt chuỗi 6 phiên hồi phục liên tiếp
HOSE – MSN đột biến
Tái diễn kịch bản sáng qua, theo đà của chứng khoán thế giới, chỉ số VN-Index rớt 8 điểm chỉ sau 20 phút giao dịch đầu về vùng 826 điểm, tạo đáy thấp nhất trong ngày.
Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy không mạnh mẽ như hôm qua, kèm theo việc thiếu trụ đỡ lớn khiến chỉ số VN-Index đành tạm dừng phiên sáng tại 831,32 điểm, giảm 2,89 điểm (-0,35%) so với tham chiếu. Giá trị giao dịch giảm mạnh 24%, đạt 2,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 182 triệu đơn vị.
Đến chiều, tâm lý trên thị trường chủ yếu vẫn thận trọng và đứng ngoài quan sát. Áp lực bán ra không lớn. Cho đến khi MSN tăng giá mạnh sau đợt mua khủng qua thỏa thuận của nhà đầu tư nước ngoài khiến chỉ số VN-Index vọt lên vùng 836 điểm, cao hơn 2 điểm so với tham chiếu, lập đỉnh ngày.
Mặc dù vậy, tín hiệu tích cực lại không được lan rộng trên thị trường khi tốc độ giao dịch của phần còn lại trên bảng điện tử vẫn chậm. Chỉ số VN-Idnex đóng cửa tại 832,4 điểm, giảm 1,81 điểm (-0,22%) so với tham chiếu.
Chốt phiên hôm nay có 161 mã tăng và 206 mã giảm giá, trong đó, 17 mã tăng trần và 10 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 10 mã tăng giá, trong đó MSN dẫn đầu tăng 3,23% và ROS theo sau tăng 2,37%. Ở phía ngược lại, ba mã giảm trên 2% gồm HDB, CTD và PNJ.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, GAS và VNM là hai mã góp phần lớn vào đà giảm của VN-Index với 0,8 điểm ảnh hưởng.
Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay phân hóa mạnh với số mã tăng giảm bằng nhau. Do đó, ngành này đã góp phần nhẹ vào đà giảm của VN-Index với 0,2 điểm ảnh hưởng.
Trái lại, MSN thành trụ lớn kìm hãm sự sụt giảm của chỉ số chính với 0,7 điểm ảnh hưởng.
Masan cũng vừa có thông báo niêm yết 20 triệu trái phiếu trên HOSE, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, với ngày giao dịch đầu tiên vào 18/5 tới đây.
Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 9% về lượng nhưng tăng 12% về giá trị so với phiên trước, đạt 341 triệu đơn vị, tương đương 7,54 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 67,1 triệu đơn vị, tương đương 3,03 nghìn tỷ đồng, với phần lớn thuộc về MSN.
Đáng chú ý, mã STB (+0,9%) với 12,6 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là HSG (+0,3%) với 10,2 triệu đơn vị và MBB (-1,1%) đạt 7,4 triệu đơn vị.
Khối ngoại mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp với 2,45 nghìn tỷ đồng, tương đương 43,26 triệu đơn vị, gấp 33 lần về giá trị so với phiên trước.
Trong đó, giao dịch đột biến đến từ cổ phiếu MSN khi khối này mua ròng tới 2,33 tỷ đồng, tương đương 38,92 triệu đơn vị, chủ yếu thông qua thỏa thuận. VNM theo sau được mua ròng 80,88 tỷ đồng; VCB với 51,7 tỷ đồng; VPB với 31,55 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VIC với 41,96 tỷ đồng, tương đương 438,8 nghìn đơn vị. Tiếp đến, VRE bị bán ròng 41,7 tỷ đồng, VHM với 17,5 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, bảy mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, THI (CTCP Thiết bị điện) tăng 10,1 lần; MHC (CTCP MHC) tăng 8,4 lần; JVC (CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật; đóng cửa giá trần) tăng 5,7 lần; DIC (CTCP Đầu tư và thương mại DIC; giá trần) tăng 4,6 lần; TLH (CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên; giá trần) tăng 4,6 lần; GEX (Tổng CTCP Thiết bị điện VN; giá trần) tăng 4,6 lần; TPB tăng 4,6 lần.
Đáng chú ý, cổ phiếu GEX cũng tăng kịch trần +6,8% lên 16.400 đồng, khớp lênh đột biến với hơn 6,04 triệu đơn vị, cao nhất trong gần 2 năm rưỡi qua, phiên gần nhất GEX khớp lệnh cao hơn là phiên 21/12/2018 với 10,16 triệu đơn vị.
Thông tin liên quan đến cổ phiếu này là việc thoái vốn khỏi mảng logistics thông qua hình thức bán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics trong khoảng quý II-III/2020.
Gelex hiện nắm cổ phần chi phối tại nhiều công ty logistics lớn như: Sotrans (54,8%), Sotrans Logistics (100%), Sowatco (84,4%), Vietranstimex (84%). Bên cạnh đó, Gelex Logistics cũng có hai trung tâm logistics tại Hà Nội (30 ha) và Long Bình – TP.HCM (50 ha).
HNX – Giằng co mạnh ở vùng 111 điểm
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, chỉ số HNX-Index tiếp tục giằng co mạnh trong vùng 111 điểm trong gần hết phiên hôm nay và đóng cửa ở 111,34 điểm, giảm 0,52 điểm (-0,46%), với 38 mã tăng giá và 48 mã giảm giá.
ACB (-1,38%) và VCS (-2,07%) là hai mã góp phần nhiều nhất vào đà giảm của chỉ số chính với 0,4 điểm ảnh hưởng.
Trái lại, PVI (tăng trần) đã trở thành trụ lớn kìm hãm đà giảm của chỉ số HNX-Index với 0,43 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch giảm 12% về lượng và 29% về giá trị so với phiên trước, đạt 61,8 triệu đơn vị, tương đương 475,4 tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, KLF (+5,3%) dẫn đầu sàn khi đạt 8,63 triệu đơn vị. ART (+7,1%) theo sau với 5,6 triệu đơn vị, PVS (-1,5%) đạt 4 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 11,94 tỷ đồng, tương đương 1,82 triệu đơn vị, giảm 32% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 22 mã và mạnh nhất là NTP được mua ròng 537 triệu đồng, tương đương 15,3 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 31 mã và dẫn đầu là SHB đạt 5,45 tỷ đồng, tương đương 318,1 nghìn đơn vị.
Trên sàn Hà Nội hôm nay, năm mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, SPI (CTCP SPI; đóng cửa giá trần) tăng 36,2 lần; PVX (CTCP Xây lắp dầu khí VN) tăng 19,8 lần; SCI (CTCP SCI E&C; giá trần) tăng 7,7 lần; VCR (CTCP Đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex; giá trần) tăng 6,1 lần; TKC (CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Tân Kỷ; giá trần) tăng 5,5 lần.
Bình luận cuối phiên
Theo đánh giá của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index điều chỉnh phiên thứ hai liên tiếp và HNX-Index cũng đứt chuỗi hồi phục sáu phiên liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh suy giảm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình. Áp lực bán gia tăng ngay khi thị trường hồi phục lên trên ngưỡng tham chiếu đã khiến các chỉ số kết phiên trong sắc đỏ.
Nếu loại bỏ việc mua ròng đột biến 2.474 tỷ đồng MSN thì thực tế là khối ngoại bán ròng nhẹ khoảng hơn 30 tỷ đồng trong phiên hôm nay.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 15/5, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc khi tiến đến ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%). Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể tận dụng những nhịp tăng lên gần ngưỡng kháng cự quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%) để giảm tỷ trọng cổ phiếu.
Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn nên tạm thời đứng ngoài và chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh vùng hỗ trợ trong khoảng 790- 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%).
Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ vùng 820-826 điểm trong phiên cuối tuần. Diễn biến thị trường vẫn sẽ biến động trong biên độ hẹp với sự giằng co và phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.
Về tổng thể, chỉ số vẫn đang duy trì đà tăng ngắn hạn với đích đến 860-880 điểm. Khối ngoại mua ròng trở lại trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt các lãi suất điều hành là các yếu tố hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong ngắn hạn.
Dù vậy, việc các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp có thể không như kỳ vọng sẽ là các yếu tố khiến cho các nhóm cổ phiếu trên thị trường có thể rơi vào trạng thái phân hóa mạnh.
BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 30-40% cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể xem xét bán trading một phần vị thế ngắn hạn đang có trong danh mục trong các phiên thị trường tăng điểm mạnh tại các vùng kháng cự 840-845 điểm và 860-880 điểm.