Trong ngày mừng sinh nhật thị trường chứng khoán tròn 20 năm tuổi, các sàn đều chìm trong sắc đỏ, VN-Index mất hơn 10 điểm xuống mức thấp nhất ngày.
>> Top 10 cổ phiếu tăng, giảm giá mạnh nhất tuần 13 – 17/7
Hôm nay (20/7) tròn 20 năm khai mở thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng nhiều nhà đầu tư lại không thể vui mừng trong ngày vui chung của thị trường.
Tâm ly thận trọng khiến thị trường giảm điểm từ sớm và duy trì sắc đỏ trong suốt phiên giao dịch sáng với thanh khoản thấp. Bước vào phiên chiều, dù nỗ lực hồi phục đầu phiên, nhưng áp lực bán gia tăng, trong khi lực cầu quá yếu khiến VN-Index quay đầu đi xuống và lùi thẳng về mức thấp nhất ngày khi chốt phiên.
Đóng cửa, với 282 mã giảm, trong khi chỉ có 112 mã tăng, VN-Index giảm 10,62 điểm (-1,22%), xuống 861,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 285 triệu đơn vị, giá trị 4.768,9 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên cuối tuần qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 29 triệu đơn vị, giá trị 937 tỷ đồng.
Cũng giống như phiên sáng, toàn bộ các cổ phiếu lớn giảm giá, trong đó có nhiều mã nới rộng đà giảm so với phiên sáng. Các mã giảm trên dưới 2% có BID, HPG, MSN, VRE, PLX, BVH. Các mã giảm trên dưới 1,5% có VIC, VHM, GAS, CTG, VJC, VPB, MBB, FPT, POW, STB, PNJ. Còn lại là các mã giảm dưới 1%.
Trong số đó, HPG vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 11,6 triệu đơn vị, tiếp đến là STB hơn 8 triệu đơn vị, MBB hơn 3 triệu đơn vị, CTG gần 3 triệu đơn vị.
Trong các mã thị trường, ITA vẫn duy trì được sắc xanh với mức tăng tốt hơn phiên sáng khi đóng cửa tăng 4.48% lên 4.900 đồng, khớp hơn 13,8 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường. Ngoài ra, “người em” KBC cũng đóng cửa tăng 2,43% lên 14.750 đồng, khớp gần 4 triệu đơn vị.
Cũng đóng cửa tăng giá có SZC, DAH, GTN, HHS, OGC, TTF…, đặc biệt là DAH có biến động giá rất lớn, từ sàn lên trần.
Cổ phiếu này phiên sáng có lúc còn dư bán sàn, nhưng sang phiên chiều đã được kéo thẳng lên mức trần 10.550 đồng, trước khi hạ nhiệt cuối phiên, đóng cửa ở mức 10.500 đồng, tăng 6,49% với 3,1 triệu đơn vị được khớp.
Ngoài một vài điểm sáng trên, đa số còn lại đều chìm trong sắc đỏ, thậm chí nhiều mã xuống mức sàn như LDG, SJF. Trong đó, LDG giảm sàn xuống 6.130 đồng, khớp 8 triệu đơn vị, còn dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị sau thông tin DXG và công ty còn thoái toàn bộ 8,8 triệu cổ phiếu.
DXG cũng không thoát khỏi sắc đỏ khi đóng cửa giảm hơn 4% xuống 10.700 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị.
ROS đứng thứ 2 về thanh khoản sau ITA khi khớp 12,7 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,36% xuống 2.900 đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số chính của sàn này nỗ lực hồi phục, nhưng không thể bước quá xa so với mức đáy xác lập cuối phiên sáng.
Chốt phiên, với 62 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index giảm 1,09 điểm (-0,93%), xuống 115,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,9 triệu đơn vị, giá trị 523 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng, tăng nhẹ hơn 1% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,9 triệu đơn vị, giá trị 158,6 tỷ đồng.
HUT vẫn là mã có thanh khoản nhất sàn với 5,5 triệu đơn vị và vẫn đứng ở mức tham chiếu 2.500 đồng. NVB thoát sắc đỏ khi đóng cửa ở mức tham chiếu 9.000 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị, đứng sau HUT và trên SHS (hơn 3 triệu đơn vị), nhưng SHS giảm 2,9% xuống 13.400 đồng.
Trong các mã lớn, chỉ có PVI tăng nhẹ 0,67% lên 30.000 đồng, NTP tăng 2,28% lên 31.400 đồng, còn lại cũng đều giảm giá. Trong đó, ACB giảm 1,21% xuống 24.500 đồng, SHB giảm 0,77% xuống 12.900 đồng, VCG giảm 1,14% xuống 26.000 đồng, VCS giảm 1,1% xuống 62.700 đồng.
UPCoM cũng có diễn biến giống HNX khi nỗ lực hồi phục, nhưng bất thành, chỉ tránh được mức đáy của ngày khi chốt phiên.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,48%), xuống 57,29 điểm với 69 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,9 triệu đơn vị, giá trị 268 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, giá trị 69 tỷ đồng.
Chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là LPB, VIB và BSR, trong đó LPB đứng giá tham chiếu 8.800 đồng, VIB tăng 1,54% lên 19.800 đồng, còn BSR giảm 2,82% xuống 6.900 đồng.
Trên thị trường phái sinh, tương đồng với VN30-Index, các hợp đồng tương lai chỉ số này đều giảm điểm tương đương với mức giảm của VN30. Cụ thể, VN30-Index giảm 1,33%, còn VN30F2008 giảm 1,41% xuống 796,5 điểm với 137.102 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 17.936 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm khi chỉ có 5 mã tăng, còn lại đều giảm. Trong đó, CMBB2002 có thanh khoản nhất với 488.180 đơn vị, đóng cửa giảm 27,27% xuống 400 đồng.
(Theo ĐTCK)