Làm sao để giữ chân doanh nghiệp trong chuỗi giá trị tái chế

Tái chế là phương án xử lý rác thải hiệu quả nhất hiện nay, không chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm mà còn tạo ra giá trị kinh tế, hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

>> Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ kinh nghiệm quốc tế

Đối với những quốc gia đang phát triển và tồn tại vấn nạn ô nhiễm rác thải rắn nghiêm trọng như Việt Nam, thúc đẩy công tác tái chế chất thải đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực, đặt ra yêu cầu cần phải thu hút thêm nguồn lực đầu tư, tham gia xây dựng chuỗi giá trị tái chế.

Tuy nhiên, đi sâu vào thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác tái chế nói riêng và xử lý chất thải nói chung, đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực cải thiện từ các bên liên quan.

Gắn tái chế với lợi nhuận

Theo các chuyên gia thuộc Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), mô hình tái chế tạo ra lợi nhuận sẽ tự hoạt động theo cơ chế thị trường, vừa thu hút đầu tư, vừa nâng cao tính cạnh tranh, tạo ra động lực phát triển.

Thực tế, tái chế và kinh tế tuần hoàn có nhiều tiềm năng để tạo ra lợi nhuận cao. Theo Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), tái chế một chiếc chai nhựa có thể tiết kiệm được một nguồn năng lượng cung cấp cho bóng đèn 30W hoạt động liên tục trong 300 giờ.

Làm sao để giữ chân doanh nghiệp trong chuỗi giá trị tái chế

Theo ông Jeff Fielkow, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tetra Pak Việt Nam, có một thực trạng đáng buồn là hiện nay, nhiều đơn vị tái chế đang hoạt động dựa vào nguồn rác thải nhập khẩu, trong khi nhiều chất thải rắn vẫn chưa được thu gom, xử lý hoặc xử lý theo phương pháp đốt và chôn lấp.

Như vậy, dường như bất cập trong hiệu quả công tác quản lý chất thải đang làm lãng phí tài nguyên rác.

Từ đó, ông Fielkow cho rằng nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại rác thải tại nguồn là yếu tố tiên quyết cho việc xây dựng chuỗi giá trị tái chế. Chỉ khi đảm bảo đủ đầu vào chất lượng cao, các đơn vị tái chế mới có đủ nguồn lực để duy trì hoạt động cũng như tiếp tục đầu tư đổi mới, nâng cao công nghệ, giúp hiệu quả tái chế ngày một tốt hơn.

Về phía nhà tái chế, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam bày tỏ mong muốn các sản phẩm tái chế được đón nhận tích cực hơn, có cơ hội cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.

Để làm được điều này, ông Vượng đề xuất tiến hành dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm nhựa trên thị trường, quy định hàm lượng nhựa tái chế tối thiểu cũng như những hỗ trợ về công nghệ, vốn vay, ưu đãi thuế dành cho đơn vị tái chế.

Bên cạnh đó, cần phải có những quy định chứng nhận chất lượng của sản phẩm tái chế, giúp các doanh nghiệp làm ăn chân chính tránh khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh từ những cá nhân, đơn vị lợi dụng ưu đãi để sản xuất sản phẩm tái chế kém chất lượng để trục lợi.

Ông Hoàng Trung Sơn, Tổng giám đốc Công ty giấy Đồng Tiến, đối tác tái chế vỏ hộp sữa giấy lớn nhất của Tetra Pak nhận định, người tiêu dùng cũng có thể giúp cho hoạt động tái chế diễn ra hiệu quả và đem lại nhiều lợi nhuận hơn.

Cụ thể, ông Sơn mong muốn người tiêu dùng tích cực vứt rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải tại nguồn đồng thời xử lý sơ rác thải trước khi vứt bỏ.

Tái chế để thể hiện trách nhiệm đối với xã hội

Trong bối cảnh kinh tế phát triển và kinh doanh ngày càng cạnh tranh gay gắt, thực hiện trách nhiệm xã hội luôn được đặt lên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Thúc đẩy tham gia vào quy trình tái chế được xem như một phương án để doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), khi nhãn hiệu của họ được in lên trên bao bì và xuất hiện nhan nhản tại các bãi rác tiêu dùng, gắn chặt hình ảnh của thương hiệu với vấn nạn rác thải.

Làm sao để giữ chân doanh nghiệp trong chuỗi giá trị tái chế
Những Coca Cola, La Vie, Nutifood… xuất hiện nhan nhản tại các bãi rác có lẽ khiến các doanh nghiệp này luôn trăn trở về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội và môi trường.

Ông Laurent Levan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc URC Việt Nam cho biết, bao bì nhựa đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng là nguyên nhân gây ra khủng hoảng rác thải nhựa.

Chính vì vậy, trên cương vị là một nhà sản xuất ngành hàng tiêu dùng nhanh hàng đầu Việt Nam, ông Levan bày tỏ mong muốn được hợp tác cùng người dân, chính quyền cũng như các bên liên quan khác để thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và môi trường sống.

Đây cũng chính là lý do khiến những doanh nghiệp FMCG hàng đầu chung tay thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), hướng mục tiêu vào việc xây dựng chuỗi giá trị tái chế, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho toàn ngành bao bì, tiến tới cho cả những lĩnh vực gây ô nhiễm khác như sản phẩm điện tử, pin – ắc quy, hóa chất…

Ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch PRO Việt Nam cho biết, đây là sáng kiến được thành lập một cách tự nguyện bởi các doanh nghiệp lớn, bao gồm các đối thủ có mối quan hệ cạnh tranh trên thị trường lần đầu tiên cùng nhau hợp tác vì mục tiêu chung tốt đẹp.

Bình luận về những nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy xử lý rác thải có hiệu quả, ông Tazzi tỏ ra vô cùng vui mừng và bất ngờ về công cụ chính sách Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất được đưa vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tuy nhiên, đại diện PRO Việt Nam cho rằng các khung chính sách sẽ phát huy tác dụng tốt hơn nếu có những quy định cụ thể nhằm khuyến khích thay đổi thiết kế bao bì cũng như tạo ra cơ chế có sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền các cấp và các cơ quan chính phủ.

(Theo TheLEADER)

Next Post

Quỹ tư nhân sẵn sàng đánh cược vào thị trường cổ phiếu

T5 Th9 24 , 2020
Đại dịch Covid-19 đã tạo những đứt gãy đối với dòng vốn chảy vào quỹ đầu tư vốn tư nhân (private equity - PE) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng tiềm năng tăng trưởng dài hạn vẫn lớn.
Copyright All right reserved

Chuyên mục