Trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/6 của các công ty chứng khoán như BSC, Bản Việt (VCSC.
>> Đã đến lúc huy động vốn cổ phần mới?
Có thể mở vị thế đối với TRC quanh vùng giá 30-31
Cổ phiếu TRC của Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh nằm trong xu hướng hồi phục sau khi tạo đáy tại ngưỡng giá 21.3. Thanh khoản cổ phiếu bắt đầu có dấu hiệu hồi phục trong hai phiên giao dịch gần nhất.
Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá của cổ phiếu. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, báo hiệu xu hướng tăng giá trung hạn.
Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh quanh vùng giá 30-31 và có thể cân nhắc chốt lãi tại vùng kháng cự 39-40 trong các phiên giao dịch tới. Cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 27.5.
Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 34.600 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Kết quả kinh doanh quý I/2020 của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) suy giảm 46% so với cùng kỳ do khoản lợi nhuận lãi đột biến từ giao dịch mua giá rẻ trong quý I/2019. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt đạt 416 tỷ đồng (tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và 73,6 tỷ đồng (giảm 46%)
(2) Theo ước tính của BSC, tổng giá trị mở bán mới năm 2020 của NLG trong kịch bản tích cực có thể ước đạt khoảng 5.266 tỷ đồng (giảm 10,9% so với năm ngoái) tương đương với khoảng 2.000 sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã làm chậm kế hoạch mở bán chậm hơn dự kiến khoảng gần 2 quý.
(3) NLG đặt kế hoạch kinh doanh 2020 sụt giảm 14,5% so với kết quả kinh doanh 2019.
(4) NLG dự kiến huy động tối đa 500 tỷ trái phiếu trong quý II/2020.
BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2020 của NLG lần lượt ước đạt 1.438 tỷ đồng (giảm 43,6% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 858 tỷ đồng (giảm 11%). EPS FW 2020 = 3.139 đồng. PE FW 2020 = 8,2 lần.
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 34.600 đồng, +38.5% so với mức giá ngày 23/06/2020 là 25,000 đồng (giảm 7.4% so với giá mục tiêu cũ, do điều chỉnh cập nhật thông tin một số dự án) dựa trên phương pháp RNAV với mức chiết khấu WACC = 13% cho các dự án và mức 10% cho rủi ro về khả năng chậm trễ trong tiến độ bán hàng.
Khuyến nghị mua dành cho PNJ với giá mục tiêu 68.100 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố kết quả kinh doanh 5 tháng 2020, trong đó doanh thu đạt 6.521 tỷ đồng (giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 364 tỷ đồng (giảm 30%). Kết quả này tương ứng với doanh thu tháng 5 đạt 1.019 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỷ đồng (tăng 22%).
Trong tháng 5, doanh thu bán lẻ và bán sỉ tăng lần lượt 20% và 18%, chúng tôi cho rằng doanh thu khả quan trong tháng 5 được hỗ trợ bởi (1) nhu cầu dồn nén sau khi giãn cách xã hội được gỡ bỏ từ cuối tháng 4 và (2) mức cơ sở thấp của tháng 5 năm 2019 với nguyên nhân từ sự cố phát sinh trong quá trình triển khai hệ thống ERP mới. Trong khi đó, doanh thu vàng miếng tăng mạnh 42% trong tháng 5 được hỗ trợ một phần bởi diễn biến tăng của giá vàng.
Nhìn chung, lũy kế trong 5 tháng 2020, chúng tôi ước tính doanh thu bán lẻ giảm 2%, chủ yếu do doanh thu suy yếu trong tháng 4 khi có thời điểm PNJ phải đóng gần 90% số cửa hàng do các biện pháp giãn cách xã hội.
Biên lợi nhuận gộp tổng của PNJ ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ, đạt 19,7% trong 5 tháng 2020 so với 22,5% trong 5 tháng 2019, chúng tôi cho rằng có 2 nguyên nhân chính: (1) tỷ trọng tăng lên của vàng miếng, vốn có biên lợi nhuận thấp, trong tổng doanh thu và (2) biên lợi nhuận gộp giảm của mảng bán lẻ, từ hơn 34% trong 5 tháng 2019 xuống còn hơn 30% trong 5 tháng 2020, theo ước tính của chúng tôi.
Chúng tôi cho rằng nguyên nhân sụt giảm của biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ đến từ cơ cấu hàng bán – trong bối cảnh kinh tế nhiều thách thức – người mua có xu hướng chuyển dịch sang trang sức có hàm lượng vàng cao thay vì trang sức đính đá quý, vốn có biên lợi nhuận cao hơn.
Ngoài ra, nỗ lực cắt giảm chi phí giúp tổng chi phí hoạt động giảm 2% trong tháng 5 và giảm 4% trong 5 tháng 2020.
Lũy kế 5 tháng 2020, PNJ mở mới 12 cửa hàng vàng trong khi đóng 6 cửa hàng vàng và 2 cửa hàng bạc. Công ty cũng tăng thêm 19 điểm bán đồng hồ (mô hình shop-in-shop), nâng tổng số cửa hàng toàn chuỗi lên 350 vào cuối tháng 5 2020 (trong đó có 294 cửa hàng vàng).
Chúng tôi có khuyến nghị mua đối với PNJ, giá mục tiêu 68.100 đồng/CP, tương đương tổng mức sinh lời dự phóng 16,9% (bao gồm lợi suất cổ tức 3%).
Khuyến nghị mua dành cho PVT với giá mục tiêu 13.400 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) đặt mục tiêu cho năm 2020 bao gồm doanh thu đạt 6,2 nghìn tỷ đồng (giảm 19,9% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 430 tỷ đồng (giảm 46,6%). Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt cao hơn 12,7% và 8,3% mục tiêu tương ứng năm 2019; tuy nhiên, lần lượt thấp hơn 14,3% và 21% dự báo năm 2020 của chúng tôi.
Chúng tôi lưu ý rằng PVT thường đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng khi lợi nhuận thực tế thường gấp đôi con só mục tiêu trong vòng 5 năm qua.
Đáng chú ý, PVT đề xuất chia cổ tức tiền mặt ở mức 400 đồng/CP (lợi suất 3,7%) và cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 15%, chúng tôi cho rằng kế hoạch này khá tích cực khi chúng tôi không kỳ vọng công ty sẽ chia cổ tức tiền mặt cho năm 2019.
Trong khi đó, PVT duy trì kế hoạch mở rộng đội tàu tham vọng cho năm 2020 với vốn XDCB 7,4 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch vốn xây dựng cơ bản này cao hơn 3 lần so với dự báo của chúng tôi, chúng tôi cho rằng mức chênh lệch này do 1) đang thực hiện trước các thủ tục để phê duyệt vốn xây dựng cơ bản nhằm sẵn sàng khi PVT cần thực hiện giải ngân (khi PVT là 1 công ty có vốn Nhà nước) và 2) ban lãnh đạo nhận thấy nhu cầu đáng kể cho vận tải dầu thô và LPG trong khu vực cũng như nhập khẩu than đá và LNG.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho PVT với giá mục tiêu 13.400 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 22,4%). Theo giá đóng cửa hôm nay, PVT hiện được giao dịch tại EV/EBITDA dự phóng năm 2020 là 4,0 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Khuyến nghị mua dành cho FPT
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP FPT (FPT) khi nâng giá mục tiêu thêm 3% khi chúng tôi điều chỉnh tăng nhẹ dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020/2021/2022 thêm 4%/1%/1%. Các điều chỉnh này chủ yếu đến từ tăng trưởng doanh thu trong mảng Xuất khẩu Phần mềm duy trì ổn định hơn dự kiến.
FPT hiện đang giao dịch với PEG 3 năm 0,7 lần dựa theo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS giai đoạn 2019-2022 của chúng tôi 17%, được củng cố vởi tăng trưởng nhanh của mảng Xuất khẩu Phần mềm tăng trưởng, Viễn thông và Giáo dục. Chúng tôi dự phóng 3 mảng kinh doanh này sẽ đóng góp tổng cộng 87% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự phóng vào năm 2022 so với khoảng 78% năm 2019.
Bất chấp các khó khăn trong ngắn hạn, chúng tôi tin rằng mảng Xuất khẩu Phần mềm của FPT có thể hưởng lợi sau dịch COVID-19 khi (1) các khách hàng có thể đa dạng hóa dịch vụ cung ứng khỏi các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc và Ấn Độ, các quốc gia có hoạt động và khả năng bàn giao dự án đã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, và (2) công nghệ thông tin, đặc biệt là chuyển đổi số, hiện đang trở nên quan trọng hơn trong hoạt động, tiếp diễn và chiến lược kinh doanh.
Rủi ro: cạnh tranh gay gắt trong mảng viễn thông đến từ các đối thủ trong cả mảng băng thông rộng cố định và di động; dịch COVID-19 kéo dài có thể ảnh hưởng chi tiêu cho công nghệ thông tin trên toàn cầu.
(Theo ĐTCK)