Chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Group cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần được cứu trợ bằng chính sách chứ không phải bằng tiền.
>> Xu hướng đầu tư bất động sản trong thời kỳ ‘bình thường mới’
“Khi dịch bệnh xuất hiện, chúng tôi lại thấy bình thường”. Lời phát biểu có phần “ngược dòng” của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh Group, làm ngạc nhiên không ít người tham gia hội thảo tổ chức tại Thanh Hoá cuối tuần trước trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản đang vật lộn với khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Nhưng không phải đến khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, ông Dũng mới nếm trải khó khăn. “Ở Tân Hoàng Minh, lúc nào chúng tôi cũng như đang sống và chiến đấu với Covid-19”, vị doanh nhân khá kín tiếng bộc bạch trong lần xuất hiện hiếm hoi trước đám đông.
Thoạt nghe có vẻ như ông Dũng đang quá lời. Nhưng với những khó khăn mà ông cũng như nhiều nhà đầu tư bất động sản trải qua trong một thập kỷ qua, họ lúc nào cũng như trong tình trạng bị ốm, nên khi gặp khó khăn do dịch bệnh, ông cảm thấy bình thường.
“Nếu trong người mình lúc nào cũng ốm, luôn cố gắng để vượt qua nó như những khó khăn, thử thách trong cuộc sống thì dù có ốm thêm chút nữa cũng không vấn đề gì. Còn nếu lúc nào cũng thấy khoẻ, rồi kiêu căng, tự mãn thì khi ốm thật sẽ khó có thể vượt qua”, ông Dũng nói.
Dự án quây tôn 14 năm
Khởi nghiệp từ năm 1993 ở lĩnh vực taxi và thủ công mỹ nghệ, ông Dũng chuyển hướng hoàn toàn sang đầu tư bất động sản từ năm 2006 bằng cách thâu tóm những khu đất có vị trí đắc địa ở trung tâm Hà Nội để phát triển những dự án hạng sang.
Từng gây nghi ngờ về năng lực tài chính và phát triển dự án khi nhiều khu đất bỏ trống trong thời gian dài và có dự án xây dựng mãi không xong. Tuy nhiên, Tân Hoàng Minh không những vượt qua cuộc khủng hoảng bất động sản 2010-2013 mà còn đã và đang hoàn thành 6 dự án bất động sản tại Hà Nội như D’. Capitale, D’. Le Pont D’or và D’. Le Roi Soleil.
Trong suốt 15 năm thăng trầm với thị trường bất động sản, ông Dũng không ít lần rơi vào tình trạng ‘khóc dở mếu dở’. Ông Dũng gặp khó ngay khi quay lại Hà Nội sau một thời gian dài lập nghiệp ở TP. HCM khi bắt tay với một doanh nghiệp khác định xây trung tâm thương mại và bãi đậu xe ngầm ở công viên Lê Nin nhưng bị phản đối. Nhưng dự án bất động sản ở ngã tư Hàng Bài – Hai Bà Trưng mới ‘ngốn’ tiền bạc và thời gian nhất mà cho đến giờ này Tân Hoàng Minh vẫn chưa có lối ra.
Năm 2007, Tân Hoàng Minh mua khu đất rộng gần 4.000m2 cách hồ Gươm khoảng 100m. Mảnh đất nhỏ, nhưng lại toạ lạc ở vị trí ‘kim cương’ giữa trung tâm thành phố, nên đã nổi đình đám trong quá trình giải toả mặt bằng.
Trong khu đất này, có đất của một nhà máy bia rộng 3.700m2 và hầu như không vướng mắc trong việc đền bù giải toả. Phần đất còn lại của các hộ dân không nhiều nhưng lại tốn nhiều chi phí, công sức, tiền bạc và mất tới bốn năm mới giải toả xong.
“Chỉ có 293m2 nhưng tôi trả 265 tỷ đồng, tức gần 1 tỷ đồng/m2. Cuối cùng, vẫn phải có 500 công an đến cưỡng chế mới giải phóng xong mặt bằng”, ông Dũng nhớ lại.
Nhưng, đó mới chỉ là khởi đầu cho một chuỗi gian nan. Tưởng đã mừng khi giải phóng xong mặt bằng, ông Dũng lại mất thêm bốn năm nữa mới hoàn thành thủ tục tiếp theo là quyết định giao đất.
Chưa hết, năm 2015, Tân Hoàng Minh nộp hồ sơ tính tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, cho đến bây giờ dự án vẫn chưa tính xong tiền sử dụng đất, nghĩa là dự án đã mất 14 năm cho việc giải tỏa mặt bằng và hoàn thiện pháp lý.
“Có vô vàn lý do, nhưng lý do gì thì cán bộ tính tiền sử dụng đất vẫn phải chịu trách nhiệm, không thể để một miếng đất 14 – 15 năm không làm xong thủ tục”, ông Dũng khẳng định.
“Người ngoài nghĩ tôi không biết gì về tiền, không tiếc tiền khi để dự án giậm chân tại chỗ lâu như vậy. Xin thưa, về tài chính, tính cả trả lãi ngân hàng 5 năm, số tiền đổ vào dự án tăng gấp đôi. Khi mua 500 tỷ đồng, sau 5 năm là 1 nghìn tỷ đồng, 5 năm nữa 1.700 tỷ đồng, 5 năm nữa là 3 nghìn tỷ đồng. Tôi tính toán được hết những điều này, nhưng có những vấn đề nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp”.
“Tại sao đất đẹp mà tôi không xây, vì có ai cho tôi xây đâu, có giấy phép đâu. Giấy phép phụ thuộc vào việc tính tiền đất, không nộp tiền đất cho nhà nước thì làm sao có giấy phép được”, ông Dũng chia sẻ và nhấn mạnh, nếu không vướng mắc pháp lý thì tiến độ dự án sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Cũng theo vị doanh nhân, những vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính công chính là nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Việt Nam chưa phát triển tốt như nước khác.
Đây cũng chính là một trong những lý do đẩy giá nhà đất tăng cao suốt 5 năm qua do khi dự án chậm triển khai vì vấn đề thủ tục, nhà đầu tư sẽ tính toàn bộ chi phí tài chính vào giá thành sản phẩm.
“Chúng tôi không thể chịu lỗ, vì lỗ thì lấy gì trả ngân hàng. Lẽ ra tôi bán 30 triệu đồng/m2 nhưng vì thời gian chờ thủ tục kéo dài, chúng tôi cộng thêm 5 triệu đồng và bán giá 35 triệu đồng/m2”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính cũng khiến doanh nghiệp bất động sản không có lãi lớn như nhiều người vẫn tưởng.
“Trước đây, nếu doanh nghiệp làm sớm, làm nhanh, xây tốt, một dấu, một cửa thì lãi thật, còn giờ trăm cửa, trăm dấu thì lợi nhuận chỉ 5 – 7%. Các nhà làm bất động sản có vẻ giàu, đó vì họ làm rất lớn, còn làm nhỏ thì chắc chắn không được”, ông Dũng nói.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản được ông Dũng chỉ ra là bất động sản bị coi như “con ghẻ, con nuôi” của nền kinh tế nên còn khoảng trống chính sách hoặc có những chính sách không thay đổi trong thời gian dài và không còn phù hợp với nhu cầu thị trường.
Doanh nghiệp không cần cứu trợ bằng tiền
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp bất động sản, ông Dũng cho rằng, việc các ngân hàng giảm lãi vay, nhà nước hoãn thuế cho doanh nghiệp là cần thiết, nhưng nên ưu tiên cho các ngành nghề khác thay vì bất động sản.
“Trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19, Tân Hoàng Minh vẫn ổn. Ba tháng không bán nhà, chúng tôi không sao, thậm chí giá nhà vẫn lên”, ông Dũng tiết lộ và cho rằng một doanh nghiệp khó khăn chỉ 3 tháng mà phá sản hay kêu cứu là yếu kém, nên loại bỏ.
Ông Dũng nói doanh nghiệp không cần hoãn thuế đất trong vòng vài tháng hay cứu trợ bằng tiền mặt mà ông mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết ngay các cơ chế chính sách đang khiến hàng nghìn dự án đang ách tắc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản phát triển.
Ông đề xuất Chính phủ và các địa phương cần rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án gọn lại trong vòng một năm.
“Đây là điều các doanh nghiệp đang rất mong mỏi. Việc giải quyết các vấn đề thủ tục, cấp phép đầu tư với doanh nghiệp bất động sản còn quý hơn vàng”, ông Dũng nói.
(Theo TheLEADER)