Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/5: NT2, NTC, GEX, HPG, BMI, PTB

Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/5 của các công ty chứng khoán.

>> 5 ngộ nhận khi đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/5: NT2, NTC, GEX, HPG, BMI, PTB
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2.

Khuyến nghị mua cổ phiếu NT2

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2: HSX) là nhà máy điện khí lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam với công suất 750 MW, sản lượng điện phát hàng năm đạt trên 4.5 tỉ kWh. Nhà máy được đặt tại khu vực kinh tế trọng điểm của khu vực Đông Nam Bộ và tiêu thụ điện nhiều nhất Việt Nam

PVGas sẽ đưa thêm các mỏ khí mới vào hoạt động như mỏ Thiên Ưng và Sao Vàng Đại Nguyệt, để bù đắp sự thiếu hụt sản lượng khí do các mỏ gần bờ đã được khai thác tới mức tới hạn. Đến năm 2021, dự kiến sản lượng khí sẽ đạt mức 20 triệu Sm3 /ngày so với mức 15 triệu Sm3 /ngày hiện tại.

Hàng năm, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh (CFO) của Nhơn Trạch 2 đạt trên 1,500 tỉ đồng. Hiện nay, NT2 đang phải trả cả gốc lẫn lãi vay bằng ngoại tệ trị giá khoảng 1,200 tỉ đồng/năm.

Đến năm 2021, khi Nhơn Trạch 2 trả hết nợ vay thì dòng tiền cho chủ sở hữu sẽ là rất lớn và ổn định, tạo điều kiện để tăng mức chi trả cổ tức cho cổ đông. Với mức giá cổ phiếu đóng cửa ngày 14/05/2020, bình quân trong vòng 5 năm trở lại đây, NT2 có mức lợi suất cổ tức tiền mặt 14.6%/năm. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu NT2.

Khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu HDG

CTCK BIDV (BSC)

Năm 2020, CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) đặt mục tiêu doanh thu 5.394 tỷ đồng (+tăng 24,2% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế 1.173 tỷ đồng (tăng trưởng 5%). Cụ thể đóng góp doanh thu từng mảng như sau (i) Bất động sản 3,659 tỷ đồng; (ii) Năng lượng 885 tỷ đồng; (iii) Văn phòng, khách sạn 190 tỷ đồng và (iv) Xây lắp 661 tỷ đồng.

HDG dự kiến nhu cầu vốn giải ngân cho các dự án mới năm 2020 sẽ khoảng 5.676 tỷ đồng. Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn này, công ty dự kiến sẽ sắp xếp từ lợi nhuận giữ lại và vốn vay. Nguồn huy động vốn vay đến từ: phát hành các lô trái phiếu thường với lãi suất 10.5%, vay ngân hàng khoảng 2.000 tỷ và phát hành 800 tỷ trái phiếu chuyển đổi với giá chuyển đổi tối thiểu 40.000 đồng.

Ngoài ra, HDG điều chỉnh tăng tỷ lệ chi trả cổ tức 2019 lên 40% (đã ứng trước 10% cổ tức 2019 bằng tiền mặt, dự kiến sẽ trả cổ tức cổ phiếu 30% vào tháng 6/2020).

Kết quả kinh doanh quý I/2020, HDG ghi nhận doanh thu 1.081 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái) với động lực chính từ mảng bất động sản và năng lượng, trong khi mảng khách sạn hầu như không ghi nhận doanh thu. Lợi nhuận sau thuế đạt 233,5 tỷ đồng (giảm 12%).

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động của công ty không trọng yếu do mảng cung cấp dịch vụ, cho thuê văn phòng, khách sạn chỉ đóng góp 7.7% lợi nhuận gộp năm 2019. Tiến độ bàn giao tại dự án Hado Centrosa Garden được giãn ra. Việc mở bán Hado Charm Villas cũng phải điều chỉnh theo diễn biến dịch bệnh nhưng đến thời điểm hiện tại chúng tôi cho rằng kế hoạch mở bán vào Q3-Q4 của HDG là khả thi.

BSC dự báo doanh thu thuần năm 2020 của HDG đạt 5.193 tỷ đồng (tăng 19,6% so với năm ngoái). Lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.170 tỷ (tăng trưởng 4,8%), tương đương với EPS = 8.134 đồng/CP (tính trên số CP đang lưu hành), P/E fw = 3 lần.

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu HDG với tăng trưởng khả quan trong năm 2020. Với thị giá hiện tại, HDG đang giao dịch dưới giá trị sổ sách (P/B fw 2020 = 0.8 lần (tính trên số CP hiện đang lưu hành)), khá hấp dẫn nếu xem xét kỹ về chất lượng tài sản của HDG (chủ yếu là các dự án năng lượng, chưa bao gồm đánh giá lại các dự án bất động sản và quỹ đất).

Khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu PLC với giá mục tiêu 18.800 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex-CTCP (PLC) đặt kế hoạch doanh thu mục tiêu đạt 5.016 tỷ đồng (giảm 19% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế ở mức 103,6 tỷ đồng, giảm 29% so với năm ngoái. Chia cổ tức tỷ lệ 14% tiền mặt.

BSC dự báo PLC sẽ ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 5.774 tỷ đồng (giảm 6,3% so với năm ngoái) và 128 tỷ đồng (giảm 11,4% so với năm ngoái) trong năm 2020.

chúng tôi khuyến nghị theo dõi mã cổ phiếu PLC với giá mục tiêu là 18.800 đồng/CP; tương ứng với upside 14.6% theo phương pháp P/E = 10x trong năm 2021, lãi suất chiết khấu 15%.

Có thể cân nhắc chốt lãi NTC tại vùng 200

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu NTC của Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên đang ở trong trạng thái tăng giá từ đầu tháng 4 đến nay đồng thuận với đà hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thanh khoản cổ phiếu những phiên gần đây vẫn đang duy trì giá trị tốt và ổn định. Các chỉ báo xu hướng hầu hết đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của NTC.

Tuy vậy, chỉ báo động lượng RSI đang ở trong vùng quá mua nên cổ phiếu có thể có những nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong đà tăng của mình. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của NTC nằm tại mốc 175.

Nếu đang nắm giữ, nhà giao dịch có thể cân nhắc chốt lãi tại vùng đỉnh cũ tại xung quanh ngưỡng 200, cắt lỗ nếu mốc 170 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị mua dành cho GEX với giá mục tiêu 22.600 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (GEX) công bố HĐQT đã thông qua kế hoạch thoái vốn toàn bộ 20% cổ phần tại CTCP Cảng Đồng Nai (HSX: PDN). Chúng tôi lưu ý rằng GEX đã thâu tóm 20% cổ phần này vào quý 2/2019 với tổng giá trị đầu tư 247 tỷ đồng. Thông tin chi tiết về bên mua, giá bán và thời gian giao dịch dự kiến vẫn chưa được công bố.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho GEX với giá mục tiêu 22.600 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 37,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 0,0%.

Khuyến nghị mua dành cho HPG với giá mục tiêu 33.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi đã tham gia cuộc họp nhà đầu tư của HPG vào ngày 15/5, đưa ra các thông tin xung quanh kết quả kinh doanh quý I/2020 và triển vọng năm 2020. Chúng tôi lưu ý kế hoạch bên dưới vẫn có khả năng thay đổi và sẽ được thông qua tại ĐHCĐ thường niên sắp tới của HPG vào ngày 25/06.

Ban lãnh đạo của HPG cho biết kế hoạch sơ bộ năm 2020 của công ty bao gồm doanh thu đạt 85-95 nghìn tỷ đồng (tăng 33-48% so với năm ngoái) và lợi nhuận ròng đạt 9-10 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 20-33%). Kế hoạch này là cao hơn dự báo của chúng tôi là 79 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 24%) doanh thu và 8,5 nghìn tỷ đồng (tăng 13%) lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số .

Các yếu tố dẫn dắt chính cho kế hoạch tích cực này là 1) hoạt động xây dựng tích cực trong nước bất chấp dịch COVID-19, đặc biệt vào thời điểm gần cuối năm 2020 khi HPG kỳ vọng cả các dự án nhà ở và hạ tầng tăng tốc, và 2) kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ mảng nông nghiệp.

Khi Khu phức hợp Gang Thép Dung Quất (DQSC) đi vào hoạt động thương mại trong tháng 12/2019, HPG kỳ vọng sản lượng thép xây dựng năm 2020 sẽ đạt 3,6 triệu tấn (tăng 28%), cao hơn dự báo hiện tại của chúng tôi là 3,3 triệu tấn (tăng 20%).

Trong 4 tháng đầu năm 2020, sản lượng thép xây dựng của HPG đã đạt 1 triệu tấn (tăng 7%), hoàn thành 30% dự báo cả năm của chúng tôi và 28% kế hoạch của công ty. Thị phần thép xây dựng của HPG hiện đạt 31% so với mức 26% vào cuối năm 2019.

HPG kỳ vọng mảng nông nghiệp đạt doanh thu 10 nghìn tỷ đồng (tăng 25%) và lợi nhuận ròng 1,3 nghìn tỷ đồng (tăng 115%) trong năm 2020. Chênh lệch giữa doanh thu và lợi nhuận của mảng này chủ yếu do giá thịt heo tăng mạnh vào cuối năm 2019.

Ban lãnh đạo của HPG cho biết kế hoạch thanh toán cổ tức 20% bằng cổ phiếu và tiền mặt 500 đồng/CP (lợi suất 2,1%) cho năm tài chính 2019. Đây là đợt chia cổ tức tiền mặt đầu tiên tính từ năm 2017 do khoản đầu tư vào DQSC. Khi công ty đang chuẩn bị hoàn thành các dự án đầu tư vốn xây dựng cơ bản lớn cho DQSC trong năm 2020, chúng tôi kỳ vọng công ty sẽ thanh toán cổ tức năm tài chính 2020 với tỷ lệ tiền mặt cao hơn.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho HPG với giá mục tiêu 33.500 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 42,6%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Khuyến nghị mua dành cho BMI với giá mục tiêu 26.800 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi công bố báo cáo lần đầu dành cho Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) với khuyến nghị mua cùng giá mục tiêu 26.800 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 29,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,7%.

BMI là 1 trong top 4 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam với doanh thu phí bảo hiểm gộp (GWP) đạt 4,3 nghìn tỷ đồng tính đến hết 2019 và sự hiện diện mạnh mẽ trong các mảng kinh doanh đang tăng trưởng như bảo hiểm sức khỏe & tai nạn cá nhân và bảo hiểm tín dụng.

Chúng tôi kỳ vọng ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ bước vào thị trường “cứng” (hard market) trong các năm tới, do đó, giảm tỷ lệ kết hợp và tạo ra thêm lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm.

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 21,9% giai đoạn 2020-2024, chủ yếu đến từ (1) CAGR GWP 7,8% và (2) mức giảm trung bình 46 điểm cơ bản YoY trong tỷ lệ kết hợp và (3) mức tăng 27 điểm cơ bản YoY trong tỷ lệ ROI ròng.

BMI hiện đang giao dịch với P/B 0,9 lần so với trung bình các công ty cùng ngành 3 năm là 1,1 lần.

Yếu tố hỗ trợ: SCIC và AXA thoái vốn tổng cộng 67,3% cổ phần.

Rủi ro: (1) tình hình thiên tai có thể dẫn đến tỷ lệ bồi thường cao hơn; (2) giá cổ phiếu giảm trên thị trường chứng khoán và khả năng giảm lãi suất huy động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thu nhập tài chính của BMI; (3) cạnh tranh gia tăng trong ngành và/hoặc sự tái phát của dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng phí bảo hiểm.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PTB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Phú Tài (PTB), dựa trên danh mục mỏ đá lớn của công ty, triển vọng tích cực của mảng kinh doanh đá thạch anh mới và tăng trưởng dài hạn của ngành xuất khẩu gỗ nội thất Việt Nam cũng như đà tiêu thụ xe hơi trong nước.

Chúng tôi giảm giá mục tiêu thêm 13% khi điều chỉnh giảm trung bình 14% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2022 do các gián đoạn trầm trọng hơn dự kiến do dịch COVID-19. Chúng tôi cũng giảm P/E mục tiêu thêm 15% do mức tăng 1 điểm phần trăm trong chi phí vốn chủ sở hữu của chúng tôi lên 14,2%, phần nào bù trừ cho việc gia hạn giá mục tiêu đến giữa năm 2021.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi (không bao gồm mảng bất động sản) đi ngang trong năm 2020, sau đó tăng mạnh 24%/23% lần lượt trong năm 2021/2022 nhờ phục hồi sau dịch COVID-19. Chúng tôi cũng kỳ vọng dự án căn hộ condo của PTB sẽ hoàn tất bàn giao và đóng góp 27% cho tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021.

Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E dự phóng năm 2020 của PTB là 9,1 lần, thấp hơn P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành là 11,5 lần. Theo quan điểm của chúng tôi mức chiết khấu này có thể duy trì do cơ cấu của công ty đa ngành, tham gia vào mảng bất động sản và công bố thông tin hạn chế của PTB.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: hoạt động xây dựng trong nước và tiêu thụ xe hơi tiếp tục chững lại do môi trường vĩ mô thách thức; mức thuế mới cho gỗ nội thất Việt Nam; triển khai kém tích cực trong mảng bất động sản và đá thạch anh.

(Theo ĐTCK)

Next Post

Dự báo giá vàng tuần 18-22/5: Tăng nhờ đô la giảm

T2 Th5 18 , 2020
Theo cuộc khảo sát giá vàng mới nhất của Kitco News, các chuyên gia thị trường và nhà đầu tư nghiệp dư đa số vẫn dự báo giá vàng tăng vào tuần tới.
Copyright All right reserved

Chuyên mục