Mặc dù gần 10 điểm hôm nay, nhưng tính cả tuần, VN-Index đã tăng 26 điểm, tương đương 3,1%, cùng 26 mã trong rổ VN30 tăng giá. HPG nổi bật tăng 16%.
>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/5: PHR, HPG, MWG, DXG, PNJ, VHM
HOSE – HPG ‘lội ngược dòng’
Áp lực xả hàng đến sớm khiến chỉ số VN-Index rớt vùng 855 điểm, thấp hơn 8 điểm so với tham chiếu chỉ sau 20 phút đầu giao dịch. Cổ phiếu lớn tạo gánh nặng với 26 mã trong rổ VN30 nằm dưới tham chiếu.
Thiếu trụ đỡ khiến chỉ số chính chật vật trong sắc đỏ và tạm dừng phiên sáng tại 856,19 điểm, giảm 6,54 điểm (-0,76%) so với tham chiếu. Thanh khoản tăng nhẹ so với sáng qua, đạt 2,84 nghìn tỷ đồng, tương đương 171,6 triệu đơn vị.
Đến chiều, VN-Index tiếp tục lao dốc và tạo đáy ngày tại vùng 852 điểm, thấp hơn 10 điểm so với tham chiếu chỉ sau 5 phút đầu trở lại giao dịch.
Thị trường không có thêm tín hiệu tích cực. Dòng tiền vớt đáy không đủ mạnh còn áp lực xả hàng tiếp tục gia tăng. Chỉ số chính đi lên được 4 điểm từ đáy rồi lại tiếp tục lao dốc và đóng cửa tại vùng đáy ngày 852,74 điểm, giảm 9,99 điểm (-1,16%) so với tham chiếu.
Tuần qua, VN-Index đã tăng 25,71 điểm (+3,1%) và ghi nhận 4 phiên tăng điểm, 1 phiên giảm.
Chốt phiên hôm nay có 124 mã tăng và 236 mã giảm giá, trong đó, 8 mã tăng trần và 13 mã giảm sàn.
Rổ VN30 có 29 mã giảm giá và duy nhất HPG ‘lội ngược dòng’ tăng giá 2,83%. Nhóm cổ phiếu giảm trên 3% gồm HDB, TCB, ROS.
So với cuối tuần trước, rổ VN30 có 26 mã tăng giá. Trong đó, ba mã tăng trên 8% gồm EIB, CTG và HPG. Ở phía ngược lại, ba mã giảm giá gồm MSN, VIC và REE. Duy nhất VJC đứng giá.
So với cuối tháng trước, rổ này cũng có 26 mã tăng giá. Ba mã tăng trên 20% gồm VHM, TCB và HPG. Bốn mã giảm giá gồm ROS, FPT, POW, VJC.
Đánh giá tác động lên chỉ số chính hôm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá toàn bộ. Do đó, ngành này đã góp phần lớn vào đà giảm của VN-Index với 3,3 điểm ảnh hưởng.
Nhóm cổ phiếu Vingroup gồm VIC, VHM và VRE đều giảm giá, nên đã tạo gánh nặng cho VN-Index với 3,3 điểm ảnh hưởng.
Ở cổ phiếu riêng lẻ, GAS và MSN là hai mã góp phần đáng kể vào đà giảm của chỉ số chính với 1,2 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch hôm nay giảm 8% về lượng và 2% về giá trị so với phiên trước, đạt 304 triệu đơn vị, tương đương 5,28 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 39 triệu đơn vị, tương đương 768,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mã HPG (+2,8%) với 16,3 triệu đơn vị dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE. Tiếp theo là STB (-2,9%) với 14,9 triệu đơn vị và HSG (+4,6%) đạt 10,4 triệu đơn vị.
Khối ngoại mua ròng trở lại với 23,7 tỷ đồng, tuy nhiên lại bán ròng về khối lượng với 6,89 triệu đơn vị. Trong khi đó, hôm qua khối này bán ròng 66,7 tỷ đồng.
Trong đó, VNM dẫn đầu sàn về khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 43,55 tỷ đồng, tương đương 380,7 nghìn đơn vị. VCB theo sau được mua ròng 36,85 tỷ đồng; VHM với 26,31 tỷ đồng; VRE với 17,6 tỷ đồng; VPB với 16,95 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là HPG với 30 tỷ đồng, tương đương 1,12 triệu đơn vị. Tiếp đến, E1VFVN30 bị bán ròng 22,52 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch hôm nay, ba mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, CKG (CTCP Tư vấn đầu tư và xây dựng Kiên Giang; đóng cửa giá trần) tăng 5,9 lần; ACL (CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang) tăng 5,8 lần; E1VFVN30 tăng 4 lần;
HNX – SHB dẫn dắt
Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, trái với diễn biến của VN-Index, chỉ số HNX-Index tăng mạnh từ sớm và đóng cửa tại 107,04 điểm, tăng 1,3 điểm (+1,23%), với 62 mã tăng giá và 95 mã giảm giá.
Tuần qua, HNX-Index đã giảm 1,98 điểm (-1,8%) và ghi nhận 2 phiên tăng điểm, 3 phiên giảm.
SHB (tăng trần) là mã góp phần chính vào đà tăng của chỉ số chính với 0,9 điểm ảnh hưởng.
Khối lượng giao dịch giảm 7% về lượng và 11% về giá trị so với phiên trước, đạt 71,4 triệu đơn vị, tương đương 764 tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Trong đó, SHB (tăng trần) dẫn đầu sàn khi đạt 13,8 triệu đơn vị. MBG (giảm sàn) theo sau với 10,7 triệu đơn vị, PVS (-3,9%) đạt 8,3 triệu đơn vị.
Về khối ngoại, sàn HNX tiếp tục bán ròng 3,34 tỷ đồng, tương đương 151,97 nghìn đơn vị, trong khi phiên trước bán ròng 0,1 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng 30 mã và mạnh nhất là PVI được mua ròng 306 triệu đồng, tương đương 10 nghìn đơn vị.
Trong khi đó, khối này bán ròng 28 mã và dẫn đầu là SHB đạt 2,15 tỷ đồng, tương đương 181 nghìn đơn vị.
Trên sàn Hà Nội hôm nay, ba mã có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày. Cụ thể, MBG (CTCP Đầu tư phát triển xây dựng và thương mại VN; đóng cửa giá sàn) tăng 10 lần; VE9 (CTCP Đầu tư và xây dựng VNECO 9) tăng 7,4 lần; DPS (CTCP Đầu tư phát triển Sóc Sơn) tăng 7,2 lần.
Bình luận cuối phiên
Theo đánh giá của của công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), VN-Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch tuy có suy giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn trên mức bình quân 20 phiên, hàm ý dòng tiền vẫn đang ở lại thị trường.
Không những vậy, chỉ số có thể vẫn giữ được xu hướng phục hồi, khi chỉ số đang duy trì đóng cửa trên MA5 và 20, kèm theo đường ADX nằm trên vùng 26 và đường +DI nằm trên –DI, cho tín hiệu cùng cố xu hướng phục hồi hiện tại, phiên giảm điểm vừa qua có thể chỉ mang tính kỹ thuật nhằm kiểm định lại MA100.
Thêm vào đó, chỉ báo MACD vẫn giữ trên Signal duy trì tín hiệu mua, chỉ số có thể sớm lấy lại đà tăng và tiến lên trinh phục ngưỡng kháng cự quanh vùng 860 điểm (vùng đáy 2019). Đối với sàn Hà Nội, HNX Index lại có phiên tăng trở lại. Chỉ số có thể đang vận động sideway quanh vùng 104-112 điểm, khi chỉ số liên tục cho tín hiệu giao cắt MA20 và các đường MA20 cho tới MA200 đang có xu hướng phẳng. Đồng thời, chỉ số đang bật tăng trở lại từ vùng hỗ trợ quanh MA100 và 200, cho thấy chỉ số đang có cơ hội quay lại thử thách ngưỡng 108.1 điểm (MA20) hoặc xa hơn sẽ là vùng cận trên 112 điểm.
Nhìn chung, thị trường có thể vẫn giữ được xu hướng phục hồi ngắn hạn. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp rung lắc kỹ thuật để tái cơ cấu lại danh mục vào các cổ phiếu có cơ bản tốt và thu hút được dòng tiền mạnh.
Còn công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 860-880 điểm trong những phiên đầu tuần tới. Khi tiếp cận vùng kháng cự mạnh này, chỉ số nhiều khả năng sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc điều chỉnh.
Trong phiên ngày hôm nay, các nhóm ngành vốn hóa lớn như bất động sản, ngân hàng hay dầu khí có dấu hiệu bị chốt lời trong khi nhóm ngành Thép lại có dấu hiệu thu hút được dòng tiền. Tuần sau cũng là thời gian các quỹ ETFs track theo chỉ số của MSCI tái cơ cấu nên thị trường có thể biến động. Nhà đầu tư có thể xem xét chốt lời ngắn hạn tại vùng 860- 880 điểm.
BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng danh mục xuống mức 30-40% cổ phiếu. Thêm nữa, nhà đầu tư duy trì nắm giữ các vị thế trong danh mục và tạm ngừng các hoạt động giải ngân mới. Việc bán chốt lời các vị thế ngắn hạn trong danh mục có thể xem xét thực hiện tại các mức giá cao khi chỉ số tiến vào vùng kháng cự 860-880 điểm.