Thanh khoản hôm nay đạt mức cao nhất 1,5 năm giúp VN-Index vọt qua ngưỡng kháng cự 850 điểm và đóng cửa tại đỉnh 2,5 tháng.
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/5: VNM, HPG, KBC, FPT
HOSE – Thanh khoản cao nhất trong 1,5 năm
Theo đà tăng của chứng khoán quốc tế, chỉ số VN-Index đã tăng vọt trong phiên ATO sáng nay lên vùng 851 điểm, cao hơn 14 điểm (+1,7%) so với tham chiếu. Sắc xanh chiếm đa số trên bảng điện tử và thanh khoản tăng cao. Nhóm ngân hàng cùng HPG tiếp tục làm trụ đỡ chính.
Nhờ dòng tiền chảy mạnh cùng tâm lý hưng phấn chiếm chủ đạo trên thị trường, chỉ số VN-Index tạm dừng phiên sáng tại 852,78 điểm, tăng 15,77 điểm (+1,88%) so với tham chiếu. Giá trị giao dịch tăng mạnh 110% so với sáng qua, đạt 5,16 nghìn tỷ đồng, tương đương 227,8 triệu đơn vị.
Đến chiều, VN-Index tiếp tục tăng và đạt đỉnh cao nhất trong ngày tại 854 điểm, cao hơn 17 điểm so với tham chiếu vào lúc 13h15. Tuy nhiên, áp lực xả hàng gia tăng khiến chỉ số chính lao dốc và đóng cửa tại 845,92 điểm, tăng 8,91 điểm (+1,06%) so với tham chiếu.
Chốt phiên hôm nay có 231 mã tăng và 135 mã giảm giá, trong đó, 11 mã tăng trần và 6 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 24 mã tăng giá. Trong đó có năm mã tăng trên 3% gồm CTG, TCB, HPG, PLX, EIB.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng phần lớn đều tăng giá riêng VPB giảm nhẹ. Do đó, ngành này đã góp phần vào đà tăng của VN-Index với 3 điểm ảnh hưởng.
Do VIC đứng giá, VHM và VRE tăng giá, nhóm cổ phiếu Vingroup đã tác động lên chỉ số chính thêm 1,5 điểm ảnh hưởng.
Ở cổ phiếu riêng lẻ, HPG, PLX là hai mã đẩy mạnh nhất chỉ số chính với 1,4 điểm ảnh hưởng.
Cổ phiếu HPG tăng mạnh trong hai phiên gần đây sau khi ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát cho biết kế hoạch lợi nhuận năm nay khoảng 9.000-10.000 tỷ đồng với doanh thu 85.000-90.000 tỷ, tăng hơn 26% so với thực hiện năm 2019, cùng dự .kiến mức chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt
Người đứng đầu Hòa Phát cũng dự báo, sau khi 4 lò cao đi vào hoạt động, Hòa Phát dự kiến sản xuất 8 triệu tấn thép mỗi năm, vượt Formosa (6 triệu tấn) để trở thành công ty thép lớn nhất Việt Nam vào năm 2021.
Khối lượng giao dịch hôm nay tăng 52% về lượng và 81% về giá trị so với phiên trước, đạt 385,2 triệu đơn vị, tương đương 8,06 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 91,5 triệu đơn vị, tương đương 2,7 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản hôm nay đạt mức cao nhất 1,5 năm kể từ phiên 5/10/2008.
Đáng chú ý, mã HPG (+4,2%) với 18,8 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là STB (+1,7%) với 15,4 triệu đơn vị và CTG (+4,4%) đạt 11 triệu đơn vị.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ hai liên tiếp với 95,91 tỷ đồng, tương đương 3,95 triệu đơn vị, tăng 7% về giá trị nhưng giảm 31% về lượng so với phiên trước đó.
Trong đó, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 26,14 tỷ đồng, tương đương 1,93 triệu đơn vị. CTG theo sau được mua ròng 24,13 tỷ đồng; VPB với 22,13 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VRE với 71,95 tỷ đồng, tương đương 2,85 triệu đơn vị. Tiếp đến, HPG bị bán ròng 31,4 tỷ đồng; VIC bị bán ròng 24 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, sáu mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, PTC (CTCP Đầu tư và xây dựng Bưu điện) tăng 17,7 lần; VPG (CTCP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát) tăng 15,1 lần;
LGL (CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Long Giang) tăng 4,7 lần; THI (CTCP Thiết bị điện) tăng 4,4 lần; GEX (Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam) tăng 4,2 lần; PET (Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí) tăng 4,1 lần.
HNX – Xanh nhẹ
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, sau khi tăng vọt lên vùng 110 điểm ngay đầu phiên thì chỉ số HNX-Index đảo chiều và lao dốc cho đến khi đóng cửa tại 108,83 điểm, tăng 0,29 điểm (+0,26%), với 47 mã tăng giá và 42 mã giảm giá.
ACB (+1,84%) và VIF (+9,7%) là hai mã góp phần nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số chính với 0,65 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch giảm 10% về lượng và 26% về giá trị so với phiên trước, đạt 61,8 triệu đơn vị, tương đương 622,8 tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, ART (+3,4%) dẫn đầu sàn khi đạt 7,5 triệu đơn vị. PVS (+0,8%) theo sau với 6,3 triệu đơn vị, HUT (đứng giá) đạt 5,9 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX quay lại mua ròng 0,66 tỷ đồng, tương đương 962,8 nghìn đơn vị, trong khi phiên trước đã bán ròng 6,43 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng 26 mã và mạnh nhất là VCS được mua ròng 1,45 tỷ đồng, tương đương 22 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 24 mã và dẫn đầu là PVS đạt 1,6 tỷ đồng, tương đương 121 nghìn đơn vị.
Trên sàn Hà Nội hôm nay, duy nhất mã HHG (CTCP Hoàng Hà) có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.
Bình luận cuối phiên
Theo đánh giá của công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), Phố Wall hồi phục mạnh trong phiên đêm qua trong bối cảnh mà những thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên người đang có những chuyển biến tích cực. Và diễn biến này đã có những tác động tốt đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên hôm nay.
VN-Index hồi phục phiên thứ hai liên tiếp và hiện đã vượt qua được ngưỡng 840 điểm (fibonacci retracement 50%), theo đó dư địa để thị trường tiếp tục hồi phục là vẫn còn với target tiếp theo quanh 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%). Khối ngoại tiếp tục bán ròng với khoảng 95 tỷ đồng trên hai sàn là một điểm tiêu cực cần lưu ý.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 20/5, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với ngưỡng kháng cự và hỗ trợ gần nhất quanh 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%) và 840 điểm (fibonacci retracement 50%).
SHS khuyến nghị nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên tiếp tục theo dõi thị trường trong các phiên tiếp theo và có thể chốt lời khi VN-Index tiến tới ngưỡng kháng cự quanh 880 điểm. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt có thể mua vào nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ gần nhất quanh 840 điểm.
Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm và duy trì trên ngưỡng 840-845 điểm trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường có thể sẽ đan xen các nhịp rung lắc, điều chỉnh trong phiên.
Nếu kiểm định thành công vùng quanh 840 điểm, chỉ số có cơ hội bước vào nhịp tăng điểm mới để hướng đến vùng kháng cự quan trọng 860-880 điểm trong ngắn hạn. Dòng tiền trên thị trường sẽ tiếp tục có xu hướng tập trung ở các nhóm ngành như vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ thông tin, dầu khí và nhóm hưởng lợi từ EVFTA (dệt may, thủy sản…).
BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 35-45% cổ phiếu. Thêm nữa, nhà đầu tư duy trì nắm giữ các vị thế trong danh mục và có thể xem xét mở các vị thế mua trading trở lại nếu chỉ số kiểm định thành công vùng 838-840 điểm. Hoạt động bán chốt lời các vị thế ngắn hạn trong danh mục có thể xem xét thực hiện tại vùng kháng cự 860-880 điểm của chỉ số.